Nghệ An: 67 ngàn hộ thoát nghèo nhờ “đòn bẩy” vốn chính sách

(PLO) - Từ năm 2002 đến nay, Nghệ An có 1,3 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH).
Gia đình ông Lê Văn Toàn (Châu Hạnh, Quỳ Châu, Nghệ An) là mô hình làm ăn hiệu quả từ nguồn vốn vay của NHCSXH
Gia đình ông Lê Văn Toàn (Châu Hạnh, Quỳ Châu, Nghệ An) là mô hình làm ăn hiệu quả từ nguồn vốn vay của NHCSXH

Trong đó, có 158.439 hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo, 67 ngàn hộ thoát nghèo, hàng trăm ngàn hộ có sự chuyển biến về nhận thức và cách thức làm ăn, nguồn vốn đầu tư đã thu hút và tạo việc làm ổn định cho 81.988 lao động.

“Bà đỡ” cho nhiều hộ nghèo, gia đình chính sách

Là một tổ chức tín dụng đặc thù, đối tượng phục vụ là hộ nghèo và đối tượng chính sách - những đối tượng dễ tổn thương, nguy cơ gặp rủi ro cao, nhưng trong những năm qua, các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ do NHCSXH Nghệ An thực hiện, thực sự là kênh vốn quan trọng, là “bà đỡ” cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vươn lên thoát nghèo, tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động.

Sau 15 năm ra đời (2002 – 2017), NHCSXH tỉnh Nghệ An đã góp phần giúp 158.439 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, 67 ngàn hộ thoát nghèo; thu hút, tạo việc làm ổn định cho 81.988 lao động, 8.210 lao động được vay vốn đi XKLĐ, 61.704 hộ gia đình kinh doanh tại vùng khó khăn có vốn đầu tư sản xuất kinh doanh. Hơn 151,2  hộ gia đình tại vùng nông thôn được vay vốn xây dựng trên 118 ngàn công trình nước sạch và 107 ngàn công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn nhằm nâng cao điều kiện sống và cải thiện môi trường tại vùng nông thôn. 29.232 hộ nghèo được vay vốn để xây dựng mới hoặc sửa chữa lại nhà ở, giúp người nghèo có nhà ở kiên cố, ổn định, xóa bỏ tình trạng nhà tạm bợ, dột nát. Hơn 244 ngàn em học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, góp phần đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước. 15 ngàn hộ là đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được vay vốn phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, yên tâm bám đất, bám bản tại các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Thị phần của tín dụng chính sách xã hội tại địa bàn nông thôn, vùng khó khăn chiếm khoảng 72% nguồn vốn tín dụng trên địa bàn, nhất là tại địa bàn một số xã đặc biệt khó khăn, vùng biên giới thì tín dụng chính sách chiếm đến 90%. Hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng vào thành quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thể hiện rõ nét qua tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm trên 3%, vượt mục tiêu mà Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra (từ 2,5-3%), trong đó các huyện 30a tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 6-7%, cao hơn kế hoạch (kế hoạch giảm 4-5%); thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2016 đã tăng 1,7 lần so với năm 2011; 152 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Hoạt động theo phương châm “dân biết, dân làm, dân kiểm tra”

Chia sẻ về chặng đường 15 năm hoạt động của NHCSXH tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Văn Vinh - Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Nghệ An - cho biết: Với mô hình tổ chức gồm bộ máy quản trị, cùng bộ máy điều hành tác nghiệp tinh gọn và 4 tổ chức chính trị - xã hội làm ủy thác, xây dựng thành công mạng lưới tổ TK&VV đến 100% thôn (xóm, bản, làng) và tổ chức giao dịch giao đến tận cấp xã đã giúp cho NHCSXH tỉnh Nghệ An chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến tận tay người thụ hưởng nhanh chóng, thông suốt, đảm bảo công khai, dân chủ theo phương châm “dân biết, dân làm, dân kiểm tra”, tiết kiệm chi phí và tạo ra hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội to lớn.

Thực tiễn đã chứng minh phương thức quản lý của NHCSXH hiện nay không chỉ đạt mục tiêu quản lý tín dụng chính sách có hiệu quả mà còn tạo điều kiện cho việc tổ chức thực hiện lồng ghép các chương trình kinh tế-xã hội, chương trình khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư; tạo điều kiện cho chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội nhất là tại cấp xã thường xuyên tiếp cận với nhân dân, khuyến khích nhân dân góp ý xây dựng chính quyền, hội viên xây dựng tổ chức ngày càng vững mạnh, thúc đẩy kinh tế phát triển, đảm bảo ổn định an ninh, ổn định chính trị tại địa phương. 

Đọc thêm