Nghệ An: 28 năm đòi bồi thường vụ mua máy “cụt cả vốn lẫn lời”

(PLO) - Dù chưa đồng ý với phương án bồi thường của cơ quan chức năng, nhưng do quá mỏi mệt sau 28 năm ôm đơn đi kiện, ông Bùi Tôn Kiêm (SN 1949, trú phường Bến Thủy, TPVinh, Nghệ An) đành chấp nhận số tiền bồi thường hơn 1 tỷ đồng. 
Ông Bùi Tôn Kiêm.
Ông Bùi Tôn Kiêm.

Thương vụ “mất cả chỉ lẫn chài”

Câu chuyện về hành trình đi đòi công lý của ông Bùi Tôn Kiêm dai dẳng qua hai thế kỷ. Có lẽ không ai nghĩ có ngày ông được nhận số tiền bồi thường hơn 1 tỷ đồng đó. 

Theo ông Kiêm trình bày, năm 1988, ông Kiêm góp vốn với ông Trần Nhật Tấn (trú tại Quảng Ngãi) làm ăn, trong đó ông Tấn góp 800 ngàn đồng, còn lại ông Kiêm bỏ ra để mua hai máy đẩy thủy 16CV (máy Yanmar Model 2SE 16CV) của HTX Hòa Bình (tại xã Nghi Thiết, Nghi Lộc) bán. 

Giao dịch xong thì ông Tấn xuống nhận máy móc và đưa về Vinh. Trên đường vận chuyển về Vinh theo đường thủy, số hàng trên bị Công an huyện Nghi Lộc lập biên bản tạm giữ vào tối 13/6/1988. Sau khi kiểm tra các giấy tờ, Công an huyện Nghi Lộc xác định người mua hai máy tàu thủy trên là ông Trần Nhật Tấn để đưa vào miền Nam bán kiếm lời.

Công an cũng làm rõ việc Hợp tác xã (HTX) Hòa Bình bán 2 máy trên không xin phép Phòng Hải sản huyện Nghi Lộc là chưa đúng quy định. Số tiền bán 2 máy đẩy thủy là 2,67 triệu đồng, tiền thuế và trước bạ 1,1 triệu đồng được tính trên số tiền 2,67 triệu đồng là hành vi trốn thuế, Nguyễn Ngọc Xuân (Phó Chủ nhiệm HTX Hòa Bình) đã nhận 500 ngàn đồng là tiền hối lộ của Trần Nhật Tấn trong việc mua máy. 

Ngày 15/10/1988, Công an huyện Nghi Lộc có Công văn số 15/CA/NL báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND huyện “…cho phép bán 2 chiếc máy này cho tập thể cá nhân sản xuất trên địa bàn huyện, thu hồi 500 ngàn đồng tiền hối lộ Nguyễn Ngọc Xuân nạp ngân sách; thu tiền thuế và trước bạ còn thiếu trong số tiền 2,67 triệu đồng mới được tính trong 1,1 triệu đồng, trả lại 2,67 triệu đồng cho Trần Nhật Tấn. Vì HTX Hòa Bình bán 2 chiếc máy đẩy thủy không xin phép phòng Hải sản và UBND huyện Nghi Lộc”.

Ngày 29/10/1988, Hội đồng định giá được thành lập để thẩm định giá hai máy đẩy thủy 16CV, ngày 4/12/1998, hai chiếc máy trên được bán cho HTX Phương Đông (địa chỉ tại Cửa Lò) với giá 3,8 triệu đồng. 

Sau đó, số tiền 2,67 triệu đồng được trích chi trả cho ông Tấn, còn 1,13 triệu đồng được trích thưởng cho Công an huyện Nghi Lộc. Ông Tấn sau khi nhận được số tiền bán máy cũng vào miền Nam sinh sống, không trở lại Nghệ An nữa. 

28 năm đòi bồi thường

Trước việc giải quyết trên, ông Bùi Tôn Kiêm đã nhiều lần gửi đơn thư đến các cấp ngành trong tỉnh để nghị xem xét giải quyết. Tuy nhiên, Công an huyện Nghi Lộc vẫn đưa tài sản ra bán dù đơn thư của ông Kiêm vẫn chưa được xử lý. 

Nhiều cơ quan chức năng nơi ông Kiêm gửi đơn đã có văn bản trả lời, kết luận: Việc mua máy của ông Bùi Tôn Kiêm và Trần Nhật Tấn là hợp pháp theo đúng quy định hiện hành và yêu cầu UBND huyện Nghi Lộc trả lại tài sản cho công dân.  

Ông Kiêm cho biết, dù nhận được công văn chuyển đơn và kết quả xử lý của các cấp nhưng UBND huyện Nghi Lộc không xem xét giải quyết khiếu nại của ông Kiêm mà ban hành thông báo thanh lý 2 máy đẩy thủy 16CV. Trách nhiệm này thuộc về ông Nguyễn Huy Chấp, nguyên Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc thời kỳ 1988. 

Bẵng đi hơn 28 năm miệt mài đòi quyền lợi, không biết bao nhiêu lần ông Kiêm ôm đơn thư đến các cơ quan có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương để tố cáo. 

“Tôi không còn nhớ là tôi đã viết bao nhiêu lá đơn, gõ cửa biết bao nhiêu cơ quan có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương để hỏi chuyện của mình. Cũng vì số tài sản lớn vô lý mất đi dẫn đến nhiều biến cố trong cuộc đời của tôi, khiến công việc làm ăn đổ bể, nhiều tài sản cũng “không cánh mà bay”. Có thời điểm tôi đổ bệnh nằm một chỗ không thể đi đâu được do suy nghĩ quá nhiều, suy nhược cơ thể…”, ông Kiêm chia sẻ. 

Mãi cho đến ngày 28/4/2016, UBND huyện Nghi Lộc có Quyết định số 545 về việc giải quyết khiếu nại của ông Bùi Tôn Kiêm. Quyết định khẳng định: Việc UBND huyện Nghi Lộc không xem xét, giải quyết khiếu nại của ông Kiêm trước khi ban hành Thông báo xử lý số 732 ngày 29/10/1988 là trái quy định hiện hành. UBND huyện Nghi Lộc xử lý bán 2 đầu máy đẩy thủy 16CV để trả cho ông Trần Nhật Tấn 2,67 triệu đồng và thưởng cho Công an huyện Nghi Lộc 1,13 triệu đồng trong khi ông Kiêm đang phát sinh khiếu nại là chưa thỏa đáng và gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của ông Kiêm.

Ngày 4/11/2016, buổi thương lượng về việc bồi thường được diễn ra, ông Bùi Tôn Kiêm yêu cầu UBND huyện Nghi Lộc bồi thường thiệt hại đã gây ra cho ông với số tiền là hơn 18 tỷ đồng. Tuy nhiên, yêu cầu trên không được UBND huyện Nghi Lộc chấp nhận, cho rằng không có cơ sở. Dựa vào các quy định, UBND huyện Nghi Lộc quyết định giải quyết đền bù cho ông Kiêm với số tiền 1,04 tỷ đồng. 

Ông Kiêm vẫn không đồng ý vì cho rằng: UBND huyện Nghi Lộc trả lại hai máy là không đúng, vì đó mới chỉ là trả lại tài sản, còn phần thiệt hại phát sinh do không được sử dụng và khai thác trong 28 năm qua. Ngoài ra còn tiền tổn thất tinh thần của ông trong 28 năm đi kiện, tiền đi lại tàu xe… 

Tuy nhiên, ông Kiêm cho biết, do tuổi đã cao, sức đã yếu, ông quá mỏi mệt nên đầu tháng 12 vừa qua ông đã quyết định nhận số tiền bồi thường 1,04 tỷ đồng. 

Đọc thêm