Ngày xét xử thứ 5 kỳ án 'phân bón rởm' ở Sóc Trăng: Sai sót từ gốc khi CQĐT thụ lý, điều tra sai thẩm quyền?

(PLVN) - Hôm qua (1/7), tại Sóc Trăng, nghi án “phân bón rởm” đã bước sang ngày xét xử thứ 5. Đưa ra chứng cứ, lập luận rằng quá trình thụ lý vụ án không đúng thẩm quyền, không khách quan; các giám định viên không có chuyên môn, các bảng giám định không có giá trị; các bị cáo không có động cơ vụ lợi, không “lợi dụng chức vụ, quyền hạn”; nên luật sư bào chữa bác bỏ cáo buộc của Viện kiểm sát (VKS) và đề nghị tuyên các bị cáo vô tội.
Phiên xử thu hút nhiều người đến dự khán
Phiên xử thu hút nhiều người đến dự khán

Cơ quan ANĐT “đá lộn sân”?

Phần tranh luận phiên sơ thẩm vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” mà ông Châu Hoài Phương (SN 1978, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) thuộc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng) và ông Ung Văn Thanh (Kiểm soát viên Đội QLTT số 7) là bị cáo, diễn ra rất gay cấn, căng thẳng.

Luận tội các bị cáo, đại diện VKS TP Sóc Trăng nói rằng việc đưa đi giám định phân bón lần 3 của cả hai là vì “động cơ không trong sáng”. Cụ thể là “vì muốn củng cố uy tín cá nhân, tránh bị khiếu nại, khiếu kiện gây ảnh hưởng đến chức vụ, công việc”.

“Đáng lý ra, các bị cáo phải tiến hành xử lý hoặc chuyển sang cơ quan điều tra nếu giá trị phân bón trên 30 triệu đồng. Nhưng bị cáo lợi dụng chức vụ, quyền hạn đưa đi kiểm nghiệm lần 3 và tháo niêm phong khiến phân bón không đạt chất lượng đi vào thị trường”, VKS cáo buộc.

Đại diện VKS cũng thừa nhận, “không có cơ sở để giám định thiệt hại do phân bón giả gây ra là bao nhiêu”, nhưng “có thiệt hại cho người tiêu dùng”. Do các bị cáo không xử phạt khi có kết quả kiệm nghiệm lần thứ 2 nên gây thiệt hại ngân sách 120 triệu đồng (mức tiền xử phạt thấp nhất với hành vi vi phạm về buôn bán và sản xuất phân bón giả - NV).

Từ đó, VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo Phương 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù giam, cấm đảm nhận chức vụ từ 3 – 4 năm. Bị cáo Thanh bị đề nghị từ 1 năm đến 1 năm 6 tháng tù, cấm đảm nhận chức vụ từ 1 – 2 năm.

Quan điểm trên bị Luật sư (LS) Nguyễn Văn Đức (Đoàn LS TP Cần Thơ), phản bác: “Theo Luật tổ chức Cơ quan điều tra, tội danh quy định tại Điều 281 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 không thuộc thẩm quyền thụ lý, điều tra của Cơ quan ANĐT tỉnh. Việc thụ lý điều tra vụ án này thuộc về cơ quan cảnh sát điều tra. Tôi cho rằng Cơ quan ANĐT “đá lộn sân” và kết luận điều tra bị vô hiệu”.

LS Đức cũng cho rằng, trước đây vào tháng 6/2017, hai bị cáo bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, sau đổi thành “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Cả hai tội danh này, buộc phải có thiệt hại mới đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, mãi đến tháng 12/2017, Cơ quan ANĐT mới đưa ra “thiệt hại phi vật chất”. “Như vậy, Cơ quan ANĐT mặc định cho các bị cáo gây ra thiệt hại dù chưa giám định”, LS Đức nói.

“VKS cho rằng theo Nghị quyết 41 của Quốc hội thì Giám đốc Công an tỉnh đủ thẩm quyền yêu cầu Cơ quan ANĐT thụ  lý, giải quyết vụ án ở Điều 281 BLHS, quan niệm như vậy là sai. Nghị quyết 41 có sau quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Do đó, phải là Bộ trưởng Bộ Công an mới có quyền yêu cầu Cơ quan ANĐT thụ lý, giải quyết vụ án ở Điều 281. Tôi giữ nguyên quan điểm Cơ quan ANĐT “đá lộn sân”. Và vì sai từ gốc như vậy nên kết luận điều tra bị vô hiệu. Cáo trạng cũng không có hiệu lực”, LS Đức nói.

“Vừa đá bóng, vừa thổi còi”

Một dấu hiệu sai phạm khác LS Đức đưa ra: “Vụ án có khách quan hay không? Sở Công Thương là người nhận hồ sơ tố cáo, giải quyết tố cáo và là người trình báo tội phạm đến Cơ quan ANĐT. Chính ông Huỳnh Minh Trí (Phó Chánh Thanh tra Sở) là Tổ phó giải quyết và kết luận phân bón giả. Sở Công Thương vừa là người tố cáo, vừa là người đưa ra kết quả và là người giám định. Nói luật không cấm nhưng như vậy là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, không hợp lý hợp tình, nhất là trong vụ án hình sự, buộc tội một con người”.

“VKS cho rằng Cục QLTT trực thuộc Sở Công Thương nên Công văn số 365/SCT-TTr của Sở Công Thương có hiệu lực hơn Công văn 124/QLTT-NVTH của Cục QLTT. Tôi cho rằng điều đó là sai. Bởi tại phiên toà lần này, cơ quan bị thiệt hại được xác định là Cục QLTT. Cục QLTT thiệt hại, mà Sở Công Thương trả lời có thiệt hại hay không? Liệu có đúng hay không? Cũng như trên, Sở Công Thương là người ôm hồ sơ tố cáo sang Cơ quan ANĐT. Nay chính Sở này lại trả lời có hay không thiệt hại mà hành vi của bị cáo gây ra?”.

LS Đức còn nói rằng trong Công văn 47 của ông Dương Việt Hùng (Phó Thủ trưởng Cơ quan ANĐT) có đề nghị bà Khưu Thị Diệu Huyền (Giám định viên Sở Nội vụ) nhanh chóng có kết luận thiệt hại phi vật chất để báo cáo xin ý kiến liên ngành tư pháp Trung ương. Tuy nhiên, không tìm thấy công văn xin ý kiến và trả lời của liên ngành tư pháp Trung ương. LS Đức đặt vấn đề hồ sơ bị thất lạc hay bị sai lệch?

“Vấn đề này, VKS đối đáp rằng Cơ quan ANĐT viện lý “xin ý kiến liên ngành tư pháp Trung ương” là để đôn đốc giám định viên. Còn việc Cơ quan ANĐT có xin ý kiến hay không, VKS không được báo cáo, không được biết. Điều này cho thấy sự tắc trách trong vai trò kiểm tra, giám sát điều tra của VKS. Quan điểm VKS đưa ra không thuyết phục, trái luật”, LS Đức nói.

Giám định viên không có chuyên môn vẫn giám định?

Phân tích điều kiện để buộc tội hai bị cáo, LS Nguyễn Khánh Trang (Đoàn LS Sóc Trăng) cho rằng: “Có 4 kết quả giám định đầu tiên làm căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Đó là giám định của ông Trí, Phó Chánh Thanh tra Sở là Giám định viên thuộc Sở này được phân công giám định về chất lượng phân bón. Ông Trí là cử nhân kinh tế, không hề có chuyên môn về phân bón. Người không có chuyên môn về phân bón lại đi giám định phân bón giả hay thật. Ông Trí có nắm được trong phân bón có những loại chất nào, như thế nào là đạt chuẩn hay không?

Ông Phan Thanh Hoàng là Giám định viên Sở Công Thương cũng là cử nhân kinh tế, không được đào tạo về phân bón và pháp luật liên quan phân bón nhưng lại đi giám định quy trình kiểm nghiệm phân bón.

Còn bà Khưu Thị Diệu Huyền, Giám định viên Sở Nội Vụ là Cử nhân luật lại đi giám định thiệt hại phi vật chất. Tức là những thiệt hại về uy tín, danh dự mà hành vi của bị cáo gây ra. Việc làm này nếu đúng luật, phải thuộc về Giám định viên Sở Thông tin và Truyền thông, kết hợp với Giám định viên Sở Tài chính.

Ông Phạm Thanh Sơn, Giám định viên tư pháp Sở NN&PTNT Sóc Trăng là kỹ sư nông nghiệp về trồng trọt lại đi giám định thiệt hại vật chất. Công việc này là của Giám định viên Sở Tài chính. Và thiệt hại vật chất phải là thiệt hại thực tế, chứ không phải “thiệt hại khoa học” như ông Sơn nêu”.

Về vấn đề cấu thành tội phạm tội danh này, cần chứng minh bị cáo có hành vi cố ý làm trái và động cơ, mục đích, hậu quả. Tuy nhiên theo LS: “Cố ý làm trái tức là biết sai vẫn làm. VKS nói bị cáo cố ý làm trái Thông tư 26 của Bộ KH&CN. Bị cáo phản bác, nói áp dụng Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá. Như vậy chưa rõ có “cố ý” hay không. VKS nói rằng hai bị cáo không vụ lợi nhưng lại có động cơ cá nhân khác. Động cơ cá nhân khác mà VKS là nói đến là gì khi chưa có hướng dẫn nêu rõ hành vi này gồm những hành vi nào?”.

“Thiệt hại 120 triệu đồng mà VKS cáo buộc căn cứ vào điều khoản xử phạt hành vi buôn bán hàng giả. Và hàng giả không có giá trị sử dụng và không có công dụng thì mới bị xử phạt. Còn 3 mẫu phân bón nếu nói như VKS thì chỉ là chưa đạt với nhãn hiệu, nhưng cao hơn so với tiêu chuẩn quốc gia. Tại sao áp dụng xử phạt hành vi buôn bán hàng giả vào vụ này để tạo ra thiệt hại hòng truy tố bị cáo?”, LS Trang nói.

Ngoài ra, LS Đức cho rằng: “Ở phiên sơ thẩm trước, toà trả hồ sơ đề nghị xác định thiệt hại vật chất, phi vật chất và làm rõ nếu nhà sản xuất có khiếu nại thì giải quyết ra sao? Tuy nhiên, giám định viên phi vật chất “giữ nguyên quan điểm”. Giám định viên thiệt hại vật chất không thực hiện bổ sung, thì Cơ quan ANĐT lại sang tỉnh Tiền Giang trưng cầu giám định?”.

Các luật sư bào chữa đề nghị HĐXX tuyên bố hai bị cáo không phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Hôm nay, dự kiến phiên tranh luận sẽ tiếp tục diễn ra.

Đọc thêm