Tôi phải làm sao khi muốn bồi thường mà nạn nhân không nhận?

(PLO) - Tháng trước, tôi có xảy ra xô xát với một thanh niên, làm anh ta bị thương tật 12%. Bên gia đình anh này đã làm đơn khởi kiện tôi về hành vì cố ý gây thương tích. Gia đình tôi đã chủ động đến xin lỗi, bồi thường thiệt hại nhưng nạn nhân không nhận và nhất quyết muốn bắt tôi vào tù. Tôi cũng đã quay video việc xin lỗi, thiện chí bồi thường. Xin hỏi nếu tôi bị xét xử thì toà án có căn cứ tình tiết này để giảm nhẹ hình phạt hay không?
Tôi phải làm sao khi muốn bồi thường mà nạn nhân không nhận?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 quy định: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Theo điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự quy định việc "người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” có thể được coi là một trong những tình tiết giảm nhẹ.

Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2016 của Hội đồng thẩm phán hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự cũng hướng dẫn về tình tiết “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả” như sau:

- Bị cáo (không phân biệt là người đã thành niên hay người chưa thành niên) hoặc cha, mẹ của bị cáo chưa thành niên đã tự nguyện dùng tiền, tài sản để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, nhưng người bị hại, nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối nhận, nếu số tiền, tài sản đó đã được giao cho cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác quản lý để thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra;

- Bị cáo (không phân biệt là người đã thành niên hay người chưa thành niên) hoặc cha, mẹ của bị cáo chưa thành niên xuất trình được chứng cứ chứng minh là họ đã tự nguyện dùng tiền, tài sản để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, nhưng người bị hại, nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối nhận và họ đã đem số tiền, tài sản đó về nhà cất giữ để sẵn sàng thực hiện việc bồi thường khi có yêu cầu;

Như vậy, nếu bạn và gia đình đã tự nguyên dùng tiền, tài sản để bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả nhưng bên kia không nhận và gia đình bạn đã giao tiền cho cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác quản lý để thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả... thì có thể được tòa án coi là một trong những tình tiết để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bạn.

Đọc thêm