Xóm Đông Xuân được thành lập từ năm những năm cuối thập niên 50 (1959) tiền thân là một đội của nông trường Đông Hiếu (đóng tại huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An). Năm 1977, Nông trường Đông Hiếu bàn giao lại cho Nông trường Bến Nghè, là công nhân nông trường nhưng địa giới hành chính và sinh hoạt của người dân lại thuộc xã Quỳnh Thắng.
Đến năm 1993, nông trường Bến Nghè giải thể, đất đai và con người xóm Đông Xuân được giao cho UBND xã Quỳnh Thắng quản lý. Nhưng đến năm 1994, vẽ bản đồ địa giới hành chính 364 thì xóm Đông Xuân lại thuộc UBND xã Quỳnh Châu.
Năm 2003, UBND huyện Quỳnh Lưu ra quyết định chuyển toàn bộ nhân khẩu xóm Đông Xuân sang cho xã Quỳnh Châu quản lý. Việc này không đúng với lịch sử hình thành và phát triển người dân trong xóm đã không đồng ý và phản ánh lên các cấp chính quyền.
Năm 2005, Đoàn thanh tra tỉnh về làm việc và có kết luận: tạm thời giữ nguyên hiện trạng, dân cư xóm Đông Xuân (kể cả đất đai xóm Đông Xuân sản xuất) giao xã Quỳnh Thắng tiếp tục quản lý. Cuộc sống người dân thời đó không chịu nhiều ảnh hưởng của việc này, nhưng càng về sau thì những phiền toái khi làm các thủ tục vay vốn ngân hàng, hay chuyển nhượng đất đai hoặc xác nhận các thủ tục…
Nói về chuyện gặp rắc rối, câu chuyện của gia đình anh Nguyễn Văn Hoàn là một ví dụ: tích cóp mua được một mảnh đất 2013 trên địa bàn xã Quỳnh Thắng. Thanh toán tiền giữa hai bên xong xuôi, chưa được cấp sổ đỏ nhưng có nhu cầu làm nhà nên gia đình lên UBND xã Quỳnh Thắng xin ý xác nhận sau đó xuống huyện nhưng huyện không giải quyết. Lý do là đất thuộc xã Quỳnh Châu nên yêu cầu đến xã Quỳnh Châu xác nhận.
“Nhiều đời cha ông chúng tôi đều sinh ra, lớn lên ở Quỳnh Thắng sao lại bắt lên Quỳnh Châu xin xác nhận. Gia đình chỉ muốn làm căn nhà nhỏ để vợ chồng chui ra chui vô mà khó khăn, để cầm cố tài sản vay ngân hàng lấy tiền xây nhà cũng không được…”, anh Hoàn tâm sự.
Đây không phải là câu chuyện riêng của một người, một gia đình mà rất nhiều hộ dân lâm vào hoàn cảnh trên. Cũng vì việc không đồng ý với việc chuyển sang Quỳnh Thắng quản lý nên từ năm 2003 đến 2004 xóm không có một tổ chức, đoàn thể nào hoạt động.
|
Sổ hộ khẩu người dân trú quán tại xã Quỳnh Thắng nhưng lại sống trên đất Quỳnh Châu |
Theo ông Lê Văn Nga, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thắng cho hay, hiện nay các giao dịch của người dân đều được tạo điều kiện, riêng giao dịch về đất đai thì không thực hiện được vì người ở Quỳnh Thắng nhưng đất lại thuộc Quỳnh Châu. Nếu người dân muốn thực hiện giao dịch thì phải xin xác nhận của chính quyền xã Quỳnh Châu nhưng cho rằng điều đó không đúng với lịch sử nên nhất quyết không chịu sang Quỳnh Châu xác nhận.
Mong muốn của người dân và chính quyền là giải quyết dứt điểm để người dân yên tâm sinh sống. Được biết, để giải quyết sự việc này chính quyền hai xã đã ngồi lại với nhau để tìm tiếng nói chung tuy nhiên mọi chuyện vẫn chỉ dừng lại ở việc nói chuyện.
Còn theo ông Nguyễn Bỉnh Khảng, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Châu cho biết thì mong muốn của xã là xóm Đông Xuân chuyển về Quỳnh Châu thì hay hơn. Do ở Quỳnh Thắng người dân sẽ được hưởng nhiều chính sách của xã miền núi loại 2 hơn nên dân xóm Đông Xuân không chấp nhận về Quỳnh Châu. Được biết, sự việc trên UBND huyện cũng đã tổ chức hai xã ngồi lại với nhau để đối thoại, tuy nhiên mỗi bên đều có một quan điểm của mình nên không tìm được tiếng nói chung.
Ông Đặng Ngọc Bình, Phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu xác nhận sự việc trên, “Hiện chính quyền huyện đã báo cáo tỉnh về tình hình, đang chờ tỉnh sẽ tổ chức làm việc để đưa ra quyết định cuối cùng giải quyết dứt điểm sự việc để người dân yên tâm sinh sống”, ông Bình cho hay.
Để người dân sớm ổn định tâm lý cũng như đảm bảo các quyền lợi trong cuộc sống hàng ngày hay các chế độ chính sách nhà nước, các giao dịch mua bán… Chính quyền và các ban ngành cần sớm có phương án giải quyết dứt điểm sự việc trên.