Ông Trịnh Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ xác nhận, Sở có 442 trưởng, phó phòng và tương đương.Trong đó, 234 trưởng phòng và tương đương, 208 phó phòng và tương đương.
Việc cấp trưởng phòng và tương đương nhiều hơn phó phòng là vì Sở có các trạm bảo vệ thực vật, trạm chăn nuôi, trạm cây giống… mà ở đó chỉ có trạm trưởng chứ không có trạm phó.
Ông Thành cho biết, với tỉ lệ trưởng, phó phòng và tương đương như trên thì không có tình trạng thừa trưởng, phó phòng vì theo quy định về quản lý cán bộ công chức thì số lãnh đạo không vượt quá 40% và với viên chức không vượt quá 35%.
“Chỉ duy nhất Phòng Kinh tế Tài chính là thừa phó phòng cục bộ, điều này do lịch sử để lại, trước đây sáp nhập Phòng Kế hoạch và Phòng Tài chính với nhau chỉ có 1 trưởng phòng nhưng có 5 phó phòng. Hết năm 2019, số phó phòng này sẽ đúng theo với tiêu chuẩn, vì sẽ có một người chuyển đi vị trí khác, một người nghỉ hưu theo chế độ”, ông Thành nói.
Ông Thành cho biết thêm, toàn Sở Nông nghiệp có 35 đơn vị trực thuộc, năm 2015 có 1672 biên chế, đến năm 2018 còn lại 1457 biên chế, đến 31/5/2018 còn lại 1413 biên chế, trong đó có 530 công chức và 883 viên chức. “Theo định biên thì Sở còn thiếu 41 người, trong đó 25 công chức và 16 viên chức”, ông Thành nói.
Vừa qua hai trường hợp là lao động hợp đồng trong thời gian dài tại Sở Nông nghiệp không được xét vào biên chế mà buộc phải nghỉ việc. Đó là trường hợp của ông Hoàng Việt Anh có 22 năm công tác và ông Đinh Văn Hòa có 16 năm công tác tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An. Do không được xét vào biên chế, những lao động thuộc diện ký hợp đồng buộc phải nghỉ việc.
“Gần đây, Sở không được tuyển dụng một viên chức, công chức nào, một phần cũng do lỗi của Phòng Tổ chức Cán bộ trước kia đã nhầm lẫn nên hai trường hợp trên không được xét vào biên chế”, ông Thành nói.