Khi sự phản cảm “ngáng đường” nghệ thuật
Những ngày gần đây, dư luận xôn xao tranh luận về các huy hiệu ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cài trên trang phục biểu diễn trong chương trình diễn ra tối 4/5/2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Có ý kiến cho rằng, các huy hiệu trên “mô phỏng Biệt công bội tinh” - một loại huy chương của chế độ cũ trước năm 1975.
Trước sự việc trên, tại trang cá nhân của mình, nam ca sĩ đã bày tỏ, với vai trò của một nghệ sĩ, ảnh hưởng hình ảnh bản thân trong xây dựng tình cảm với khán giả, anh thấy mình chưa thật sâu sắc vì nghĩ khá đơn giản chỉ là mong muốn tạo nên một phong cách mới mẻ về trang phục biểu diễn.
Bộ VH,TT&DL đã chỉ đạo Sở VH-TT TP HCM xem xét, xử lý vụ việc. Đại diện Sở VH-TT TP HCM cho biết đã làm việc với nam ca sĩ. Theo tường trình của nam ca sĩ và nhà thiết kế, bộ trang phục và các phụ kiện chỉ mang tính chất trang trí, tạo hiệu ứng về mỹ thuật, không nhằm mục đích khác. Sở VH-TT Thành phố Hồ Chí Minh sẽ mời một số chuyên gia để cho ý kiến thẩm định về huy hiệu lạ mà ca sĩ đeo, sau khi có kết luận, Sở sẽ tiến hành các bước tiếp theo.
Trước đó, trong lĩnh vực biểu diễn, vì thu hút khán giả, không ít nghệ sĩ mang trang phục phản cảm, hành động biểu diễn vi phạm thuần phong mỹ tục. Như tại một tiết mục biểu diễn năm 2022, nam ca sĩ B xuất hiện trên một chiếc giường cùng người mẫu nữ ăn mặc gợi cảm. Trong khi trình diễn, nam rapper có động tác rưới bia lên cơ thể cô gái. Ở một tiết mục khác, ca sĩ và vũ công có nhiều màn tương tác gợi cảm “quá đà”. Việc ban tổ chức chương trình này bị phạt 110 triệu đồng và đình chỉ hoạt động tổ chức biểu diễn 18 tháng là một bài học về việc lạm dụng yếu tố gợi cảm trên sân khấu.
Cách đây không lâu, ban tổ chức một cuộc thi hoa hậu đã bị phạt 70 triệu đồng, đồng thời đình chỉ các hoạt động thi người đẹp, người mẫu 9 tháng kể từ ngày ra quyết định xử phạt vì để một siêu mẫu mặc áo dài xuyên thấu, lộ miếng dán ngực trên thảm đỏ. Sự cố này vi phạm quy định đối với hành vi tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu “sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc”...
Đừng sáng tạo “quá lố”
Dù cơ quan quản lý văn hóa đã không ít lần vào cuộc xử lý mạnh tay, tuy nhiên tình trạng vi phạm như trên vẫn tiếp diễn.
Theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về biểu diễn nghệ thuật, cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn thì mức phạt tiền từ 25 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi như: biểu diễn nghệ thuật mà thực hiện hành vi không phù hợp với văn hóa truyền thống, lứa tuổi, giới tính theo quy định của pháp luật; biểu diễn nghệ thuật, thi, liên hoan có nội dung kích động bạo lực; ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại;
Sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân; biểu diễn nghệ thuật, thi, liên hoan có nội dung xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân.
Cũng tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP, việc ăn mặc khi trình diễn mà trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, ca sĩ có thể bị đình chỉ hoạt động biểu diễn từ 6 tháng đến 12 tháng.
“Giới nghệ sĩ là người có ảnh hưởng nhiều đến công chúng vì tần suất xuất hiện và đôi khi còn là hình tượng về thời trang cho giới trẻ. Chính vì vậy, mỗi nghệ sĩ cần nhận thức rõ hơn bao giờ hết vai trò, vị trí của mình để từ hành động, lời nói đến sản phẩm nghệ thuật mang lại những ảnh hưởng tốt đẹp đến công chúng.
Sự sáng tạo quá lố, hay phô trương chính là biểu hiện của trình độ hạn chế lạm dụng hình thức để tạo ra những ánh hào quang giả tạo là điều không bền vững. Mỗi chương trình, mỗi sản phẩm nghệ thuật mà nghệ sĩ sáng tạo, trình diễn phải chứa đựng những giá trị nghệ thuật, văn hóa thực sự” - nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ với truyền thông.