Trong năm 2021, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh nên ngành Tư pháp đã triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các Nghị quyết, Quyết định, Kế hoạch của Chính phủ, Bộ Tư pháp và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác Tư pháp, góp phần hoàn thành nhiệm vụ “kép” thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.
Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật đã tiếp nhận thẩm định 01 đề nghị xây dựng nghị quyết và 28 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của tỉnh, xem xét, kiểm tra 43 đề nghị xây dựng VBQPPL, gồm 07 đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh và 36 đề nghị xây dựng quyết định của UBND tỉnh. Chỉ đạo Sở Tư pháp góp ý 03 đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh, 49 dự thảo VBQPPL của Trung ương và địa phương (02 luật, 07 nghị định, 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 14 thông tư, 02 nghị quyết và 22 quyết định). Công tác quản lý nhà nước về phổ biến giáo dục pháp luật; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; hòa giải ở cơ sở đạt được nhiều kết quả nỗi bật.Trong năm, đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp 38.025 cuộc với 810.215 lượt (tăng 10.237 cuộc so với cùng kỳ năm 2020); thực hiện tuyên truyền pháp luật theo định kỳ hàng tháng trên Báo Kiên Giang (20 kỳ), Đài Truyền hình (20 kỳ), Truyền thanh (20 kỳ) và 132 tin, bài đăng trên Cổng thông tin điện tử Sở Tư pháp (trong đó tập trung tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19).
Tổ chức các Hội nghị bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho lực lượng làm công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Trong năm, các Tổ hòa giải ở cơ sở tiếp nhận 2.509 vụ, đưa ra hoà giải 2.418 vụ, hoà giải thành 2.018 vụ, đạt tỷ lệ 83,5% (giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2020). Công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp áp dụng dịch vụ công trực tuyến được triển khai trên toàn tỉnh, đáp ứng được nhu cầu của công dân và từng bước góp phần cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh; Công tác quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp tiến hành rà soát, cập nhật đội ngũ giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp công lập, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trên địa bàn tỉnh, cấp lại giấy đăng ký hoạt động cho tổ chức hành nghề đấu giá tài sản do thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, thực hiện kiểm tra đột xuất, thanh tra về tổ chức và hoạt động công chứng. Công tác trợ giúp pháp lý đã giúp cho người nghèo, người có công với cách mạng, trẻ em ngày càng có khả năng tiếp cận pháp luật nhiều hơn, thể hiện được chính sách và sự quan tâm thiết thực nhất của Đảng và Nhà nước đối với Nhân dân; công tác hành chính tư pháp đã giải quyết kịp thời nhu cầu của người dân, bổ trợ tư pháp và thanh tra thực hiện tốt nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra... góp phần phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
Tại Hội nghị các đại biểu đã tập trung thảo luận một số nội dung như: số hóa Sổ hộ tịch; công tác hòa giải ở cơ sở; công tác tham mưu xử lý vi phạm hành chính. Hội nghị đã trao đổi tìm ra những nguyên nhân hạn chế, tồn tại trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để từ đó đưa ra phương hướng, giải pháp trong thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2022.
Ông Vũ Quốc Doanh, Phó Cục Trưởng Cục công tác phía Nam |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Vũ Quốc Doanh, Phó Cục Trưởng Cục công tác phía Nam, Bộ Tư pháp đã ghi nhận và đánh giá cao sự phối kết hợp chặt chẽ của các Sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai nhiệm vụ tư pháp, đồng thời đề nghị trong năm 2022, các Phòng, đơn vị thuộc, trực thuộc Sở; Phòng Tư pháp các huyện, thành phố cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm đó là: ngành Tư pháp tỉnh tập trung quyết tâm thực hiện tốt 09 nhiệm vụ trọng tâm và 05 nhóm giải pháp chủ yếu mà Bộ đã đề ra trong năm 2022 và quán triệt triển khai tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2022. Sự thành công của Ngành Tư pháp tỉnh góp phần không nhỏ vào sự thành công của Ngành Tư pháp toàn quốc.
Ông Trần Văn Khái Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Kiên Giang phát biểu tại hội nghị |
Tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, hoạt động của các cơ quan tư pháp tại địa phương theo quy định, hướng dẫn chung. Tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thực hiện nhiệm vụ và đạo đức công vụ cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Phát huy hơn nữa vai trò của Tư pháp trong việc tham mưu cho chính quyền địa phương trong công tác cải cách thể chế, nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Tổ chức thực hiện tốt công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, xem đây là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật tại địa phương; đồng thời, tập trung nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế liên quan đến quản lý hoạt động đầu tư kinh doanh nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phục hồi kinh tế hậu covid, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện số hóa Sổ hộ tịch đảm bảo đúng tiến độ đề ra theo Kế hoạch; Phòng Tư pháp các huyện, thành phố cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ để ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí của ngành Tư pháp; thường xuyên tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã để nâng cao nghiệp vụ thực thi pháp luật tại địa phương, góp phần vào sự ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế của địa phương.
Với những thành tích đạt được, trong năm 2021, Sở Tư pháp tỉnh Kiên Giang được vinh dự xếp hạng “Xuất sắc” trong khối Sở tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và được tặng “Cờ thi đua ngành Tư pháp”./.