Cách đây hơn 10 năm, những người dân sống trong khu vực lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ sẵn sàng nhường đất, nhường nơi ở, nhường sông suối ra nơi TĐC để phục vụ dự án thủy điện với công suất 320MW. Nơi ở mới, với cơ sở vật chất khang trang hơn, đường giao thông thuận tiện hơn, con em được đi học hành đầy đủ hơn… so với trước phần nào cũng khiến bà con yên lòng.
Thời gian đầu, do phong tục tập quán chưa quen với việc định canh định cư, lại chưa có đất canh tác. Nhưng những năm lại đây bà con tại khu TĐC xã Ngọc Lâm đã có đất để sản xuất để ổn định cuộc sống. Ông Lô Huy Hùng – Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm cho biết, xã có hơn 1.400 hộ/6.100 nhân khẩu với 98% là đồng bào dân tộc thiểu số chuyển từ Tương Dương xuống. Một số ít hộ dân bỏ về nơi cũ, xã nhiều lần tổ chức vận động, kêu gọi nhưng họ vẫn không quay về. Đất sản xuất đã cấp đủ cho bà con mỗi hộ 1,5ha trồng chè, trồng keo lấy gỗ…
Tại xã Thanh Sơn, bản Chà Coong 1 và 2 cũng là hai điểm TĐC của bà con nhường đất cho dự án thủy điện về sinh sống từ hơn 10 năm trước. Một thực tế tại địa phương là hiện nay chủ trương giao đất cho bà con đã có nhưng thực tế vẫn chưa giao. ông Lô Hồng Sơn – Trưởng bản Chà Coong 2 cho biết, cả bản có 95 hộ, đến nay còn khoảng 35 hộ chưa được giao đất sản xuất mới chỉ nhận đất trên giấy. Bà Moong Phon Xay phản ánh: “Mới nhận đất giao trên giấy tờ thôi, còn mảnh đất đó đang được người khác trồng cây sản xuất rồi nên phải chờ. Cả bản nhiều người đi thuê đất người khác để làm ăn, một số đi làm thuê…”.
Ông Nguyễn Thạc Châu – Bí thư Đảng ủy xã Thanh Sơn thông tin thêm, thực tế đã cấp cho dân trước đó khi mới về đây TĐC nhưng lúc đó không ai sản xuất, xã vận động nhiều lần nhưng không ai làm. Thấy hoang phí nên một số hộ dân đã trồng keo nên hiện xã đang làm trung gian để thương lượng giữa chủ đất và những người trồng keo trên đất để có giải pháp phù hợp nhất.
Điều người dân tại hai điểm TĐC của hai xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn đều gặp chung đó là còn thiếu một số công trình phúc lợi như chợ, sân vận động, nhà văn hóa, đài tưởng niệm... ông Lô Huy Hùng cho biết, những lần tiếp xúc cử tri người dân đều trình bày tâm tư nguyện vọng được xây dựng những công trình phúc lợi như chợ để thuận tiện làm ăn buôn bán phát triển kinh tế. Một số gia đình có thân nhân liệt sỹ cũng muốn có đài tưởng niệm để họ thắp hương tri ân. Cái này nằm ngoài tầm của xã và huyện.
Trước bức xúc của người dân xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm vào tháng 4/2017, UBND huyện Thanh Chương đã có Công văn số 792 kiến nghị Tập đoàn điện lực, Ban Quản lý thủy điện 2 (đơn vị quản lý thủy điện Bản Vẽ) hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng. Theo ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, các công trình phụ trợ khác như chợ, đài tưởng niệm hay sân vận động, nhà văn hóa thì nguồn vốn của huyện không thể giải quyết được. Huyện cũng có công văn kiến nghị tỉnh, Ban Quản lý thủy điện 2 hỗ trợ kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất nhưng đến nay sau nhiều lần kiến nghị vẫn chưa có câu trả lời cho dân.
Để giải đáp những thắc mắc trên, PV đã nhiều lần liên hệ với Ban Quản lý Thủy điện 2 nhưng sau gần 1 tháng trôi qua vẫn không được hồi âm. Việc người dân nhường đất cho dự án lớn là có thật, nhu cầu của người dân cần được hỗ trợ để nâng cao đời sống tinh thần là chính đáng, ngoài việc đầu tư quan tâm phát triển kinh tế thì những nhu cầu về tinh thần cũng cần có giải pháp.