Nghề khảm trai làng Chuôn Ngọ - (Kỳ 2:) Khi khảm trai Chuôn Ngọ xuất ngoại

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nổi tiếng từ gần 1000 năm trước, nghề khảm trai được người làng Chuôn Ngọ (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) gìn giữ và sáng tạo để sản phẩm truyền thống của mình không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn vươn ra thế giới...
Nghề khảm trai làng Chuôn Ngọ - (Kỳ 2:) Khi khảm trai Chuôn Ngọ xuất ngoại

* Kỳ 1: Nghề khảm trai làng Chuôn Ngọ: Nghìn năm còn lưu giữ nét tinh hoa

Từ xa xưa, làng Ngọ đã có nhiều nghệ nhân nổi tiếng tài hoa, một số nghệ nhân còn được triệu vào kinh thành Huế để làm đồ khảm cho nhà vua như cụ Nguyễn Văn Phú, cụ Lý Mục… Cuối thời nhà Nguyễn, nghề khảm trở nên nổi tiếng hơn nhờ việc khảm truyền thần.

Theo lời kể của các cụ cao niên, người đầu tiên vẽ ảnh truyền thần trên vỏ khảm nền đồng là cụ Bát Nhượng (quê ở Hà Nam). Sau đó cụ Lý Thực ở làng Ngọ kế nối được, rồi đến cụ Cửu Phú, cụ Nhiêu Mính, cụ Phó Loan, tiếp nữa có các nghệ nhân Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Nhiên, Trần Bá Chuyển, Nguyễn Văn Mỹ là những nghệ nhân khảm truyền thần nổi tiếng ở Chuôn Ngọ.

Ngày nay, nghệ nhân Trần Bá Dinh được coi là những người nối nghề xuất sắc của làng Chuôi Ngọ. Làm nghề từ thở niên thiếu, đến nay khi đã ngoài 70 tuổi, ông đã có hơn 50 tuổi nghề. Từ những năm 20 tuổi, nghệ nhân Dinh đã có những sản phẩm tinh xảo. Ông đã nhiều lần được đặt làm tranh chân dung Bác Hồ và các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước như đồng chí Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười…. 

Hộp gỗ khảm trai triều Nguyễn (Hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)
Hộp gỗ khảm trai triều Nguyễn (Hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Ông từng kể lại những kỷ niệm như: Năm 1968, để chuẩn bị cho Bác Hồ sang thăm Cu Ba, các đồng chí thuộc Văn phòng của Bác đã đặt ông làm bức ảnh chủ tịch Fidel Castro. Đang làm thì ông bị ốm, ông đã được Bác Hồ gửi tặng 1kg đường và 10 gói chè để động viên. Nhận được quà của Bác, ông thấy khỏe ra, quên hết mệt mỏi và đã hoàn thành kịp thời hạn bức chân dung Ngài Chủ tịch, kịp để Bác đi thăm Cu Ba.

Sản phẩm khảm trai Chuôn Ngọ ngày nay có 2 mảng: Khảm trai trực tiếp trên các sản phẩm từ gỗ, đồng, đồi mồi và khảm trai trên các sản phẩm sơn mài. Những sản phẩm độc đáo mang đậm nét truyền thống của Chuôn Ngọ đã làm say sưa tỉ mỉ, được người dân trong và ngoài nước rất ngưỡng mộ. Sản phẩm khảm trai của người dân Chuôn Ngọ đã từng tham gia rất nhiều cuộc thi, triển lãm trong nước có mặt ở các điểm du lịch, các thị trường lớn của đất nước và thế giới.

Một tác phẩm nghệ thuật khảm trai của nghệ nhân làng Chuôn Ngọ.
Một tác phẩm nghệ thuật khảm trai của nghệ nhân làng Chuôn Ngọ. 

Trước đây, người thợ làng Chuôn Ngọ chủ yếu làm hoành phi, câu đối trong nhà thờ, đình đền, trang trí họa tiết trên sập gụ, tủ chè hay chế tác ra những bức tranh treo tường phỏng theo tích truyện Tam Quốc, những bộ “thông, trúc, cúc, mai”...

Theo thời gian và xu thế hội nhập, những người nghệ nhân khảm trai nơi đây đã từng bước nâng cao tay nghề để sáng tạo ra những mẫu tranh tinh xảo, kỹ thuật hơn như phong cảnh non nước, khắc họa chân dung. Nhờ vậy, sản phẩm của làng nghề Chuyên Mỹ phát triển ngày càng đa dạng và phong phú về mẫu mã, đáp ứng được nhu cầu trong nước, vươn xa ra thị trường quốc tế như Anh, Nga, Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản. 

Trải qua gần nghìn năm hình thành và phát triển, bằng đôi bàn tay khéo léo, sự tinh tế, lòng say mê nghề, những sản phẩm khảm trai của người làng Chuôn Ngọ đã chinh phục người xem, người mua khắp mọi miền Tổ quốc và du khách quốc tế. Những bức tranh khảm hiện lên với màu sắc lung linh, tự nhiên, mỗi góc nhìn lại cho ra những mảng màu khác nhau đã tạo nên sự hấp dẫn riêng biệt của nghệ thuật khảm.

Đọc thêm