Yêu một đời sống vận động liên tục
Người ta bảo Lê Khanh quá may mắn khi có đầy đủ điều kiện tốt để phát triển nghề nghiệp như: sinh ra trong một đại gia đình nghệ thuật, ông ngoại là bậc nho gia nức tiếng Lê Đại Thanh, thầy giáo của nhà văn Nam Cao, bố là nghệ sĩ sân khấu tiếng tăm lừng lẫy NSND Trần Tiến, còn mẹ cho đến tận giờ vẫn là người phụ nữ của công chúng - NSƯT Lê Mai; bản thân được nhận nhiều vai diễn hay; là trường hợp hiếm hoi được phong danh hiệu NSƯT, NSND trước tuổi…
Nhưng đó chỉ là cái bên ngoài dễ nhìn thấy, còn bên trong là cả một sự nỗ lực không mệt mỏi, bởi với chị, trong nghệ thuật, thỏa mãn với những vai diễn của mình cũng là một sự dừng nghỉ.
Lê Khanh cho rằng, ngay cả khi con người ta cảm thấy đã quá đủ đầy thì vẫn có một thứ luôn thiếu, đó là kiến thức. Vì vậy, chị tự nguyện đưa mình về lại con số “không”, để rồi năng đi, hay đọc và học không ngừng. Mỗi lần diễn xong một vai nào đó, chị cũng thích quay trở về con số “không”, để chờ đợi một vai diễn mới.
|
Đài từ yếu từng là một khuyết điểm ở người luôn nhỏ nhẹ như Lê Khanh. Cũng may, sự khổ luyện, cùng với kinh nghiệm nhả hơi lấy chữ, cường độ làm việc và tần suất vai diễn... bằng ấy thứ dần dần đã dạy chị biết cách làm cho tiếng mình trở nên to hơn, giọng mình trở nên vang hơn, sáng hơn. “Mèo hen thật đấy, nhưng trong nghệ thuật, chị sẵn sàng “to tiếng”, Lê Khanh vui vẻ nói.
Nhiều lúc, Lê Khanh tự hỏi “sao sức mình ở đâu ra mà lắm thế” và nhắc nhở mình rằng: Hãy thương mình một chút… Nhưng vài phút sau, niềm khát khao nghề nghiệp lại lôi cuốn chị đi. Chị bảo, một khi còn sức khỏe và thời gian, chị muốn làm những việc mới hay hơn ngày hôm qua. Chị yêu một đời sống vận động liên tục.
Theo Lê Khanh, nghệ sĩ học được rất nhiều điều từ chính những nhân vật của mình, họ “lớn lên” cùng nhân vật. Những vai diễn có ảnh hưởng đặc biệt đến chị, có lẽ vẫn phải kể đến Đan Thiềm trong kịch “Vũ Như Tô” của cố nhà văn Nguyễn Huy Tưởng với câu nói: “Người có tài phải biết đem tài cống hiến cho non sông, không nên để mục nát với cây cỏ”; Lý Chiêu Hoàng trong “Rừng trúc” của cố nhà văn Nguyễn Đình Thi cùng nhắn nhủ: “Việc nước là lớn nhất, song, việc người với người không phải nhỏ hơn”; và Nô-ra trong “Nhà búp bê” của đại văn hào Henrich Ipxen (Nauy) nhắc nhở chúng ta: hãy biết yêu hết mình nhưng đừng để đánh mất mình…
Với Lê Khanh, sân khấu vĩnh viễn là thế giới của cái đẹp, của sự phát tỏa ánh sáng. Không chỉ tâm hồn con người mà cả những vật vô tri vô giác bày trên sàn diễn cũng trở nên trong trẻo hơn, sống động như những sinh thể trong quá trình phát toả ánh sáng ấy. Có thể ở một vài thời điểm nó không được long lanh phát sáng nhưng không vì thế mà oán trách sân khấu. Chưa lúc nào chị tính chuyện bỏ sân khấu mà đi: “Lê Khanh vẫn phải dại dột thôi! Vẫn thủy chung và thiên vị cho nó. Tình yêu với điện ảnh trong Khanh vẫn như ngày nào nhưng sân khấu luôn luôn là lựa chọn số một”.
“Càng khó càng phải tự mình làm”
Lê Khanh không muốn trói mình trong hai chữ “truyền thống”, chị “mê” một mẫu người phụ nữ hiện đại, năng động, nhưng chưa thể nào bứt phá để thay đổi được. Có thời gian, chị cắt tóc ngắn, mới đầu thì thích thú lắm, vì thấy mình như trở thành một con người khác, nhanh nhẹn, hoạt bát hơn hẳn. Nhưng được một vài hôm thì thấy sao mà phiền phức thế, nào là phải chăm ra tiệm gội đầu, nào phải sấy, phải uốn vào nếp..., nên cuối cùng chị lại nuôi tóc dài như cũ. Và lại trở về con người cũ.
Chị quan niệm, cái hấp dẫn của người phụ nữ nằm ở chữ “duyên” và chữ “tình”. Và để cảm nhận được những điều này thì không chỉ đơn giản là một cuộc chuyện trò, một nụ cười mà còn mở rộng ở nhiều khía cạnh: có người mang đến niềm vui, có người là sự ấm áp, chia sẻ, vốn kiến thức hay thẩm mỹ... Một vẻ đẹp mà không có sự chia sẻ, không có sự đồng cảm với thế giới quan thì không có ý nghĩa và không có sự tồn tại với thời gian.
|
Người ta bảo Lê Khanh khéo quá, trong cuộc sống đời thường mà như trên sân khấu. Chị thẳng thắn: “Ừ, thì cứ cho đó là “diễn” đi, nhưng nếu cái “diễn” đó là xuất phát từ chỗ mình muốn được bắt chước cái nếp ăn, nếp mặc, nếp đi đứng, hành xử của người Hà Nội cũ - như chúng ta cùng yêu mến và muốn được như thế, thì lẽ nào là phản cảm? Khi sự hoàn hảo là không tưởng, vậy thì mỗi khi có thêm được một người muốn cố gắng tiến gần hơn đến sự hoàn hảo, hà cớ gì chúng ta lại không khích lệ họ? Nhưng thôi thì ai nói tôi “diễn” cứ nói, miễn là thấy mình sống đúng là mình, đúng với bản tính sẵn có của mình, những điểm mạnh và cả những điểm yếu”.
Trong câu chuyện của chị luôn khiến người ta ngạc nhiên bởi chị... hóm hỉnh đến bất ngờ. Chị như chẳng để ý đến câu hỏi của tôi về vai cô Tấm - một trong những vai thành công của chị thuở 18, đôi mươi mà chậm rãi đáp khẽ cái điều mà chưa ai khám phá bao giờ: “Nhưng mà Tấm lười lắm em ạ. Thật ra là Tấm lười lắm đấy nhé. Cứ khó là Tấm khóc. Khóc thì Bụt hiện ra. Khóc, có chim đến mổ”. Rồi chị cười vang, hồn nhiên vui vẻ như thuở 18 của mình. “Còn chị ư, chị khác Tấm nhiều, càng khó càng phải tự mình làm, trước khi Bụt đến”. Càng trò chuyện với Lê Khanh, càng đầy ắp những bất ngờ, một câu nói vui của chị đủ chứa đựng điều sâu sắc.
Cái lý của chị thật đơn giản, đi ra cuộc sống với một nụ cười chị sẽ nhận được nhiều nụ cười. Cũng như hạnh phúc, muốn có được là phải biết vun đắp hàng ngày. Có khi cả vợ chồng, con cái xúm nhau vào mà giữ, vì đâu phải ngày nào mình cũng khỏe, ngày nào mình cũng vui.
Vợ chồng cũng chẳng thể tránh khỏi những lúc “bát đũa xô nhau”. Nhưng quan trọng là cả hai phải cố gắng trong khả năng của mình để có thể lấp đầy những điều chưa tròn trịa, làm trọn vẹn hơn cho những điều còn dang dở... Chị luôn giữ chữ “an” hiện hữu trong tổ ấm của mình. Bao nhiêu vất vả đều tìm kiếm một chữ “an” cho mình, cho những người thân yêu và đó là điều vô giá.
Bóng dáng người bạn đời
Đồng nghiệp của Lê Khanh đôi lúc lại nhắc đến các giai thoại kiểu như, mối duyên điện ảnh đã làm “ông tơ, bà nguyệt” mát tay cho cặp trai tài, gái sắc Lê Khanh - Phạm Việt Thanh khi chị là diễn viên nữ chính, còn anh đứng sau máy quay để cùng thực hiện bộ phim truyện nhựa nổi tiếng một thời: “Săn bắt cướp” của đạo diễn Trần Phương.
Thời yêu nhau, khi đi công tác xa, ngày nào anh cũng viết thư cho chị. Đến giờ, bức thư tay dài gần 40 trang vẫn là một kỷ niệm đẹp của 2 người. Sau hơn 20 năm gắn bó, tình yêu trong anh vẫn vẹn nguyên, thậm chí, như anh “tự thú” là “càng ngày càng yêu và chiều vợ hơn”.
Việt Thanh say mê vợ đến độ, luôn thường trực máy ảnh trong tay để chớp lấy những phút giây xuất thần, những khoảng lặng riêng tư của bạn đời. Chỉ với Lê Khanh, các bức ảnh của anh mới thăng hoa. Anh chụp chị bất cứ lúc nào, có thể chỉ là cơn gió vu vơ, một giọt nắng vô tình hay khi chị đang vào bếp. Và cũng thừa nhận rằng anh đã tôn thêm rất nhiều vào điều đã có, gọi tên cái gì rất riêng ở Lê Khanh.
Lắm khi hạnh phúc nhân đôi, giận hờn qua đi đều bắt nguồn từ nhiều niềm vui nho nhỏ mà những tấm ảnh của anh đem lại. Bao giờ anh chụp được tấm hình đẹp, chị bảo các con “à bố yêu mẹ đây”, một tấm ảnh xấu chị bảo nhỏ anh “à chồng ghét mình đây”. Những sự sẻ chia đôi khi chỉ là vậy, mà khó có gì thay thế được.
Với những điều không cùng ý thích, họ sẵn lòng chia sẻ một cách tự nguyện. Khi Phạm Việt Thanh đam mê bóng đá, nhưng Lê Khanh lại chẳng biết gì về môn thể thao vua, nhưng những trận đấu quan trọng, để động viên chồng, thế nào Khanh cũng nằm ngay cạnh chân anh cùng cổ vũ, rồi… ngủ lúc nào chẳng hay. Chồng có cằn nhằn gã trọng tài nào đó thiên vị hay gào lên cổ vũ cầu thủ giữa đêm, chị cũng chả bao giờ kêu ca.
Không thích chồng hút thuốc lá, có lần chị bảo: “Anh không hút thuốc, chắc miệng sẽ thơm lắm đấy. Nếu thế, ngày nào em cũng cho anh… hôn”. Thế là anh bỏ thuốc. Chiều chị, anh và cậu con trai cũng đành mang chú cẩu yêu quí đi cho người khác, dù 2 bố con đều thích nuôi chó.
Khác với nhiều người chồng có vợ đẹp, lại tài năng, chỉ lo khư khư sở hữu như một món đồ quí giá, Phạm Việt Thanh rất hiểu và tin vợ. Anh tin ở chị, cũng như chị hoàn toàn tin tưởng ở anh, khi biết rằng, tình yêu anh dành cho chị là duy nhất và không gì có thể so sánh. Có vẻ như niềm tin với vợ ở đạo diễn Phạm Việt Thanh là điều thật thiêng liêng, nên anh “dị ứng” với những câu hỏi đại loại như “anh có ghen không”, vì anh thấy rằng, vợ anh, một người phụ nữ rất yêu chồng, hoàn toàn không thích hợp để đặt ra những câu hỏi đó.
Gia đình chính là sợi dây níu kéo chắc chắn nhất mà Lê Khanh đã tự ràng buộc cho mình, để neo chị với sân khấu, với nhiều bổn phận khác nữa trong đời, để chị được làm một người đàn bà nghệ sĩ hạnh phúc. “Tôi may mắn hơn rất nhiều nghệ sĩ khác vì tôi có một ông chồng rất khéo, vợ nấu món ăn gì cũng khen ngon. Những khó khăn nặng nhọc trong công việc và trong gia đình đều được chia sẻ, những lúc tôi đi vắng anh đều sắm vai một người mẹ rất thuần thục: nấu cho con ăn, đưa chúng đi học”, chị tự hào khoe.
Người ta thường nói rằng đằng sau sự thành công của một người chồng có công lao của vợ, còn với Lê Khanh thì ngược lại, nếu không có sự chia sẻ tuyệt đối của chồng, chị đã không có ngày hôm nay.