Những câu hỏi “khó hiểu”
Ngày thứ hai xét xử, trong phần hỏi – đáp, các bên đương sự khá gay gắt, HĐXX phải liên tục nhắc nhở các bên bình tĩnh, trình bày đúng trọng tâm câu hỏi – đáp, nội dung khởi kiện.
Đối với những câu hỏi liên quan đến hợp đồng tín chấp mà Thiên Phú vay vàng, Agribank khẳng định nội dung khởi kiện này không thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND quận 7 nên không trả lời và đề nghị HĐXX đình chỉ yêu cầu này.
Đáng chú ý, Thiên Phú bất ngờ đề cập đến một đơn vị là Cty phát triển nhà Thủ Đức (Thủ Đức House). Thiên Phú hỏi: Sau khi bán đấu giá thành, Agribank có nhận được văn bản của Thủ Đức House về việc yêu cầu báo cáo tiến trình trả tiền của Tập đoàn Kim Oanh (bên mua trúng đấu giá); và đề nghị nếu Kim Oanh vi phạm nghĩa vụ trả tiền thì Thủ Đức House xin được mua dự án Hòa Lân và thanh toán một lần?
Agribank cho hay: “Thủ Đức House là một đơn vị có tham gia đấu giá dự án Hòa Lân nhưng đã trả giá thấp hơn nên không được trúng đấu giá. Chúng tôi không có nghĩa vụ phải báo cáo tiến trình sau khi đấu giá thành đến Thủ Đức House”. Nói cách khác, Thủ Đức House không có quyền “yêu cầu báo cáo”.
Thiên Phú cho rằng: “Sau khi bán đấu giá dự án xong, Thủ Đức House có văn bản xin mua và thanh toán một lần thì được quyền ưu tiên mua, tại sao Agribank ưu ái cho Kim Oanh?”
Agribank phản bác: “Thủ Đức House trả giá thấp hơn, sau đó đòi mua lại giữa chừng thì làm sao được gọi là được ưu tiên. Ngân hàng không thể ưu tiên cho một đơn vị trả giá thấp hơn, không trúng đấu giá”.
Vẫn lời đại diện Agribank: “Thiên Phú nói ngân hàng ưu ái cho Kim Oanh thì thử chứng minh ưu ái chỗ nào? Đây là DN trúng đấu giá, ngân hàng phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ với họ theo đúng hợp đồng đấu giá, hợp đồng mua bán tài sản đấu giá. Tôi không hiểu tại sao Thiên Phú luôn đề cập đến Thủ Đức House, trong khi đến thời điểm này tòa không xác định Thủ Đức House là bên có quyền lợi, nghĩa vụ gì trong vụ án này?”.
Về câu hỏi của Thiên Phú cho rằng mình có quyền mua lại tài sản đã đấu giá và đã có công văn đề nghị xin mua lại, tại sao không được giải quyết? Ngân hàng trả lời, thứ nhất, theo quy định pháp luật và thỏa thuận trong quá trình đấu giá, Thiên Phú có quyền “chuộc” lại tài sản đã bị đấu giá sau khi đấu giá thành 1 ngày. Thứ hai, nếu Thiên Phú mang đủ 2000 tỷ theo đúng số nợ gốc, lãi đến thì ngân hàng có thể xem xét, nhưng Thiên Phú chỉ gửi văn bản; nói cách khác chỉ có đơn chứ không có tiền. Ngân hàng không thể vì một lời hứa có nguy cơ cao là “hứa lèo” này mà vi phạm luật, vi phạm nghĩa vụ với bên trúng đấu giá là Kim Oanh.
Chủ tọa phiên tòa phải nhắc nhở khi các bên liên tục căng thẳng trong phần hỏi đáp |
Bất ngờ về tư cách của Agribank trong vụ kiện
Một nội dung đáng chú ý khác, trước khi thực hiện phẩn hỏi của mình, LS Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP Hà Nội, người bảo vệ quyền lợi cho Cty CP dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn) đề nghị chủ tọa, thẩm phán Lê Thị Phơ xác định tư cách tố tụng của Agribank trong vụ kiện là gì?
“Ngân hàng là bị đơn hay người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Trong thông báo thụ lý vụ án, các văn bản khác thì Agribank được xác định là bị đơn trong các yêu cầu khởi kiện về hợp đồng tín dụng, thế chấp. Trong quyết định 71/2020/QĐXXST-KDTM đưa vụ án ra xét xử ngày 26/6/2020 thì ngân hàng được xác định là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Trong quá trình xét xử, chủ tọa lại bảo Agribank là bên bị kiện. Tôi đề nghị chủ tọa cho chúng tôi biết trong vụ kiện này, tư cách của ngân hàng là gì, để chúng tôi có câu hỏi, tranh luận đúng theo tố tụng dân sự”, LS Quynh nói.
Trả lời câu hỏi, chủ tọa cho rằng “việc xác định tư cách tố tụng của ngân hàng sẽ được tòa nhận định, xác định và ghi nhận trong bản án, còn hiện nay đang trong giai đoạn hỏi đáp”.
Trao đổi bên hành lang phiên xử với PLVN, LS Quynh nói: “Trả lời của chủ tọa như vậy là trái luật, vi phạm tố tụng. Tư cách tố tụng của các đương sự phải được xác định trước khi đưa vụ án ra xét xử và tư cách này không thay đổi trong quá trình xét xử. Vụ án đang xử, các yêu cầu của Thiên Phú về vô hiệu hợp đồng tín dụng, thế chấp, tòa đã thụ lý và đang xem xét là có liên quan trực tiếp đến Agribank. Thiên Phú được xác định là nguyên đơn với các yêu cầu liên quan đến hợp đồng tín dụng, thế chấp đã được tòa thụ lý; nhưng Agribank chưa được xác định tư cách tố tụng; sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích, cũng như nghĩa vụ của các đương sự trong vụ án”.
LS Quynh đặt vấn đề: “Trước đây do Agribank đã có văn bản báo cáo trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ về khoản nợ của Thiên Phú, Bộ Tư pháp đã có kết luận thanh tra về cuộc bán đấu giá này với khẳng định nhiều tố cáo không có cơ sở, Chính phủ cũng đã có ý kiến chính thức. Nói cách khác thẩm quyền của cơ quan hành pháp khi xử lý sự việc này đã “đụng trần” với các kết luận chính xác, khách quan. Phải chăng vì vậy tòa mới trả lời một cách “nước đôi” như vậy?”
Phiên tòa sẽ tiếp tục vào hôm nay, với phần hỏi của HĐXX, VKS và phần tranh luận.
Trong văn bản số 2568/NHNo-PC ngày 28/3/2019 do TGĐ Agribank Tiết Văn Thành ký, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ “Thiên Phú đã vi phạm hợp đồng tín dụng, không trả được nợ và phát sinh nợ xấu vào 2008. Trong suốt 7 năm (đến 2015) Agribank đã liên tục đôn đốc, tạo điều kiện cho Thiên Phú tìm phương án trả nợ, chuyển nhượng hoặc tìm đối tác thực hiện dự án nhưng Thiên Phú không tìm được đối tác, không thể tự bán được tài sản. Ngày 17/4/2015 Thiên Phú đã chủ động ký biên bản bàn giao dự án Hòa Lân để Agribank được toàn quyền tiến hành bán đấu giá tài sản thế chấp để thu hồi nợ…
… Việc Thiên Phú khởi kiện; và TAND quận 7, TP HCM ra quyết định “phong tỏa” Dự án Hòa Lân là không đúng tinh thần xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng theo các Nghị quyết, Chỉ thị của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên trúng đấu giá là Kim Oanh; cũng như quá trình thu hồi xử lý nợ xấu của ngân hàng”.