Dự kiến chạy lại tàu khách từ tháng 10 với nhiều yêu cầu về phòng chống dịch. |
Khơi thông lại đường sắt
Ngoài việc tất cả các lái tàu, nhân viên phục vụ trên tàu, hành khách phải tuân thủ “Thông điệp 5K”, khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế; hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) còn có nhiều quy định nghiêm ngặt khác, để đảm bảo tính chủ động, thống nhất, đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện hoạt động vận tải.
Đơn cử, các lái tàu, nhân viên phục vụ trên tàu phải xét nghiệm SARS-CoV-2 (bằng PCR hoặc test kháng nguyên nhanh) khi có ho, sốt, khó thở hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan. Các nhà ga đường sắt phải đảm bảo an toàn, an ninh, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường và các quy định về phòng, chống dịch COVID-19…
Đáng lưu ý, Bộ GTVT không yêu cầu xét nghiệm đối với người đã tiêm 01 liều vắc xin sau 03 tuần hoặc đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 06 tháng.
Trong quá trình thực hiện, căn cứ vào tình hình dịch COVID-19 tại các địa phương và trên cơ sở ý kiến thống nhất của UBND cấp tỉnh có ga đường sắt (nơi đi, nơi đến), Cục Đường sắt Việt Nam quyết định áp dụng thực hiện số đôi tàu hoạt động, ga dừng đón, trả khách trên hành trình đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch tốt, đảm bảo lưu thông vận tải hiệu quả. Đơn cử, tại địa phương/vùng có nguy cơ cao (Cấp 3), các phương tiện giao thông công cộng đường sắt chỉ được cho phép hoạt động dưới hoặc bằng 50% công suất.
Nỗ lực “chuyển mình” để thu hút khách
Hướng dẫn của Bộ GTVT hứa hẹn góp phần phục hồi những thiệt hại trong mùa dịch của các công ty đường sắt. Tuy nhiên, qua nhiều lần dịch bệnh bùng phát, ngành Đường sắt hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Năm 2020, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã ghi nhận khoản thua lỗ kỷ lục lên tới 1.300 tỷ đồng, tương đương với 42,2% vốn điều lệ. 6 tháng đầu năm 2021, VNR đã báo lỗ 180 tỷ đồng.
Khi tàu khách liên tục dừng hoạt động do dịch bệnh, ngành Đường sắt vẫn phải kiên trì “tự cứu” thông qua những giải pháp khác như đẩy mạnh vận tải hàng hoá, kêu gọi đầu tư đóng mới toa xe, tăng thêm tiện ích để thu hút hành khách trở lại sau dịch… Đơn cử là phương án thuê toa xe khách do nước ngoài đóng mới hiện đại đã được VNR đưa ra từ năm 2019 nhằm giảm áp lực tài chính đối với doanh nghiệp vận tải khi phải đầu tư thay thế những toa xe hết niên hạn.
Được biết, Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Jinxin (Trung Quốc) để đóng mới một đoàn tàu khách và cho công ty thuê lại để khai thác trong thời gian nhất định trước khi chuyển giao lại toàn bộ. Theo VNR, đây là toa xe thiết kế mới hoàn toàn từ bộ phận chạy đến thùng xe nên theo quy định của Việt Nam phải chạy thử nghiệm 100.000km trước khi đăng kiểm.
Rất nhiều tiện ích được tích hợp nhằm tăng thêm trải nghiệm của hành khách, kéo họ trở lại với các chuyến du hành trên đường sắt. Trước khi dịch bệnh bùng phát, du lịch đường sắt đã từng được báo đài quốc tế đánh giá là một điểm nhấn của du lịch Việt Nam.
Cụ thể, tuyến đường sắt Bắc Nam dài 1.726km chạy qua 21 tỉnh, thành phố cùng nhiều địa danh nổi tiếng đã được tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới Lonely Planet bình chọn đứng đầu danh sách 8 hành trình du lịch tàu hỏa đáng trải nghiệm nhất thế giới (năm 2018); được Hãng tin Sputnik (Nga) bầu chọn là một trong 10 tuyến đường sắt đẹp nhất thế giới (năm 2019).
Do vậy, ngành Đường sắt cũng đang cố gắng tự hoàn thiện mình để sớm phục hồi phần nào du lịch đường sắt nội địa, nỗ lực “cứu” lại ngành Đường sắt sau nhiều “cú bồi giáng” từ đại dịch.
"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"