Nghệ An: Nghi vấn giả mạo hồ sơ hưởng chính sách trồng rừng

(PLO) - Nhận được phản ánh của bạn đọc về việc có dấu hiệu lập khống, giả mạo hồ sơ để hưởng tiền từ dự án trồng rừng tại Quỳnh Lưu (Nghệ An), Báo PLVN đã vào cuộc để tìm hiểu sự việc.  
Diện tích rừng phòng hộ bị chặt phá tại xã Tân Thắng
Diện tích rừng phòng hộ bị chặt phá tại xã Tân Thắng

Ông Hoàng Văn Bộ, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết, thời điểm ông đang làm Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quỳnh Lưu (ông Bộ được bầu làm Chủ tịch UBND huyện từ ngày 13/11/2018) có tổ chức đi kiểm tra rừng phòng hộ trên địa bàn.

Phát hiện hiện tượng chặt phá rừng, ông đã ký công văn yêu cầu kiểm tra xử lý sự việc. Quá trình kiểm tra cũng xuất hiện phản ánh và đơn thư tố cáo của người dân xuất hiện việc lập khống hồ sơ để hưởng tiền từ dự án. 

Ông Bộ chia sẻ, huyện rất quyết liệt trong việc giải quyết vụ việc, nhìn những khu rừng bị chặt phá cũng rất xót xa… “Vụ việc là có, tuy nhiên số liệu cụ thể đang được Ban Kiểm tra Huyện ủy tiến hành làm việc, chưa có con số cụ thể để cung cấp cho báo chí. Quan điểm của huyện khi có kết quả sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật”, ông Bộ nói. 

Thông tin từ Ban Kiểm tra Huyện ủy Quỳnh Lưu cho biết, hiện vụ việc đang được kiểm tra làm rõ, sau khi nhận được thông tin, Ban đã vào cuộc kiểm tra. Trong quá trình kiểm tra, ngoài việc phát hiện việc khai thác rừng trái phép, mua bán trái phép, Đoàn còn phát hiện ra việc lập hồ sơ khống để hưởng lợi dự án.

Sau khi kiểm tra ban đầu lại xuất hiện thêm một số hồ sơ nữa nên Ban Kiểm tra tiếp tục kiểm tra bổ sung. Hiện số liệu cụ thể số tiền bao nhiêu đang được kiểm tra.

Còn ông Trần Đình Sơn, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An cho biết, sự việc đang được Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy tiến hành làm việc, nên cũng chưa có kết luận việc có giả mạo hồ sơ hay không.

Được biết, đơn vị trên được thành lập từ ngày 5/1/2018, trên cơ sở chuyển đổi Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Quỳnh Lưu thành Ban Quản lý rừng phòng hộ và sáp nhập với Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳnh Lưu. 

Ông Sơn cũng cho biết, đơn vị mới sáp nhập về mặt con người từ Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳnh Lưu về sự quản lý của Ban, còn các hồ sơ chưa được bàn giao. Khi mới tiếp nhận được 2-3 ngày thì các cơ quan báo chí phản ánh việc chặt phá rừng phòng hộ xảy ra tại Tân Thắng, Quỳnh Lưu nên cũng đã phối hợp với các cơ quan tiến hành kiểm tra.

Theo ông Sơn, ngày 13/8/2018 công an phối hợp với kiểm lâm phát hiện bắt một số công dân chặt phá rừng tại xã Tân Thắng, ủi đất để trông dứa (thơm), khi đề nghị xử lý thì những hộ dân này trình bày là rừng họ nhận chăm sóc theo các chương trình dự án. Họ cũng xuất trình một số giấy tờ thủ tục nhận tiền, hiện đã được giao cho Ủy ban Kiểm tra đang làm việc.

Sự việc xảy ra nhiều nhất tại xã Tân Thắng, còn một số trường hợp tại xã Quỳnh Vinh, Quỳnh Trang (TX Hoàng Mai). Tại xã Tân Thắng có một số trường hợp là cán bộ xã (ông Dương Đình Phúc, cán bộ Văn hóa xã) nhận chăm sóc rừng để hưởng dự án rồi chặt phá, san ủi để trồng rừng.

Qua điện thoại, ông Phan Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã cho hay, vụ việc phá rừng phòng hộ xảy ra trên địa bàn, hiện đang được Ban Kiểm tra Huyện ủy tiếp tục làm rõ. Các hồ sơ đều do Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳnh Lưu làm nên xã không nắm được.

Ông Dũng cũng thừa nhận: “Trong quá trình làm hồ sơ, anh em tham mưu cấp dưới cũng “ký nháy” và ông có ký xác nhận tại một số hồ sơ, tuy nhiên “do không nắm được vì không thể đi kiểm tra hết được, cũng vì tin tưởng anh em tham mưu nên cũng có một phần trách nhiệm của mình trong việc này”. 

Theo một nguồn tin, có hai dạng làm giả hồ sơ, dạng thứ nhất là khi có Dự án 661 (dự án trồng mới 5 triệu ha rừng theo Quyết định 661 ngày 29/7/1998 của Thủ tướng) trong đó có chính sách hỗ trợ tiền chăm sóc, tiền bảo vệ, tiền hỗ trợ giống, phân bón…

Riêng giống và phân bón thì người dân được hưởng, còn tiền chăm sóc thì khi cán bộ làm hồ sơ dân ký vào nhưng số tiền thực nhận thì khác. Một hình thức thứ hai là giả mạo, làm khống để nhận tiền dự án, hiện đang được Ủy ban Kiểm tra tiếp tục làm rõ.

Đọc thêm