Nhà máy mía đường Sông Con thuộc Công ty Cổ phần Mía đường Sông Con đóng tại khối 5, thị trấn Tân Kỳ (Nghệ An), Giám đốc phụ trách là ông Lê Đình Hoan. Khoảng 3 năm gần đây, cứ mỗi đợt Nhà máy vào vụ ép thì người dân sống gần khu vực Nhà máy và vùng lân cận lại hứng chịu bụi bặm, than tro từ ống khói Nhà máy. Năm nay sau khi Nhà máy đi vào vụ ép, lượng tro bụi bay ra bị cho là gấp nhiều lần so với các vụ ép trước.
Có mặt tại khối 5, thị trấn Tân Kỳ, chúng tôi thấy bụi tro bay khắp nơi, thậm chí trong phòng ngủ, nhà vệ sinh của nhiều hộ dân cũng bám một lớp bụi tro dày đặc. Bà Nguyễn Thị Tuệ (trú khối 5) cho biết: “Nhà máy đi vào vụ ép từ đầu tháng 12 đến tháng 4 mới kết thúc. Gia đình tôi phải quây tôn che bớt khói bụi. Quần áo giặt không dám phơi ngoài sân mà phải phơi trong nhà. Rau thì bụi tro bám đen như mò hóng, rửa hàng chục lần nước cũng chưa hết bụi than...”.
Ông Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Nhà máy cho hay: “Cứ vào đầu vụ ép là có than, tro bay ra từ ống khói, nguyên nhân hệ thống máy móc mới đi vào hoạt động. Mỗi lần ép từ 3 - 4 tháng, đợt này Nhà máy bắt đầu ép từ đầu tháng 12/2019”.
Việc bụi tro bay khắp nơi làm ảnh hưởng tới cuộc sống người dân gần tháng nay, phía nhà máy cũng thừa nhận. Tuy nhiên, khi làm việc với huyện Tân Kỳ, trong khi ngay tại trụ sở UBND huyện, trên nền sân, cây cối… cũng ghi dấu lớp bụi tro, nhưng cán bộ Phòng TN&MT lại cho biết “chưa kiểm tra nhà máy và cũng chưa báo cáo Sở về tình trạng này”.
Không chỉ hệ thống sản xuất mà ngay cả hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy trên cũng có vấn đề, do đó ngày 30/7/2019 Thanh tra Sở TN&MT Nghệ An đã có Quyết định 430/QĐ – XPVPHC xử phạt 70 triệu đồng với Công ty này trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Cụ thể: Công ty CP Mía đường Sông Con xây dựng hệ thống xử lý nước thải chưa theo đúng thiết kế trong báo cáo ĐTM đã được phê duyệt tại Quyết định 94/QĐ-UBND ngày 9/01/2014 của UBND Nghệ An. Yêu cầu xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo đúng thiết kế, trong vòng 120 ngày kể từ ngày nhận được quyết định phải khắc phục hệ thống xử lý nước thải. Nếu quá thời hạn mà không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế.
Được biết, hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy được đặt ngay cạnh bờ sông Lam, là nguồn nước ăn chính của người dân. Sở TN&MT đã yêu cầu phía Công ty sau bốn tháng phải khắc phục hệ thống xử lý, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Vậy Nhà máy này bất chấp quy định pháp luật hay cơ quan chức năng “bất lực”?
“Biết là Công ty đã hoạt động nhiều năm, tạo công ăn việc làm cho một số lao động, tuy nhiên không phải vì lý do đó mà có thể bất chấp tất cả?”, người dân kiến nghị và đề nghị các cấp ngành chức năng sớm vào cuộc xử lý dứt điểm.