Truyền thuyết hồ cá kỳ bí
Các cụ già trong làng kể lại rằng, khắp cả một vùng rộng lớn xung quanh núi đá ở thôn Đồng Xuân, xưa kia là nơi những đàn cò lui về trú ngụ. Phải có đến hàng nghìn, hàng vạn con cò đậu trắng xóa cả một vùng, tạo nên một cảnh tượng vô cùng đẹp mắt. Dãy núi đá với cái tên lèn Đồng Cò cũng ra đời từ đó.
Theo lời kể, đàn cò thích về lèn Đồng Cò trú ngụ không phải chỉ bởi nơi đây cao ráo, địa thế đẹp, mà còn bởi vào mùa mưa lũ, dưới chân những hang đá của lèn này đầy ắp những loài cá theo con nước từ thượng nguồn đổ về. Khi đó, cả vùng chẳng nơi đâu được yên tĩnh bởi tiếng kêu của cò, tiếng bì boạp lội nước bắt cá tôm, và cả tiếng giành mồi chí chóe...
Hết mùa mưa lũ, nước rút vào sâu trong hang, để lại cửa hang nhỏ với độ sâu hun hút tối đen như mực, khơi gợi trí tò mò của con người. Khắp lèn Đồng Cò có rất nhiều hang lớn nhỏ, nhưng nổi bật nhất là hang đá ở phía nam lèn Đồng Cò bởi nhiệt độ rất thấp và sự bí ẩn qua những lời kể của các cụ già trong làng.
Cụ Hồ Văn Thể, còn gọi là ông “Thành câu” bởi biệt tài nhiều năm câu cá ở cửa hang, năm nay đã 87 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Ông cụ là một trong số 2 cao niên trong làng dám một thân một mình vào khám phá hang đá.
Ông Thể bảo, trước đây trong làng có cụ cố Hà gan dạ bậc nhất, dám một mình khám phá hết những hang động ở dưới chân núi lèn Đồng Cò. Thời cụ cố Hà còn sống khỏe mạnh, lúc đó ông Thể đang là cậu choai mười mấy tuổi, được cụ cố kể lại chuyện khám phá hang, trong lòng không khỏi nảy sinh sự ngưỡng mộ và cảm phục.
Trong câu chuyện mà cụ cố Hà kể lại cho ông Thể, từ hồi còn chiến tranh, khi người dân trong làng còn thưa thớt và chưa biết đến sự tồn tại của hang đá, đã có một đơn vị bộ đội về đây khảo sát hang đá. Bộ đội lần lượt chia nhau tìm hiểu các ngõ ngách trong hang. Cuối cùng, họ dừng chân trước một hồ nước rộng có rất nhiều cá lớn, màu sắc kỳ dị.
Sinh thời lúc còn sống, sẵn sự gan dạ và tính tò mò, cụ cố Hà đã chuẩn bị hành trang, dụng cụ để một mình khám phá hang sâu này. Sau nhiều lần vào hang phải quay ra giữa chừng vì thiếu ánh sáng, cụ cố rút ra kinh nghiệm, chuẩn bị sẵn đèn pin loại tốt cùng nhiều pin, chăn và áo ấm, đồng thời mang theo một cuộn chỉ làm dấu đề phòng lúc bị lạc vì hang quá nhiều ngóc ngách.
Với từng ấy hành trang, cụ cố Hà đã đi đến tận cùng của hang đá, và nhìn thấy hồ nước có rất nhiều cá như lời mà đơn vị bộ đội trước đây đã kể lại. Sau chuyến thám hiểm thành công của cụ cố, nhiều người dân cũng hiếu kỳ trước hang đá này, họ theo chân cụ đi vào hang, nhưng chỉ được giữa chừng đã phải trở ra vì không chịu được cái lạnh trong đó.
Về phần ông Thể, ông cũng từng nhiều lần vào sâu trong hang, nhưng lần vào sâu nhất là cách đây khoảng 7, 8 năm với mục đích tìm các nhũ đá đẹp về làm hòn non bộ. Lần đi đó, ông trang bị cho mình áo bông, đèn pin loại tốt cùng 6 cặp pin và 10 cái bóng đèn , thêm cả 2 bao áo đầy lá cây để đánh dấu đường đi.
Ông Thể ước chừng, mình đã đi được khoảng 300 đến 400m, tìm được một nhũ đá đẹp, ngắm những mê cung đá đẹp như lâu đài, rồi phải trở ra vì quá lạnh. Điều ông tiếc nhất là chưa đi vào được đến tận cùng để chiêm ngưỡng hồ nước đẹp có nhiều cá như lời cụ cố Hà đã kể lại.
Ngoài hang đá ở nam lèn Đồng Cò, ông Thể cho biết mình còn từng vào hang ở phía bắc lèn Đồng Cò, leo lên đến đỉnh của núi đá này. Trong đó, phía bên trong hang ở bắc lèn Đồng Cò có một số đao kiếm đã bị gỉ sét, ông cụ cho rằng đây là kho vũ khí của một đội quân nào đó.
Trái với hang đá ở Nam lèn Đồng Có có nhiệt độ quá lạnh, hang ở phía bắc có nhiệt độ bình thường, là nơi trú ngụ của nhiều loại côn trùng. Ở phía trên dãy núi đá, nằm ngay chính giữa là một cái giếng trời có nhiều nước, tô điểm cho dãy núi đá thêm sự huyền bí, kỳ vĩ.
Người dân vô tư ngủ trong hang |
Nơi ngủ trưa, tránh nóng yêu thích
Không tò mò, gan dạ và ham khám phá như ông Thể nên không nhiều người dân địa phương ở đây biết được những điều kỳ bí trong hang, nhưng đối với họ, hang đá ở phía nam lèn Đồng Cò đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của họ từ nhiều năm nay.
Đối với người dân bản địa, vào mùa mưa lũ, cửa hang chính là một hồ nước nhiều loại cá, trong đó phải kể đến những đàn cá lăng to và béo ngậy với vị thơm ngon mà những loại cá khác không thể sánh được.
Còn đến mùa nắng nóng, nước rút đi, hang đá lại trở thành nơi tránh nóng của người dân, ước chừng, nhiệt độ trong hang luôn chênh lệch với bên ngoài khoảng mười mấy đến hai mươi độ đặc biệt là ngoài trời càng nắng nóng thì trong hang lại càng lạnh.
Thế nên, vào những ngày hè nắng oi ả và khủng khiếp như thế này, thì vào hang đá nằm nghỉ chính là sự lựa chọn tuyệt vời của đa số người dân ở đây.
Theo thông lệ, sau khi ăn cơm trưa xong, bố con anh Nguyễn Xuân Đức (47 tuổi) lại cắp chăn, cắp chiếu ra hang đá nằm để ngủ trưa. Lúc sau, khoảng tầm 11h30 đến 12h đã thấy từng đoàn người tìm đến hang để nằm nghỉ.
Người ở gần thì đi bộ, người ở xa thì đi xe máy rồi dựng tại cửa hang; có người chỉ ngủ ngay tại cửa hang là đã thấy mát rồi, nhưng cũng có người vào sâu bên trong để cảm nhận cái lạnh. Cứ thế, những ngày nắng nóng, nông vụ nhàn hạ, họ chui vào hang ngủ một giấc ngon lành, đến 3h, 4h chiều mới dậy kéo nhau về.
Được sự dẫn đường của một lão nông dày kinh nghiệm “chui hang”, chúng tôi theo chân ông lão vào sâu phía bên trong hang. Mới đến gần cửa hang, chúng tôi đã cảm nhận ngay được sự khác biệt về nhiệt độ. Cửa hang nhỏ hẹp, chỉ vừa cho một người chui vào, ánh sáng vì thế cũng hạn chế, chỉ cách cửa hang khoảng 1m là đã tối đen, vì thế vật không thể thiếu đối với người dân vào hang ngủ chính là đèn pin hoặc điện thoại đã sạc đủ pin.
Càng vào trong nhiệt độ càng lạnh, các ngách hang có độ bằng phẳng đã bị người dân “chiếm cứ” làm chỗ ngủ. Vì đường đi nhỏ hẹp, lại thấp và trơn trượt do lượng phù sa chảy từ ruộng vào bồi đắp hàng năm, nên chúng tôi phải bò và cúi lom khom là chủ yếu. Theo lời người dẫn đường, đi sâu vào khoảng 200m thì có thể đứng thẳng người lên được.
Trước khi vào hang, chúng tôi dự định phải chụp thật nhiều ảnh đẹp. Nhưng vào rồi mới biết bên trong tối om, dù nhũ đá rất đẹp, các ngóc ngách cũng đẹp như một mê cung, nhưng rất khó chụp lại được. Chúng tôi đi ra với sự tiếc nuối, thầm nghĩ giá như có một hệ thống bóng đèn trong đó thì sẽ đẹp biết nhường nào.
Không những mát lạnh như điều hòa, hang đá này còn đặc biệt ở chỗ không có lấy một con ruồi, muỗi hay côn trùng rắn rết nào sinh sống, khiến mọi người càng yên tâm mà thả mình vào giấc ngủ trưa. Lý giải cho điều này, người dân cho rằng có lẽ do hang đá quá lạnh, nên không loại côn trùng nào sinh sống được. Ngay cả đối với người dân nếu ở trong hang mà đi ra ngoài trời đột ngột cũng bị sốc.
Chẳng hạn như hè năm ngoái có chị Hồ Thị Thành (SN 1966, người trong thôn) cũng bị sốc mấy lần khi vào hang ngủ. Lần sốc nặng nhất khiến chị Thành suýt ngất, từ đó, người phụ nữ này dù nắng nóng đến mấy cũng không dám vào hang ngủ trưa nữa.
Với công dụng là nơi tránh nóng ngủ trưa được người dân địa phương ưa thích, vài năm trở lại đây hang đá tự nhiên này đã được nhiều người biết đến hơn, có người ở xa cũng tìm đến đây để tránh nóng.
Thỉnh thoảng, lại có vài nhóm thanh niên mang đồ ăn đến đây cắm trại, rồi tổ chức thăm thú hang. Người dân địa phương sẽ rất sẵn lòng chỉ dẫn và nhường cho khách một chỗ ngủ trong cái hang mát mẻ mà bà mẹ thiên nhiên đã ban tặng.