Nghề 'hot' hái ra tiền

(PLVN) -  Nghề Youtuber đang trở thành nghề “hot”, khi giới trẻ vừa được thỏa mãn đam mê, vừa có nguồn thu nhập "khổng lồ".

Youtube – Mảnh đất “màu mỡ” để 'hái tiền'

Youtube xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng năm 2005, được xem là một trang web chia sẻ video có độ phổ biến cao. Ban đầu chỉ là những thước phim do các nhà đài thực hiện, sau đó có thêm những video xuất phát từ những cá nhân với mọi chủ đề, mọi lĩnh vực để người xem có sự lựa chọn. Các chủ đề trên youtube rất rộng lớn, ngoài âm nhạc, chương trình truyền hình, phim ảnh thì còn có ẩm thực, làm đẹp, du lịch, đặc sản các vùng miền… Chung quy lại đều bắt nguồn từ tư liệu của cuộc sống.

Phụ thuộc vào lượng người xem mà người làm ra video được hưởng lên đến 50% số tiền quảng cáo từ việc đăng tải, kèm theo đó là các khoản tiền quyên góp, quảng cáo sản phẩm, tài trợ, đối tác với các mạng xã hội khác hoặc có thể bán hàng online thông qua độ nổi tiếng… Từ đó, Youtube đã trở thành miếng mồi “béo bở” trong công cuộc kiếm tiền.

Nghề Youtuber trở nên ngày một thịnh thành. Nhen nhóm ý định theo nghề, Huỳnh A Thái - sinh viên trường Đại học Tây Đô cho rằng: “Nghề này kiếm được nhiều tiền, phân loại thành nhiều kênh văn hóa dễ tiếp cận người xem. Khách du lịch có nhiều sự lựa chọn món ăn, địa điểm nổi tiếng. Tuy nhiên, có một số người cũng lợi dụng để trục lợi bản thân thông qua các chương trình từ thiện hay nghiêm trọng hơn gây nguy hiểm cho xã hội”.

Youtuber trải nghiệm cuộc sống kết hợp với công việc (Nguồn: Quang Vinh passport).

Youtuber trải nghiệm cuộc sống kết hợp với công việc (Nguồn: Quang Vinh passport).

Nghề không dành cho những cái đầu “rỗng”

Đây là một trong những nghề rất áp lực để theo được nghề người làm cần phải có cái tâm và một cái đầu đầy chất xám. Sự sàng lọc của nghề vô cùng khắc nghiệt, rất dễ chạm tay vào nhưng rất khó để giữ chân. Người xem có thể tò mò về những tin sốc nổi, giật gân trong một thời gian ngắn rồi sẽ quên ngay vì nội dung kênh tẻ nhạt và đơn điệu. Mỗi sản phẩm phải mang lại nhiều điều cho khán giả, ngoài tính thời sự thì phải có chất lượng nội dung lẫn hình thức thì mới trụ nỗi giữa thị trường có quá nhiều người chọn Youtuber làm hướng đi.

Những tên tuổi Youtuber đời đầu phải kể đến: Toàn Shinoda, JVevermind, Huyme,… ngày nay có thêm khá nhiều Youtuber ở địa hạt du lịch có: Quang Vinh passport, Khoai lang thang, Chan La Cà, Khoa Pug…; chủ đề ẩm thực có: Quỳnh Trần JB, Việt Hương TV, Ninh Titô, Wossi TV… lĩnh vực giải trí có: Nhật Anh Trắng, Trang Hý, Hậu Hoàng… Trải nghiệm cuộc sống thì có: Người miền Tây, tôi là người Bến Tre, Ghe hàng Vlog…

Cùng một chủ đề nhưng mỗi người sẽ có cách khám phá và hướng đi riêng để thu hút người xem. Ví dụ khi review về một địa điểm du lịch, Khoai lang thang sẽ hướng đến những hình ảnh gần gũi, mộc mạc; còn Chan La Cà sẽ sử dụng nhiều hình ảnh thiên nhiên hùng vĩ được quay flycam đầu tư nhiều công nghệ cắt dựng hình ảnh. Với chủ đề các món ăn, Wossi TV thì sử dụng nét dễ thương, thân thiện của người Hàn thu hút người xem, Quỳnh Trần JB thì nhẹ nhàng, tươm tất với các món ăn ngon bắt mắt.

Bên cạnh đó, có rất nhiều người theo đuổi nghề nhưng chỉ dừng chân lại khá ít lượt xem, theo dõi không gây tiếng vang lớn trong cộng đồng.

Cám dỗ của nghề

Nhận thấy tiềm năng của nghề nhiều bạn trẻ thậm chí là người lớn tuổi sử dụng điện thoại thông minh, máy ảnh kỹ thuật số… tự quay các video thể hiện quan niệm sống, tin tức, đánh giá để chia sẻ lên trang youtube. Với số lượng “bùng nổ”, hiệu ứng lan rộng khắp các “hang cùng ngỏ hẻm” thì chất lượng của nghề đang ngày càng giảm sút.

Bên cạnh những mặt tích cực thì còn có nhiều bạn trẻ không từ thủ đoạn, giở nhiều trò mánh khóe để làm “bàn đạp” cho sự nổi tiếng và kiếm tiền.

Mới đây xuất hiện nhiều clip phản ánh tình trạng nhận gạo từ thiện tại các “ATM gạo”. Có những bạn tuổi đời còn khá trẻ, ăn mặc phong cách nhưng vì hoàn cảnh mà đến nhận từ thiện đã bị các youtuber phát hiện và quay hình đăng tải với mục đích bôi nhọ nhân phẩm, cười cợt khiếm nhã. “Của cho không bằng cách cho” đã gây tâm lý hoang mang trong người dân.

Hay là hình ảnh “giang hồ mạng” xuất hiện đầy rẫy và trở thành “thần tượng” của giới trẻ, từ đó hình thành nên nhiều trào lưu mới không phù hợp với thuần phong mỹ tục phải kể đến: Khá bảnh, Huấn Hoa Hồng, Dương Minh Tuyền…

Phải chăng các nhà điều hành Youtube đã “dung túng” cho những video “cổ xúy” của kẻ tầm thường thành ngôi sao trong chốc lát?.

Có những youtuber được xây dựng bằng những hình ảnh phản cảm, bạo lực, tin tức phản động… như trang NTN vlog (giả IS ném bom, ăn mì trong bồn cầu), Hậu cáo Tv (giết và ăn thịt mèo)... Đáng ngại hơn, nó đang trực tiếp tác hại vào lứa tuổi trẻ em với những trào lưu xáo rỗng, vô bổ, bệnh hoạn như: “24h tập làm chó”, “cá voi xanh”, “thêu da”… Đáng lo ngại hơn, các trào lưu còn vi phạm đạo đức, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống gia đình như: Đổ nước mắm, đổ trứng lên đầu mẹ...

Đọc thêm