Mắc bẫy “cò” cho vay lãi
Trên đường Tăng Nhơn Phú, một khu vực sầm uất, nhà cửa san sát, chỉ còn lại duy nhất ngôi nhà cụ Huệ là rộng nhất, hoang tàn nhất, dù mảnh đất gần 2.700m2 nằm ở vị trí 2 mặt tiền, mặt tiền đường lớn dài gần 60m, giá trị đến vài chục tỷ.
Cụ Huệ thở dài: “Vợ chồng tôi có 5 đứa con, sống ở đây từ mấy chục năm. Mảnh vườn 2.700m2 được vợ chồng già trồng rau, hoa màu bán kiếm tiền sống qua ngày. Trước đây, đất của vợ chồng tôi chưa hoàn thành sổ đỏ nên không buôn bán gì được. Ông nhà tôi bảo để làm xong sổ đỏ, chia làm 7 phần, cho 5 đứa con 5 phần, còn 2 vợ chồng 2 phần dùng làm nhà thờ, bỏ tiết kiệm lấy tiền hưởng già”.
Nhưng trớ trêu, sổ đỏ hoàn thành, chồng cụ Huệ lâm bệnh nặng. Suốt nhiều tháng liền chồng nằm bệnh viện, cụ Huệ vay mượn hơn 100 triệu đồng để trang trải. Đến khi chồng qua đời, cụ Huệ định bán một phần mảnh đất để trả nợ.
Không rõ ai giới thiệu, vào tháng 7/2011, bà Đặng Thị Kim Dung (ngụ quận Bình Thạnh) tìm đến nhà giới thiệu cho cụ Huệ vay của một người số tiền là 300 triệu đồng với lãi suất 5%/tháng, thời hạn 2 tháng. Bà Dung được hưởng tiền môi giới 30 triệu đồng.
“Nhiệt tình” hơn, bà Dung còn hướng dẫn cụ Huệ thủ tục sang tên khu đất 2.700 m2 từ tên chồng sang tên cụ Huệ để dễ vay tiền hơn. “Tôi già rồi, có biết gì đâu, nghe bà Dung nói vậy, cứ nghĩ bà ấy là người tốt, nên đồng ý ra phòng công chứng làm thủ tục sang tên sổ đỏ.
Tôi và các con phải ký vào giấy tờ theo thủ tục thừa kế từ chồng đã chết. Để sổ đỏ sang tên tôi, phải trả 90 triệu đồng. Số tiền tôi vay 300 triệu, trừ đi 30 triệu tiền môi giới, 90 triệu tiền làm thủ tục sang tên và 30 triệu tiền lãi 2 tháng, tôi nhận thực tế chỉ 150 triệu. Không ngờ, tôi đã đi vào cái bẫy”, cụ Huệ nói.
Thủ tục xong, sổ đỏ đứng tên cụ Huệ cũng hoàn thành. Tuy nhiên, bà Dung không trả lại mà giữ sổ và nói sẽ giới thiệu cho cụ Huệ một nơi vay mới với số tiền lên đến 1 tỷ đồng và lãi suất thấp hơn.
Sắp tới ngày trả nợ, không còn cách nào khác, cụ phải nghe lời bà Dung. Tiếp tục làm dắt mối lấy tiền “cò”, bà Dung đưa ông Trần Thanh Tâm (ngụ quận 5) đến tận nhà cụ Huệ để cho vay với số tiền 1 tỷ, lãi suất 3,5%/tháng, bà Dung lấy tiền môi giới là 80 triệu đồng.
Lần này, lúc vay tiền, các con cụ Huệ phải ký vào giấy vay. Nhưng khi yêu cầu ra phòng công chứng ký giấy tờ vay, bà Dung chỉ dắt theo mình cụ Huệ. Cụ Huệ nói: “Bà Dung bắt tôi ký rất nhiều giấy tờ nhưng do mắt kém, chữ nghĩa không bao nhiêu nên tôi không biết là giấy tờ gì. Ngoài ra, nhiều buổi trưa, lợi dụng con tôi không có ở nhà, bà Dung đến nhà, tiếp tục yêu cầu tôi ký thêm giấy tờ”.
Trên thực tế, cụ Huệ đã ký vào giấy mua bán, chuyển nhượng mảnh đất 2.700 m2 cho ông Tâm với giá 800 triệu đồng (giá thị trường của mảnh đất đó khoảng hơn 20 tỷ đồng). Nhưng cụ Huệ cho rằng chỉ ký tên, không hề biết việc mua bán này.
Nghệ sĩ Phước Sang dính líu?
Theo cụ Huệ, bà Dung lo sợ số tiền chuyển nhượng mảnh đất như trên ít quá, sẽ khiến người khác nghi ngờ lừa đảo nếu cụ Huệ đi kiện, nên tiếp tục thực hiện thêm một kế hoạch khác.
Dù thời điểm đất đã sang tên cho ông Tâm nhưng gia đình cụ Huệ không hay biết nên cuối tháng 10/2011, cụ Huệ nhờ bà Dung môi giới bán đất với giá 9,5 triệu đồng/m2. Theo tố cáo, bà Dung nhiều lần dẫn ông Lưu Phước Sang (nghệ sĩ Phước Sang) đến xem đất. Tuy nhiên, ông Sang bị cho là không đồng ý mua một phần mà yêu cầu cụ Huệ phải bán hết để ông làm sân bóng nhân tạo.
Cụ Huệ chấp nhận. Ông Sang bị cho là đồng ý mua 2.700 m2 trên với giá gần 25 tỉ đồng, đã giao 500 triệu đồng tiền cọc và cho “người em” tên Nguyễn Cao Cường đứng tên mua.
Lần khác, bà Dung đến đưa 1 tỉ đồng, nói giao tiền đợt 2 giúp ông Sang. Đến giữa tháng 1/2012, ông Sang bị cho là nói không mua đất nữa mà chuyển qua cho ông Tâm mua nhưng vẫn đưa tiếp cho cụ Huệ 500 triệu đồng gọi là tiền đặt cọc đợt 3.
Ngày 17/1/2012, bà Dung nói với cụ Huệ rằng ông Tâm giao tiếp 465 triệu đồng tiền cọc đợt 4 nhưng bà Dung giữ luôn để cấn trừ tiền môi giới. Đồng thời, bà Dung yêu cầu cụ Huệ lăn tay vào nhiều giấy tờ, biên nhận mà cụ Huệ cho rằng không biết đó là giấy tờ gì.
Cụ Huệ cứ nghĩ mình sắp sở hữu một khoản tiền cực lớn, trở thành tỷ phú về cuối đời, xây nhà thờ gia tộc, cho các con một ít vốn làm ăn. Bất ngờ một ngày cuối tháng 2/2012, con gái cụ Huệ thấy một vài người đi xe ô tô dừng lại trước nhà mình, chỉ trỏ nói chuyện.
Con gái cụ ra hỏi thăm mới biết họ chính là nhân viên ngân hàng đến thẩm định mảnh đất để cho vay. Nhân viên ngân hàng nói người đứng tên vay là ông Trần Thanh Tâm đang làm thủ tục, chỉ cần thẩm định xong sẽ hoàn thành hồ sơ.
Quá bất ngờ, con gái cụ Huệ la lên rằng: “Đất của mẹ tôi chứ không phải của ông Tâm nào cả. Hai bên mua bán chưa xong”. Biết sự việc, nhân viên ngân hàng ra về, đồng thời mách lối cho con cụ Huệ có thể đã bị lừa, nên báo công an.
Cảnh sát vào cuộc
Cụ Huệ ngay lập tức đưa đơn đến chính quyền địa phương trình báo sự việc. Cụ cũng liên hệ với ông Tâm để hỏi tại sao mới đưa tiền được 2 tỷ và cụ chưa ký vào giấy mua bán nhưng sổ đỏ đã sang tên. Tuy nhiên, ông Tâm lánh mặt. Cụ Huệ phải đưa đơn ra tòa án quận 9.
Tại tòa, ông Tâm cũng không có mặt, chỉ có người đại diện đến làm việc. Người đại diện này cung cấp giấy viết tay là biên nhận ông Tâm đưa đủ cho cụ Huệ số tiền 25 tỷ đồng và cho biết ông Tâm chỉ đứng tên mua giúp chị họ là Đinh Thị Hoài Hương.
Tại TAND quận 9, bà Hương đưa ra những giấy tờ gồm: Hợp đồng chuyển nhượng, 1 giấy đặt cọc 2 tỷ và 2 biên nhận đã giao tiền có ký nhận của bà Huệ tổng cộng 23 tỷ đồng. “Tôi buộc lòng phải cầu cứu đến công an quận 9 và tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhóm bà Dung, bà Hương, ông Tâm, ông Cường và ông Sang”, cụ Huệ nói.
Nhận đơn, Công an quận 9 xét thấy có dấu hiệu nhóm bà Dung lợi dụng sự thiếu hiểu biết của cụ Huệ để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. Theo nhóm bà Dung khai tại cơ quan điều tra, do cụ Huệ không muốn cho con cháu biết mình bán đất nên khi giao tiền chỉ có một mình cụ. Nhóm này cho rằng vào buổi sáng, giao cho cụ Huệ 21 tỷ đồng và cụ Huệ đếm xong trong 30 phút, và buổi chiều, cụ Huệ tiếp tục nhận thêm 2 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng tiếp tục triệu tập ông Sang đến làm việc. Tại đây, ông Sang khai báo mình có đến xem đất nhưng không thỏa thuận mua bán gì với cụ Huệ và không biết ai là Nguyễn Cao Cường.
Về phần ông Tâm, công an xác định từng có tiền án 4 năm tù về tội Môi giới mại dâm, việc đứng tên mua đất là làm theo chị họ tên Hương.
Ngày 10/9/2012, Công an quận 9 đã trưng cầu giám định sức khỏe đối với cụ Huệ. Trung tâm pháp y TP HCM kết luận cụ Huệ bị giảm thị lực 2 mắt nặng, cụ thể: Mắt phải 1/20, mắt trái teo nhãn mất thị lực. Ngay lập tức, Công an quận 9 chuyển hồ sơ đến Công an TP HCM để xử lý, đồng thời thông báo sang tòa án quận 9 ngừng xét xử dân sự đối với mảnh đất trên, chờ kết luận của cơ quan điều tra.
Tại hồ sơ chuyển vụ việc có dấu hiệu lừa đảo (đối với nhóm Dung, Tâm, Hương ) đến PC45, Công an quận 9 nhận định: Các nghi can trên đã lợi dụng về năng lực hành vi dân sự cụ Huệ bị hạn chế (mắt kém, trình độ văn hóa thấp không đọc chữ nhanh được) để nói dối cho cụ ký các văn bản sang nhượng quyền sử dụng đất, sau đó nhanh chóng sang tên cho Tâm, tạo biên nhận không thực tế số tiền 23 tỷ đồng (thêm 2 tỷ tiền cọc) để chiếm đoạt đất.