Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết, trong nhiệm kỳ qua, công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Các tòa án khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng về kinh tế, tham nhũng.
“Đặc biệt, trong năm 2015, các tòa án đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng khẩn trương hoàn tất hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án trọng điểm về tham nhũng phải đưa ra xét xử trước Đại hội Đảng lần thứ XII theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng”, Chánh án TANDTC nhấn mạnh.
Tuy nhiên trong nhiệm kỳ qua vẫn còn để xảy ra 3 trường hợp kết án oan người không có tội, TANDTC đã khẩn trương chỉ đạo khắc phục kịp thời. Một số tòa án địa phương chưa khắc phục triệt để việc để các vụ án quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật do lỗi chủ quan của tòa án. Vẫn còn xảy ra các trường hợp cán bộ, công chức tòa án vi phạm phẩm chất đạo đức, kỷ luật công vụ và thậm chí vi phạm pháp luật.
Nhận xét về báo cáo, Ủy ban Tư pháp cho rằng trong nhiệm kỳ qua, TAND các cấp đặc biệt chú trọng đến chất lượng xét xử các vụ án hình sự và đã đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, xét xử nghiêm minh các loại tội như tham nhũng, xâm phạm an ninh quốc gia, ma túy, giết người, cướp của và nhiều vụ án về kinh tế đặc biệt nghiêm trọng khác mà dư luận đặc biệt quan tâm; hạn chế đến mức thấp các trường hợp kết án oan người không có tội (trong nhiệm kỳ xảy ra 3 trường hợp kết án oan, giảm 2 trường hợp so với nhiệm kỳ trước).
Đánh giá về Báo cáo của Chánh án TANDTC, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, ngành Tòa án đã rất cố gắng trong thực hiện, cụ thể hóa các hoạt động, theo Hiến pháp để khắc phục các án oan. So với các nhiệm kỳ trước, đã nắm được số vụ án oan, phân tích được lý do và tìm được cách khắc phục. Bồi thường oan, sai thời gian qua là bước tiến lớn của ngành Tòa án và đã làm tốt, đã có sự phối hợp cùng với các cơ quan chức năng khác.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng hoạt động của ngành tòa án ngày càng hiệu quả, tốt hơn, tiến bộ hơn với các tiêu chí và nghị quyết mà Quốc hội nêu ra. Tuy nhiên, theo ông Ksor Phước cũng cần chỉ ra điểm nhấn trong Báo cáo về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng vì “hiện nay người dân đang kêu nhiều”.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Báo cáo của Chánh án nên nêu ra được các bài học kinh nghiệm vì kinh nghiệm của ngành Tòa án rất quan trọng, hạn chế số liệu mà làm rõ các hoạt động đổi mới của ngành Tòa án, hiệu quả việc tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ…
5 năm giải quyết 1.781.410 vụ án
Trong 05 năm qua, các tòa án đã giải quyết 1.781.410 vụ án các loại trong tổng số 1.809.080 vụ án đã thụ lý, đạt 98,5%. Trong đó, các tòa án đã xét xử 1.233 vụ án với 2.813 bị cáo phạm các tội về tham nhũng. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán giảm 1,35% so với nhiệm kỳ trước.
Các tòa án trên cả nước đã thụ lý 27 yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của tòa án; đã giải quyết được 17 trường hợp thông qua thương lượng với tổng số tiền phải bồi thường là gần 11 tỷ đồng; đình chỉ giải quyết 08 trường hợp; còn lại 02 trường hợp đang trong quá trình thương lượng, giải quyết.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cơ bản nhất trí với nhiều nội dung được đề cập trong Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Viện trưởng VKSNDTC và cho rằng, Báo cáo đã đánh giá toàn diện các mặt công tác của ngành kiểm sát trong 5 năm qua, nêu lên những hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của UBTVQH, Báo cáo của Viện trưởng VKSNDTC sẽ được tiếp tục hoàn thiện trước khi trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 11 sắp tới.