Tại hội nghị, thượng tá Hoàng Nghĩa Phượng – điều tra viên cao cấp, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã giới thiệu đến các thành viên Hội đồng PBGDPL, báo cáo viên pháp luật tỉnh, cán bộ Ban Pháp chế các sở, ban, ngành; lãnh đạo phòng Tư pháp cấp huyện... những nội dung cơ bản của Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
|
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nghệ An, Phạm Thành Chung tại Hội nghị |
Mục tiêu việc sửa đổi bổ sung Bộ luật nhằm xây dựng một Bộ luật phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước, nhằm cụ thể hóa Hiến pháp 2013. Phát huy hơn nữa vai trò của Bộ luật Hình sự với tư cách là công cụ pháp lý sắc bén, hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách Tư pháp, trong đó đặc biệt là chủ trương: Đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người vi phạm, giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm. Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng…
Bộ luật hình sự 2015 cũng đáp ứng yêu cầu hội nhập Quốc tế của đất nước, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc thực hiện các nghĩa vụ quốc tế đã cam kết trong các điều ước quốc tế…
|
Thượng tá Hoàng Nghĩa Phượng giới thiệu những điểm mới trong Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung |
Bộ luật này đã mở rộng nội hàm của hình phạt cải tạo không giam giữ như trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ với thời gian lao động không quá 4 giờ/ngày và không quá 5 ngày/tuần. Bộ luật cũng khẳng định nguyên tắc không áp dụng hình phạt tù đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý.
Bộ luật cũng bổ sung thêm các trường hợp không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình với người đủ từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. Đối với tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không thi hành án tử hình.
Bộ luật này bỏ hình phạt tử hình với 8 tội danh gồm: Cướp tài sản; sản xuất, buôn bán hàng cấm là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; tàng trữ trái phép chất ma túy; chiếm đoạt chất ma túy; phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; hoạt động phỉ… /.