Nghệ An cũng “trượt” theo “vết xe đổ” mô hình bệnh viện công - tư?

(PLO) - Dù có những bài học xương máu về rủi ro trong xây dựng bệnh viện theo mô hình công – tư, điển hình như trường hợp Bệnh viện Bạch Mai, nhưng mới đây, tỉnh Nghệ An lại bất ngờ cho chủ trương triển khai xây dựng thêm một bệnh viện theo mô hình này. Lễ động thổ dự án bệnh viện đã diễn ra.
Thực tế còn cho thấy, bệnh viện công khó “bắt tay” với các nhà đầu tư bên ngoài do còn nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách, nguồn vốn, chia sẻ lợi ích, vấn đề đất đai... Nhưng nếu “bắt tay” được thì tài sản nhà nước rất dễ bị lợi dụng để phục vụ lợi ích cho một nhóm người nào đó, thay vì cho cộng đồng. 
Dù đã có bài học nhãn tiền về những rủi ro trong xây dựng bệnh viện theo mô hình công - tư nhưng mới đây, tỉnh Nghệ An bất ngờ cho chủ trương triển khai xây dựng bệnh viện theo mô hình này. 
Chưa có mặt bằng đã “động thổ”
“UBND tỉnh kính đề nghị Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến về chủ trương áp dụng mô hình xã hội hóa trong lĩnh vực khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An theo hình thức công - tư. Với tỷ lệ sở hữu và hình thức góp vốn: Bệnh viện Đa khoa Nghệ An (đại diện phần vốn nhà nước) góp 40% vốn điều lệ bằng giá trị tài sản được đầu tư bằng ngân sách nhà nước, gồm: giá trị lợi thế vị trí địa lý, thương hiệu bệnh viện và giá trị đền bù giải phóng mặt bằng được cơ quan chức năng thẩm định. Công ty Cổ phần Kỹ thuật xây dựng và Vật liệu xây dựng COTEC góp 60% vốn điều lệ bằng tiền mặt”- văn bản do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Thị Lê Thanh ký cho thấy hình thức xây dựng bệnh viện theo mô hình công- tư ở Nghệ An không có gì mới. 
Mặc dù có nhiều ý kiến của những người đang công tác trong lĩnh vực y tế tại địa phương phản ứng cho rằng không nên thực hiện dự án này khi chưa tính toán hết các hệ lụy của nó, nhưng theo nguồn tin của PLVN, bệnh viện công – tư hợp doanh vẫn sẽ được tỉnh Nghệ An cho đầu tư xây dựng tại địa điểm khu B thuộc khu quy hoạch xây dựng bệnh viện mới đa khoa tỉnh Nghệ An với diện tích khoảng 2,5ha với quy mô 600 giường bệnh, tổng mức đầu tư dự kiến là khoảng 1.200 tỷ đồng. 
Trong ngày khánh thành bệnh viện đa khoa mới đây, Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An và đối tác là Công ty Cổ phần Kỹ thuật xây dựng và Vật liệu xây dựng COTEC có hành vi gây ngạc nhiên khi tranh thủ có mặt nhiều lãnh đạo của tỉnh và người đứng đầu ngành Y tế, đã cho tiến hành Lễ động thổ dự án xây bệnh viện trong khi việc ký kết hợp đồng đầu tư chưa thực hiện, mặt bằng chưa giải phóng hết, các thủ tục dự án chưa có(?!). 
Chủ trương nóng vội?
Ông Nguyễn Danh Linh, Giám đốc Bệnh viện Đa Khoa Nghệ An xác nhận với PLVN việc xây dựng bệnh viện theo mô hình này đã được Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh Nghệ An đồng ý cho triển khai nên mới tiến hành làm lễ động thổ. Ông giải thích: “Giống như lễ “thông xe” ấy mà. Lễ động thổ này là động thổ cho chủ trương chứ tới giờ hai bên chỉ mới bắt đầu thương thảo. Động thổ hôm đó để lấy ngày thôi mà”.
Theo ông Hoàng Văn Hảo, Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An, trong bối cảnh Nhà nước thiếu vốn, có nhà đầu tư vào tỉnh để xây dựng bệnh viện phục vụ cho nhân dân là điều đáng mừng. Lãnh đạo Sở Y tế tham mưu cho tỉnh chủ trương này. Ông cho biết, phía Tập đoàn COTEC có mời một nhóm cán bộ của ngành, của tỉnh đi học tập mô hình trong phía Nam. Sau khi về, đoàn công tác này ra văn bản trình UBND tỉnh đề nghị đồng ý cho chủ trương. Sau đó, tỉnh ủy quyền cho Bệnh viện Đa khoa Nghệ An đứng ra thương thảo, ký kết hợp đồng với doanh nghiệp để triển khai dự án. 
“Xây dựng bệnh viện theo hình thức này, phần vốn góp của Nhà nước là có rủi ro. Tôi tìm hiểu thì cũng biết được ở một số nơi mà công –tư kết hợp, liên doanh, liên kết thì sau khi vào hoạt động, vì tỷ lệ vốn góp nhiều hơn nên doanh nghiệp tư nhân chắc chắn sẽ nắm quyền điều hành. Có xảy ra việc vài năm đầu hoạt động, họ sẽ làm sao để kêu kinh doanh thua lỗ. Báo lỗ đến lúc mà Nhà nước chịu không được thì đành phải khấu trừ lại cổ phần của mình cho đối tác”- ông Hảo thừa nhận.  
Trong khi đó, theo bác sĩ Phạm Văn Diễn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An, việc tỉnh cho xây bệnh viện theo mô hình công – tư ngay trong khuôn viên bệnh viện đa khoa là một chủ trương sai lầm. “Làm như vậy sẽ không tránh khỏi hiện tượng lôi kéo bệnh nhân sang phía bệnh viện dịch vụ để hưởng lợi, y, bác sĩ có thể chạy theo thù lao mà quên đi bổn phận và trách nhiệm của mình với bệnh nhân. Công là công, tư là tư, không thể nhập nhằng công và tư được. Xây bệnh viện tư - công trong lòng bệnh viện công là “anh” đang chủ trương “móc túi” bệnh nhân, lợi dụng lợi thế của Nhà nước để “anh” làm kinh tế. Cần phải nói thẳng ra như vậy” - ông Diễn gay gắt khi nói về chủ trương mà tỉnh Nghệ An đang cho triển khai. 
BS Trần Văn Bảo, kinh qua nhiều năm làm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An, cho biết: Khu đất mà tỉnh đang cho chủ trương xây bệnh viện công – tư vốn là khu đất mà lúc ông Bảo còn giữ cương vị Giám đốc đã xin tỉnh quy hoạch thành một khu công năng, dịch vụ phục vụ cho khu chính của bệnh viện. Theo ông Bảo, việc thay đổi quy hoạch xây bệnh viện trong lòng bệnh viện là một chủ trương chưa được tính toán kỹ lưỡng. 

Đọc thêm