Nghệ nhân ưu tú Đặng Ngọc Anh góp phần bảo tồn tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần

(PLVN) - Là người thực hành tín ngưỡng Tam phủ từ năm 12 tuổi, đến nay, NNƯT Đặng Ngọc Anh đã có 42 năm phụng sự, gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa tín ngưỡng người Việt. Ông luôn trăn trở về con đường phát triển, bảo tồn những di sản văn hóa phi vật thể mà bao thế hệ ông cha để lại, trong đó có tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần.
NNƯT Đặng Ngọc Anh làm lễ tại Đền Đông A Linh từ. (ảnh T.H)

“Tháng 8 giỗ cha - tháng 3 giỗ mẹ”, nhằm ngày tháng 8 âm lịch hàng năm, nhân dân ta lại tưởng nhớ công lao đánh giặc giữ nước của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Đặng Ngọc Anh chia sẻ: “Có thể nói Trần Hưng Đạo là nhân vật vô cùng đặc biệt với dân tộc Việt Nam. ‘Sinh vi tướng, tử vi thần’ (sinh làm tướng giúp dân giúp nước, mất làm thần giúp nước giúp dân). Trong số các vị Thánh bất tử, chỉ duy nhất Đức Thánh Trần - Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn là nhân vật lịch sử có thật. Vì thế, tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần độc đáo hơn vì được hình thành từ quá trình thánh hóa, thần hóa một nhân vật có thật trong lịch sử.

NSND Thúy Mùi – Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đánh giá cao tâm huyết của NNƯT Đặng Ngọc Anh. (ảnh T. H)

Trong sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 18/02/1946, quy định những ngày Tết, kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo, trong đó có ngày kỷ niệm lịch sử Trần Hưng Đạo là ngày 20/8 âm lịch nhằm ghi nhớ công lao to lớn của Ngài. Từ đó đến nay, ngày 20/8 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ quan trọng của dân tộc ta. Việc thờ phụng Đức Thánh Trần hiện nay đã trở thành một hình thức tín ngưỡng dân gian phổ biến”.

Mới đây, NNƯT Đặng Ngọc Anh đã phát tâm xây dựng lại khu đền thờ Đông A Linh từ, thờ Hưng Đạo Đại Vương Đức Thánh Trần tại Phúc Thọ, Hà Nội. Ngôi đền có niên đại hơn nửa thế kỷ nay được tôn tạo lại to rộng hơn, thời gian thi công kéo dài trong 6 năm, ước tính có giá trị hàng trăm tỉ đồng. Hướng tới lễ kỷ niệm 723 năm ngày mất của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (20/8/1300 - 20/8/2023 âm lịch) nơi đây sẽ trở thành điểm đến tâm linh của người dân Phúc Thọ, du khách thập phương và các thanh đồng trên cả nước.

NNƯT Phùng Văn Thanh (trái) là người thầy dẫn dắt và hỗ trợ NNƯT Đặng Ngọc Anh trong việc gìn giữ đền Đông A Linh từ. (ảnh T.H)

Nói về tâm nguyện khi phát tâm tôn tạo, xây dựng đền Đông A Linh từ, NNƯT Đặng Ngọc Anh cho biết: "Tôi may mắn có người thầy chỉ dạy, dẫn dắt là NNƯT Phùng Văn Thanh, cũng là người đã chung tay cùng tôi gánh vác trong 6 năm qua xây dựng nên ngôi đền này. Tâm nguyện của hai thầy trò là trên nền ngôi đền của các cụ thời xưa mà cùng các con cháu phục dựng lại khang trang hơn để đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng của du khách thập phương, nhất là sau khi tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại".

Dù được xây dựng lại nhưng hồn cốt của đền từ tượng thờ, hoành phi câu đối,… đều được giữ nguyên. Những bức hoành phi này có niên đại hàng trăm năm, có bức 130 năm vẫn được đền gìn giữ. Ngoài ra, toàn bộ phần gỗ thi công đền đều là gỗ mít, được nghệ nhân sưu tầm từ nhiều năm để góp công xây đền.

Đánh giá về công trình tín ngưỡng này, NSND Thúy Mùi - Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho biết: “Đây là tâm huyết rất lớn của NNƯT Đặng Ngọc Anh với mong muốn để lại giá trị to lớn cho đời sau. Đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư cho mai sau, bởi cùng với thời gian, nhiều điều sẽ thay đổi, mai một, chỉ có tinh hoa văn hóa lưu lại mãi. Đây cũng là cách để nghệ nhân Đặng Ngọc Anh tri ân, đền đáp lại công lao to lớn của các vị anh hùng đã có công với đất nước, thể hiện sâu sắc truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của nhân dân ta”.

Dù Đông A Linh từ là nơi thực hành tín ngưỡng nhưng NNƯT Đặng Ngọc Anh cho biết, ông không chỉ phát tâm xây dựng mà còn nỗ lực trong việc gìn giữ để việc thực hành theo đúng lề lối, chuẩn mực của di sản. “Hầu đồng là chúng ta tái hiện Thánh Cô, Thánh Cậu, quan lớn Chầu Bà, ông Hoàng, bà Chúa có những giá đồng linh hiển bóng linh đồng để cầu mong, ước nguyện được chứng tâm, ban cho điều tốt đẹp. Bởi vậy, tôi mong rằng các thanh đồng hãy gìn giữ nét đẹp của hầu đồng, đừng chạy theo một cách cuồng tín mà làm mất đi nét đẹp của giá trị độc đáo này”, NNƯT Đặng Ngọc Anh nói.

Từ tâm niệm này mà trong suốt quá trình thực hành, nghiên cứu về tín ngưỡng, nghệ nhân Đặng Ngọc Anh luôn chú trọng giữ gìn nét đẹp và chuẩn mực trong mỗi giá hầu, qua đó nêu bật giá trị hiếm có của loại hình này. Bởi xung quanh tín ngưỡng hầu đồng không chỉ có các di sản văn hóa hiện hữu mà là cả một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, đa sắc màu, thấm đẫm giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian cổ truyền. Đó là kho tàng truyền thuyết, thần tích, huyền thoại về các thần linh, là các hình thức diễn xướng âm nhạc, ca hát, các hình thức trang trí… Nghệ nhân mong muốn giúp thế hệ trẻ nhớ về cội nguồn, công lao của cha ông và giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè thế giới.