Hơn 6 năm trông ngóng
Trước nguy cơ sạt lở của các hộ dân sống hai bên sông thuộc các huyện miền núi, đặc biệt khó khăn, một chương trình ý nghĩa được thực hiện theo Quyết định 1776 của Thủ tướng Chính phủ năm 2012.
Tỉnh Nghệ An là một trong các địa phương được đầu tư 15 dự án với tổng số tiền hơn 614 tỷ đồng, đến hết năm 2015 đã giải ngân được hơn 168 tỷ đồng cho các dự án.
Theo Quyết định 1776 thì huyện Quỳ Hợp có Dự án Xây dựng khu tái định cư để di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai sạt lở xã Châu Tiến và xã Liên Hợp với tổng mức đầu tư hơn 31 tỷ đồng. Sau hơn 6 năm thực hiện, Dự án vẫn chưa di dời được hộ dân nào ra khỏi vùng nguy hiểm, tuy nhiên số tiền đầu tư đã giải ngân được gần 17 tỷ đồng. Dự án vẫn chỉ là những bãi đất trống, còn người dân thì trong tâm trạng lo âu và chờ đợi.
Ngôi nhà của chị Vi Thị Hồng, bản Phẩy, xã Châu Tiến bên cạnh con suối đã nhiều năm, cứ mỗi mùa mưa lũ đến gia đình chị lại nơm nớp lo sợ. Chị còn nhớ như in trận lũ lịch sử năm 2009, nước suối ngập tận nóc nhà, năm 2012 được tin có chính sách di dân ra khỏi vùng nguy hiểm, sạt lở gia đình chị mừng vui khôn xiết. Đó cũng là tâm trạng chung của 42 hộ dân của xã Châu Tiến và 31 hộ dân của xã Liên Hợp.
Chị Vi Thị Xuân (xã Liên Hợp) cho biết: “Ai cũng nghĩ là di dự án di dời dân khẩn cấp nên sẽ sớm được đến nơi tái định cư an toàn, rứa mà chờ đợi mỏi cả cổ vẫn chưa thể đi đến được nơi ở mới”.
Được biết, hiện dự án đã thực hiện xong giai đoạn 1, đang chờ tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 (2016-2020). Tuy nhiên, nhiều hạng mục của dự án đã hoàn thành nhưng chưa được đưa vào sử dụng có dấu hiệu xuống cấp do nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố thiên tai, thời tiết khắc nghiệt.
Giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành và nghiệm thu thì 2 khu tái định cư ở Châu Tiến và Liên Hợp vẫn chỉ là bãi đất trống, không điện, không nước, đường giao thông…và càng ngày càng bị sạt lở do mưa bão.
Lại cảnh “đói” vốn
Ông Vy Văn Chương, Trưởng ban Phát triển nông thôn miền núi huyện Quỳ Hợp (Chi cục phát triển nông thôn Nghệ An - đơn vị được phân công làm chủ đầu tư giai đoạn 1 của dự án) cho biết: “Dự án đã hoàn thành giai đoạn 1, việc san lấp mặt bằng khu tái định cư đã xong, một phần nền đường giao thông cũng đã được thực hiện. Do nguồn vốn thiếu nên dự án chỉ thực hiện được từ tháng 8/2011 đến năm 2013 thì dừng lại. Hiện giai đoạn 2 được giao cho Ban quản lý các dự án hạ tầng huyện làm chủ đầu tư thực hiện tiếp”.
Cùng chung “cảnh ngộ” thiếu vốn, Dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng lũ quét và sạt lở đất tại xã Quang Phong (Quế Phong, Nghệ An) đến nay cũng còn dang dở. Dự án được đầu tư với tổng mức 45 tỷ đồng, để di dời 50 hộ dân tại bản Chiếng, xã Quang Phong ra nơi an toàn. Bản Chiếng nằm ngay bên sông, phía sau lưng là núi, chỉ có một con đường độc đạo duy nhất vào bản, khi có mưa lụt thì nơi đây bị cô lập hoàn toàn.
Theo ông Nguyễn Bá Hiền, Trưởng ban Phát triển nông thôn miền núi (Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An) cho biết, việc nguồn vốn được cấp về ít, nhỏ lẻ nên quá trình thực hiện kéo dài. Điều này đã gây ra một số vấn đề như quy hoạch từ năm 2012, công tác quản lý đất đai của địa phương còn lỏng lẻo dẫn đến việc người dân xâm lấn lên khu đất tái định cư.
“Hiện tại dự án đã cấp được hơn 15 tỷ, đã thi công xong phần mặt bằng, đường giao thông nội vùng đã xong, đang thi công hệ thống điện thắp sáng. Được biết, trên địa bàn Nghệ An có 15 dự án di dân khẩn cấp từ nguồn vốn của Quyết định 1776 nhưng chưa có dự án nào được hoàn thành. Như dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai xã Hưng Hòa (TP Vinh) với tổng mức hơn 36 tỷ đồng cho 58 hộ dân nhưng đến nay mới chỉ được hơn 1,6 tỷ đồng được cấp để thực hiện. Vì thế, nhiều năm nay những người dân tại Hưng Hòa vẫn phải chung sống với lũ mỗi khi có thiên tai xảy ra. Hay như dự án di dân khẩn cấp tại xã Châu Hội (Quỳ Châu, Nghệ An) với số vốn hơn 48 tỷ đồng, di dời 100 hộ dân nhưng đến nay vẫn chưa được cấp tiền để thực hiện…
Ông Lê Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT Nghệ An) cho biết, nguyên nhân sâu xa việc tiến độ dự án chậm là do nguồn vốn còn khó khăn.
“Hiện 15 dự án đang cần số vốn hơn 290 tỷ đồng để thực hiện nhưng chưa biết lúc nào được cấp. Một khó khăn khác là mỗi năm thiên tai kéo đến thì số hộ bị sạt lở lại tăng lên, vì thế nguồn vốn cứ thế “đội” lên nhiều hơn…”, ông Lương nói.
Một dự án mang tính chất cấp bách với cái tên “di dân khẩn cấp”, nhưng đã hơn 6 năm trôi qua vẫn chưa hộ dân nào được thụ hưởng. Điều đáng nói là hệ thống cơ sở hạ tầng nếu để lâu sẽ có thể xuống cấp, gây lãng phí tiền của, cùng với đó là số hộ dân càng ngày càng tăng lên khiến dự án ngày càng phát sinh lớn hơn.
Để những hạng mục đã tiến hành xây dựng và đưa vào sử dụng, các cấp, ngành của Nghệ An cần tính toán kỹ lưỡng, thực hiện từng dự án thay vì đầu tư dàn trải không hiệu quả. Sớm cân đối ngân sách để người dân yên tâm sống trong mưa bão…