Gia nhập thị trường thẻ Visa mới chỉ 4 năm, TPBank đã tạo cú bứt phá lớn khi được VISA công nhận là Ngân hàng có doanh số thanh toán trung bình thẻ Visa Debit cao nhất năm 2016 tại Việt Nam, đồng thời trong nhóm các ngân hàng có doanh số thanh toán Visa Credit cao nhất 2016, TPBank giữ vị trí thứ 6, tăng 2 bậc so với 2015. Giải thưởng được trao dựa trên tiêu chí tổng giá trị sử dụng thẻ rút tiền, thanh toán, chuyển khoản của ngân hàng phát hành thẻ trong thời gian 1 năm để đánh giá, xếp hạng theo từng loại thẻ ghi nợ quốc tế Visa, thẻ tín dụng quốc tế Visa và tổng doanh số chung của các thẻ.
Trong vài năm gần đây, cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử, người Việt ngày càng có nhiều thay đổi về thói quen, nhận thức trong việc sử dụng thẻ thanh toán quốc tế.
Tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng và các thành phố lớn, hầu hết giới công chức đều khá quen thuộc với thẻ tín dụng và sử dụng khá thường xuyên trong các giao dịch thanh toán online, mua sắm hàng hiệu tại các trung tâm thương mại, hoặc trả tiền tại các nhà hàng vào dịp cuối tuần.
"Dùng thẻ rất tiện, không phải đem nhiều tiền trong ví, trong khi thường xuyên được hoàn tiền, khuyến mại giảm giá khi thanh toán bằng thẻ", Nguyễn Hoàng, khách hàng sở hữu thẻ Visa do TPBank phát hành cho biết. Hoàng sinh năm 1990, mới sử dụng thẻ Visa được 2 năm và coi đây là vật bất li thân, cùng với điện thoại. Ngoài việc nhúng thẻ vào Uber để gọi taxi, nhúng trên App Store để download các ứng dụng trả tiền cho iPhone, thẻ còn có thể sử dụng để mua thêm tính năng trên game, đấu giá trên các trang thương mại điện tử toàn cầu và vô vàn tình huống sử dụng khác mà không gặp rào càn về thời gian và địa lý. Đặc biệt, thẻ tín dụng còn giúp Hoàng gỡ mấy ca khó khi cần mua sắm mà lương chưa kịp về.
Hiện tại, hầu hết các ngân hàng tại Việt Nam như Vietcombank, Techcombank, BIDV, Vietinbank, TPBank… đều phát hành thẻ thanh toán quốc tế của Visa, Mastercard, JCB và một số tổ chức thẻ khác, nhưng để khách hàng chấp nhận bớt dần thói quen chi tiêu bằng tiền mặt và chuyển sang bằng thẻ là một câu chuyện không hề đơn giản.
Có thể thấy trong năm qua, các ngân hàng Việt Nam đã tích cực đưa ra nhiều chương trình ưu đãi mở thẻ mới và kích cầu chi tiêu, nhằm tăng số lượng phát hành thẻ cũng như hiệu suất sử dụng thẻ. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng có doanh số thanh toán cao, bởi một phần tâm lý của khách hàng dù có thẻ nhưng ngại dùng vì thanh toán không thuận tiện, một phần vì không thấy lợi ích của thẻ tín dụng so với những kênh thanh toán khác.
Hiểu được điều đó, những ngân hàng dù chỉ mới tham gia thị trường được vài năm như TPBank đã chọn huớng đi chiến lược tập trung vào chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, đồng thời tăng cường các ưu đãi thanh toán chi tiêu.
Trong năm qua, TPBank nổi bật trên thị trường thẻ bởi các chương trình thúc đẩy khách hàng mới bằng nhiều hoạt động tích cực như: tặng ưu đãi mở thẻ mới, tăng cường chăm sóc khách hàng, thủ tục đăng ký và mở thẻ được cải tiến giúp rút ngắn thời gian hoàn tất hồ sơ, mức phí cạnh tranh. Không chỉ cung cấp các sản phẩm thẻ truyền thống, TPBank còn luôn tiên phong đưa ra các sản phẩm, dịch vụ thẻ cạnh tranh tích hợp các nền tảng công nghệ hiện đại như: thẻ đồng thương hiệu, thẻ eCounter, thiết bị thanh toán di động mPOS; các chương trình khuyến khích chi tiêu như tích lũy điểm thưởng Loyalty hay chương trình Happy weekend mang lại một chuỗi các ưu đãi hấp dẫn trực tiếp cho khách hàng, góp phần kích cầu chi tiêu qua thẻ.
Ông Đinh Văn Chiến - Phó Tổng Giám đốc Khối Ngân hàng Cá nhân của TPBank cho biết, trong năm 2016, TPBank đã triển khai rất nhiều chương trình ưu đãi dành cho các chủ thẻ thanh toán quốc tế, đồng thời luôn có ưu đãi cho chủ thẻ mới, như giảm giá mua sắm trên Lazada, Tiki lên đến 25%, hoặc ưu đãi lên tới 50% khi mua hàng hiệu tại một số trung tâm thương mại lớn, nhờ vậy khách hàng luôn cảm thấy lợi ích khi dùng thẻ thay vì chi tiêu tiền mặt.
Theo TPBank, sự hỗ trợ của công nghệ mới, thẻ nói chung và thẻ tín dụng nói riêng sẽ có nhiều cải tiến thân thiện và tiện lợi hơn cho người dùng, tuy nhiên điều này cũng sẽ khiến các ngân hàng gặp áp lực lớn trong cuộc đua, buộc phải có chiến lược về giải pháp, dịch vụ bắt kịp các xu hướng thanh toán hiện đại trong tương lai. Với sự tăng trưởng đều mỗi năm, thị trường thẻ tín dụng Việt Nam được dự báo còn nhiều tiềm năng và sẽ còn tăng nhanh trong giai đoạn tới nhờ đa dạng tiện ích.