Tập thể các hộ dân ở xóm Bắc Vực, xã Đô Thành (Yên Thành, Nghệ An) có đơn thư gửi các cơ quan chức năng và báo chí phản ánh về việc một cơ sở chăn nuôi lợn mọc ngay trong khu dân cư, sát chợ gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Mùi hôi thối do hệ thống xử lý nước thải chưa được đầu tư, xả thải trực tiếp ra môi trường khiến cuộc sống người dân đảo lộn. Theo đó, trang trại lợn bị phản ánh nói trên là của anh Nguyễn Văn Tuấn (trú tại xóm Hạc Linh, xã Đô Thành).
Vào khoảng tháng 3/2016 anh Tuấn về mảnh đất của bố mẹ xây dựng trang trại chăn nuôi lợn tại xóm Bắc Vực. Sau khi hoàn thành, khoảng tháng 4/2016 thì chuyển lợn về nuôi, cuộc sống người dân bắt đầu bị ảnh hưởng do mùi hôi thối từ chất thải của trại này.
Được biết, trại lợn anh Tuấn được thiết kế công suất gần 200 con, hiện nay đang nuôi khoảng 60-70 con lợn sinh sản. Người dân nơi đây lo ngại, nếu không có phương pháp xử lý nước thải triệt để thì có thể ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt nhất là khi 100% người dân ở đây sống bằng nguồn nước giếng khoan.
Phóng viên PLVN đã mang những lo lắng của người dân về môi trường ở đây đến ông Nguyễn Văn Xuyên - Chủ tịch UBND xã Đô Thành và được ông Xuyên thừa nhận phản ánh của nhân dân về ô nhiễm của trang trại lợn do anh Tuấn làm chủ là có.
Cũng theo ông Xuyên, “anh Tuấn không báo cáo việc xây dựng để nuôi lợn nên xã không nắm được. Khi nhận được phản ánh của người dân địa phương, xã đã cử đoàn cán bộ đến tận nơi để kiểm tra, đồng thời tổ chức buổi làm việc giữa chủ trại lợn với các hộ gia đình. Trước mắt, xã yêu cầu anh Tuấn phải sử dụng các biện pháp để hạn chế mùi hôi trong chăn nuôi và anh Tuấn cũng thực hiện đúng như cam kết. Về lâu dài, hết vụ mùa xã sẽ bố trí một lô đất xa khu dân cư cho anh Tuấn thuê để di dời trại lợn ra khỏi khu dân cư, khi đó nếu không di chuyển thì địa phương cũng cưỡng chế bắt di chuyển”.
Tuy nhiên, trước những ảnh hưởng của hoạt động từ trại lợn, chính quyền xã Đô Thành cần quyết liệt hơn nữa trong việc sớm di dời trại lợn ra khỏi khu dân cư, để người dân được sống trong môi trường trong lành, nguồn nước không bị ảnh hưởng.