Xưởng gỗ dăm núp bóng điểm thu mua sắn
Ngay sau Tết Nguyên đán Bính Thân, một dây chuyền băm gỗ dăm trái phép quy mô lớn được xây dựng và đi vào hoạt động suốt ngày đêm tại thôn Cồng, xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp. Điều tra của chúng tôi cho thấy, dây chuyền bất hợp pháp này là của Doanh nghiệp Hoàng Huy.
Một người dân địa phương cho hay: “Người ta xây dựng rầm rập và đưa vào sử dụng rồi. Không ai kiểm tra chi cả”. Người dân ở đây cho biết, Doanh nghiệp Hoàng Huy mới sản xuất gỗ dăm sau Tết Nguyên đán 2016 với công suất lớn.
Không chỉ Hoàng Huy, ở Quỳ Hợp còn nhiều xưởng khai thác, chế biến gỗ dăm bất hợp pháp khác. Như PLVN đã thông tin, tại xã Đồng Hợp, xưởng sản xuất gỗ dăm của Công ty TNHH Sản xuất chế biến và thương mại Thắng Lợi hoạt động cả ngày đêm, công suất trăm tấn mỗi ngày, dù cả nhà xưởng và dây chuyền ở đây đều xây dựng trái phép.
Được biết, sản xuất dăm gỗ và bột giấy là loại hình đầu tư có điều kiện. Để đảm bảo quy hoạch, UBND tỉnh Nghệ An đã tạm ngừng cấp phép mới hoạt động này từ năm 2010. Tuy nhiên, trong những năm qua nhiều xưởng sản xuất gỗ dăm trái phép mọc lên ở nhiều nơi. Sau khi chính quyền vào cuộc, nhiều xưởng đã bị dẹp song có những nơi vẫn ngang nhiên hoạt động như thách thức chính quyền.
Chánh Văn phòng UBND huyện Quỳ Hợp Nguyễn Đình Hạ cho biết: “Cũng có thông tin từ dưới nhà máy của Cty Hoàng Huy vừa xây dựng trái phép và huyện cũng đang xử lý”. Dù “đang xử lý” nhưng ghi nhận của phóng viên cho thấy tại nhà xưởng này, những chiếc xe vận tải nguyên liệu gỗ vẫn ra, vào tấp nập, dây chuyền hoạt động ầm ầm nhưng không có sự xuất hiện nào của cơ quan chức năng.
Trong khi đó, ông Hoàng Văn Thái, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện này biện bạch: “Xử lý sai phạm ở xưởng Thắng Lợi rất khó. Vì trong Giấy phép kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An cấp có mục 27 cho phép “sản xuất gỗ dăm”. Giấy phép do Sở cấp nên huyện không thể can thiệp, nếu huyện cấp thì huyện sai. Khi huyện đến kiểm tra thì nhà máy này có Giấy phép kinh doanh, nhưng chưa có giấy phép xây dựng xưởng”.
Ông Kim Thanh Xuyên, Trưởng phòng Công Thương huyện Quỳ Hợp khẳng định: “Xưởng gỗ dăm Thắng Lợi và các xưởng gỗ dăm ở thôn Cồng đều xây dựng không phép”.
Báo cáo sai sự thật
Trước tình trạng các xưởng sản xuất gỗ dăm thách thức pháp luật, UBND tỉnh Nghệ An đã có Văn bản số 9444/UBND-CNTM giao Sở NN&PTNT phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan “kiểm tra hoạt động sản xuất gỗ dăm không phép”, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20/1/2016. Tuy nhiên đến đầu tháng 3, Sở NN&PTNT Nghệ An vẫn chưa có kết quả báo cáo tỉnh.
Ông Nguyễn Tiến Lâm – Phó Giám đốc Sở NN&PTNN Nghệ An - cho biết, sau chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An, Sở đã lập đoàn kiểm tra và yêu cầu các huyện báo cáo tình hình hoạt động của các xưởng gỗ dăm tại địa bàn để làm cơ sở ban đầu cho các đợt kiểm tra trực tiếp của Sở. Ông Lâm lý giải sở dĩ cần phải yêu cầu các huyện báo cáo trước là vì địa bàn tỉnh Nghệ An rất rộng, Sở không thể bao quát được toàn bộ.
Mặc dù xưởng sản xuất gỗ dăm trái phép được xây dựng công khai nhưng ông Lâm nói rằng: “Theo như báo cáo ban đầu thì huyện cũng báo cáo không có, chúng tôi đang phải dùng nhiều nguồn tin khác nhau. Sắp tới, khi đoàn kiểm tra của Sở làm việc xong, có thông tin chính thức thì sẽ đánh giá được báo cáo của các huyện là như thế nào”.
Đơn cử, tại Báo cáo số 217 do Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Nguyễn Hữu Hiền gửi Sở NN&PTNT ngày 15/2/2016 khẳng định “không có nhà máy sản xuất gỗ dăm không phép”. Trái ngược với khẳng định của ông Hiền, theo ghi nhận của chúng tôi, tại địa bàn Thanh Chương, xưởng sản xuất gỗ dăm xây dựng trái phép của Công ty Thành Phát vẫn ngày đêm hoạt động!