Ngư dân Dương Thành Châu và thành quả lao động |
Sinh thái
Ngày xưa, khi chưa có nghề câu (hay bắt) mực tuộc bằng vỏ ốc, ông Châu bắt mực lá bằng bóng, gọi là bóng mực. Bóng dài một mét, ngang sáu tấc, hình thù tròn giống như cái phi dầu hắc, ở quê hay tận dụng đựng nước nhưng có một mặt phẳng, khung được làm bằng gỗ, lưới bao quanh các mặt, chừa một lỗ, đặt hom cho mực lá chui vào.
Bên trong bóng treo một chùm trứng mực lá còn tươi. Thứ trứng này cũng hiếm, người đánh bóng mực phải đi mua từ ghe cào, nếu quen chủ ghe sẽ cho. Bóng thả xuống biển một buổi, mực cái chui vào làm tổ đẻ. Ghe lớn, chỉ chở được ngoài trăm bóng, ghe nhỏ chừng 5 – 6 chục. Mực lá tuy mắc tiền nhưng hiếm, bóng lại hay bị ghe cào phá nên giờ cũng ít người làm. Như nhiều ngư dân xóm chài, ông Châu đổi nghề sang câu mực tuộc bằng vỏ ốc, được năm năm.
Ông Châu nhớ lại hồi chừng mười năm trước ở cái xứ Hòn Heo này (thuộc xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương, Kiên Giang), nghề câu mực bằng vỏ ốc được dân chài nơi đây “phát kiến”. Một ông thợ lặn thấy mực tuộc chui vào nằm trong các vỏ ốc dưới đáy biển, về nhà ông thử quăng mấy vỏ ốc xuống ven bờ, mực tuộc cũng chui vào, thế là Hòn Heo có thêm nghề mới: nghề câu mực tuộc bằng vỏ ốc, gọi là ốc mực tuộc. Mực tuộc không lớn, thường khoảng 10 – 20 con/kg, râu (xúc tu) ngắn, thân to và dài so với râu, xứ này gọi mực tuộc để phân biệt với bạch tuộc, loại lớn hơn nhiều, đầu nhỏ tròn, râu dài.
Trước khi có nghề ốc mực tuộc, chỉ có dân ghe cào mới dính mực tuộc. Dân chài có nhiều cách giải thích tại sao mực tuộc lại ưa chui vào vỏ ốc: tuộc vô kiếm tổ đẻ (nên bắt được tuộc cái nhiều) hay lấy vỏ ốc làm nơi rình mồi hoặc chỗ núp khi bị săn đuổi... Cái hay nhất của nghề là không phải thả mồi gì và không tận diệt. Nghề câu mực tuộc bằng ốc sống cũng được, nhưng theo ông Châu, “kẻ cung cấp vỏ ốc mới ngon”. Khi nghề này mới bắt đầu, có người trong xóm tên là Hùng, dân Phan Thiết, trở về quê lặt vỏ ốc mang vô đây bán cho dân câu tuộc. Thứ ốc vôi ở biển tây không nhiều nhưng biển miền Trung đầy rẫy, thịt cũng chẳng ngon, ăn xong quăng vỏ chứ biết lấy làm gì. Ông Hùng giàu lên trông thấy, mua mấy chiếc xe tải chở vỏ ốc, xây nhà lớn.
Sống nghề
Cách làm dây ốc xem ra cũng dễ. Liêm Hái, một chủ vựa vừa thu gom mực tuộc, ghẹ, cá, vừa gia công và bán dây ốc mực tuộc trong thị xã Hà Tiên hướng dẫn: “Chọn vỏ ốc chừng nắm tay người lớn, thọt ba đầu ngón tay vào là vừa, cưa đít, mài bớt miệng và khoan một lỗ để xỏ dây, sau cùng cột vào dây, loại dây viền lưới cá, khoảng hai sải tay một con”. Ông Liêm Hái tính, một thiên ốc dài khoảng 4km, giá bán trên 12 - 15 triệu đồng. Người mua xuất sang Thái Lan, Campuchia hay những vùng không có vỏ ốc. Ở ấp Hòn Heo thì khác, chủ ghe nào cũng tự mua vỏ ốc làm dây, giá có thể mắc hơn nhưng tốt hơn. Vỏ ốc vôi dày, cứng, xài nhiều năm mới mục, thỉnh thoảng chủ ghe đi mua loại dung dịch rửa bồn cầu để tẩy rêu bám trên vỏ ốc.
Kêu đứa con trai tên Quý, 18 tuổi và cũng là “bạn ghe” lấy bè (kết bằng những miếng xốp lớn) chở người tò mò ra chiếc ghe lớn đậu cách bờ vài trăm mét, ông Châu mở khoang “biểu diễn” cách thả dây ốc, công việc làm bằng tay. Hai khoang nhỏ phía mũi ghe, chứa đầy 12 thiên ốc, vị ngư dân trung tuổi mô tả, để thả hết 12 thiên, ghe phải chạy liên tục 26 lý, mất chừng năm tiếng. Thả xong nghỉ chừng tiếng rưỡi là thu dây, mất sáu tiếng nữa.
Ngày xưa, việc thu dây làm bằng tay, mất nhiều thời gian và tốn sức, sau đó người ta chế máy cuốn dây cho bớt nặng nhọc. Máy cuốn dây lên khoang, mực tuộc trong ốc bò ra, người xếp dây, kẻ ướp mực tuộc. Ghe lớn từ 4 -5 bạn, làm quần quật 17 tiếng mỗi ngày, từ 0 giờ đến 5 giờ chiều, mới thả - kéo xong một mẻ.
Mỗi năm biển có hai mùa, mùa nam (nửa đầu năm) và mùa bấc (nửa cuối năm). Mùa làm ăn là mùa nam, khi đó cả trăm chiếc ghe ốc mực tuộc nối đuôi qua vùng biển Phú Quốc đánh bắt, bên đó nhiều mực tuộc hơn. Hàng tháng trời mới về thăm vợ con. Mùa này, giá mực tuộc cũng mắc hơn: 55 – 60 ngàn đồng/kg bán tại Phú Quốc. Mỗi ngày, chiếc ghe của ông Châu kiếm chừng 80 – 100 kg, trừ 800 ngàn tiền dầu, tiền bạn ghe (mỗi người được 8% trên tổng số tiền bán mực, sau khi trừ dầu), phần bỏ túi cũng được vài ba triệu đồng. Mùa bấc, hầu hết ghe trở lại Hòn Heo vì biển động, mực tuộc bên này cũng ít, giá lại thấp, nên chỉ kiếm bằng nửa số tiền mùa nam. Tuy về nhà, nhưng chỉ là neo ở bến nhà, hầu hết ghe ốc mực tuộc vẫn đi cả chục ngày (ghe nằm giời), thỉnh thoảng mới có ghe đi trong ngày (ghe chiều chiếc).
Bắt đầu từ Hòn Heo, nay ốc mực tuộc đã đi khắp Kiên Giang, từ hòn Nghệ, hòn Sơn, hòn Củ Chon… sang Phú Quốc và qua cả Campuchia, Thái Lan. Bốn mươi sáu tuổi và có 30 năm lênh đênh trên biển, ông Châu đúc kết, vẻ ngậm ngùi: “Cái nghề này khó giàu nhưng bền vì không tận diệt, chỉ sợ với nạn ghe cào điện, cào bay, liệu ít năm nữa mực tuộc có còn?”.