Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9, HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021, hôm nay, 18/12, đại biểu Nguyễn Thành Tiến, Trưởng Ban đô thị HĐND TP Đà Nẵng chia sẻ 2 vấn đề “nóng” khiến người dân thành phố quan tâm trong thời gian qua, bao gồm tình trạng xử lý rác thải và ngập nước. Đáng chú ý có chuyện ngập úng lịch sử diễn ra ở thành phố trong 2 ngày 8 và 9/12 vừa qua.
Theo ông Tiến, với nguồn kinh phí lớn đầu tư cho hệ thống thoát nước ven sông Hàn, ven tuyến đường biển và dọc các trục đường chính như: Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, Hải Phòng…, việc để xảy ra ngập úng là điều không thể chấp nhận.
“Trong những năm qua, hệ thống thoát nước cơ bản hoạt động tốt. Tuy nhiên, hệ thống này dường như đã lạc hậu và không ứng phó được trước đợt mưa lịch sử vừa qua. Nguyên nhân là do quy hoạch tính toán chưa dự báo sự phát triển đô thị, ứng phó thời tiết cực đoan và các hồ ở trung tâm thành phố giảm đáng kể”, ông Tiến nói.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thành Tiến cũng đưa ra giải pháp để ngăn ngừa tình trạng ngập úng tái diễn. Theo đại biểu Tiến, thành phố cần rà soát, đánh giá lại toàn bộ hệ thống thoát nước. Đồng thời, thành phố phải nâng cấp các cống hiện tại và xây dựng thêm những tuyến cống mới. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cần xây dựng kế hoạch duy tu, nạo vét định kỳ cống thoát nước.
|
Ông Tô Văn Hùng chỉ ra những bất cập về ngập nước và xử lý rác thải tại Đà Nẵng |
Trả lời ý kiến của đại biểu, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường TP Đà Nẵng đưa ra con số thống kê 7 điểm nóng ô nhiễm môi trường mà thành phố đã kiềm chế, khắc phục.
Liên quan đến vấn đề xử lý nước thải trong ngập lụt trong cơn mưa ngày 8,9/12 vừa qua, ông Tô Văn Hùng mở đầu bằng con số minh họa thể hiện, bình quân Đà Nẵng có khoảng 900-1.000 tấn rác/ngày, đến năm 2025 lên 1.800 tấn/ngày. Chỉ đơn cử, riêng quận Hải Châu (Đà Nẵng) có trên 20 quán trà sữa, rác ly nhựa ống hút từ 80-100m3/tháng.
Trong trận mưa lớn vừa qua, qua thu dọn, lực lượng chức năng ghi nhận, phần lớn là từ rác sinh hoạt, kể cả vật dụng gia đình như giường, chăn, chiếu… Điều này cho thấy, nhận thức, ý thức của người dân cần được quan tâm.
Ông Hùng phân tích, hiện nước thải, bình quân xả hơn 200m3 ngày đêm, trong khi đó, Đà Nẵng mới có 4 trạm xử lý nước thải với công suất tối đa 150m3 ngày/đêm Khu vực Biển đông (quận Sơn Trà), có 1.245 cơ sở kinh doanh nhưng chỉ có 45 cơ sở cấp đánh giá tác động môi trường, 201 cơ sở kinh doanh có giấy phép đấu nối với cống xả thành phố, còn lại đều không có cam kết bảo mệ môi trường. Ngược lại, hệ thống thu gom mước thải, tuyến ống đầu tư năm 2008 chỉ có đường kính 250 đến 300 li và có 20 cửa xả ra biển. Với hệ thống xử lý và lượng nước thải đã nêu, chắc chắn xả ra biển
Chính vì thế, ông Hùng cho biết, để giải quyết môi trường, phải bắt đầu từ nhận thức, cả hệ thống chính trị, từ người dân, các hội đoàn. Tiếp đến, câu chuyện giải pháp về kỹ thuật, việc phân loại rác tại nguồn.
Tuy nhiên, về nguồn lực để thực hiện, ngân sách không thể giải quyết. Hiện nay, gần như trong các vấn đều xử lý, bao cấp của thành phố vẫn còn quá lớn. Ông Tô Văn Hùng đơn cử như tiền xử lý rác cho các cơ sở kinh doanh hiện nay là 265.000 đồng/m3, tính ra hơn 500.000 đồng/tấn; hộ gia đình từ 15 đến 30.000 đồng/ tháng; trong khi đó kinh phí thành phố bỏ ra để xử lý theo kiến nghị ADB là 37 USD/tấn. Như vậy, thành phố đã tiêu tốn 300 tỉ /năm cho xửu lý rác.
Riêng về xử lý nước thải, thu qua hệ số nước đầu vào, tính ra chưa đến 1.000 đồng xử lý m3 nước thải. Nên thành phố sẽ không có nguồn để giải quyết bài toán này.
Ngoài ra, ông Hùng cũng nhận xét, trong quản lý, công tác dự báo của thành phố có vấn đề. Nếu có dự báo tốt, việc sẳn sàng ứng phó với thảm họa sẽ dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, gần như các điểm nóng môi trường xuất phát từ quy hoạch, dự báo, liên quan bảo vệ môi trường.