Nghi án chặn đường, bắt lại con từ tay vợ cũ

0:00 / 0:00
0:00
Theo luật sư, hành vi dùng vũ lực chiếm đoạt trẻ em đã được cơ quan có thẩm quyền ra phán quyết giao cho người khác có dấu hiệu tội “Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi”.
Chiếc xe bị dùng đá đập cửa. (Hình người tố cáo cung cấp)
Chiếc xe bị dùng đá đập cửa. (Hình người tố cáo cung cấp)

Chặn đường, bắt lại con sau khi giao cho vợ cũ

Theo tố cáo, sự việc trên xảy ra trên đoạn đường gần cầu Bình Điền (xã Tân Kiên, Bình Chánh, TP HCM) vào ngày 25/5/2021 vừa qua.

Bà Nguyễn Hồng Nhiên (42 tuổi), cho biết bị "người của chồng cũ" là Lê Văn Tám tấn công, bắt lại con gái 6 tuổi sau khi cơ quan thi hành án giao bé cho bà nuôi dưỡng.

Theo bà Nhiên, năm 2018, TAND quận 8 chấp nhận cho bà và ông Tám ly hôn. Tòa giao con gái chung mới 3 tuổi cho bà chăm sóc, nuôi dưỡng. Tuy nhiên, ông Tám không thi hành.

Năm 2019, ông Tám khởi kiện yêu cầu thay đổi quyền nuôi con. TAND quận 8 bác đơn. Theo tòa, bản án cũ đã có hiệu lực pháp luật nhưng ông Tám không thi hành. Đồng thời, gia đình ông nhiều lần ngăn cản bà Nhiên thăm con. Ông Tám đòi quyền nuôi con nhưng công việc thường xuyên xa nhà, không trực tiếp nuôi dưỡng mà giao cho ông bà nội. Do đó, ông Tám không đầy đủ điều kiện để con được phát triển về thể chất và tinh thần.

Ông Tám kháng cáo. TAND TP HCM bác đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Trong thời gian tòa giải quyết yêu cầu thay đổi quyền nuôi con, ông Tám bị Chi cục Thi hành án dân sự Bình Chánh xử phạt 3 triệu đồng vì không thực hiện bản án đã có hiệu lực. Mặc dù các cơ quan thi hành án đã ra thông báo cưỡng chế, buộc giao con cho bà Nhiên nhưng ông Tám không thực hiện.

Sau nhiều lần cưỡng chế thi hành án bất thành, ngày 25/5, ông Tám đồng ý giao con cho bà Nhiên tại Chi cục Thi hành án dân sự Bình Chánh. Vừa nhận con, bà Nhiên cùng người thân lên taxi về huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Dù có ô tô công an hỗ trợ, nhưng bà Nhiên phát hiện nhiều xe máy bám theo.

Đến đoạn đường gần cầu Bình Điền (xã Tân Kiên, Bình Chánh), xe công an dừng hộ tống, rẽ sang hướng khác thì nhóm thanh niên liền vượt lên chặn đường. Theo bà Nhiên, trong nhóm chặn đường có ông Tám và mẹ ông Tám. Nhóm người đập vỡ kính xe taxi, sau đó giằng lấy con gái của bà Nhiên.

Bà Nhiên phản ánh, dù bà cố ôm chặt con, không cho nhóm người này bắt đi nhưng ông Tám xông vào nắm tóc, đấm vào mắt, mặt bà. Khi công an đến nơi thì nhóm thanh niên trên đã bỏ đi, đưa theo cả con bà Nhiên.

Bà Nhiên trình báo sự việc đến xã Tân Kiên. Công an xã lập hồ sơ và chuyển đến Công an Bình Chánh để giải quyết theo thẩm quyền.

Tài xế taxi chở bà Nhiên cho biết bị nhóm người kia đánh, trong nhóm có người xưng cha cháu bé xông vào giằng lấy cháu bé. Đến chiều cùng ngày thì người đàn ông đó tìm gặp tài xế để đưa tiền sửa xe.

Dấu hiệu nhiều tội danh

PLVN có cuộc trao đổi với LS Ngô Thị Hoàng Anh (Đoàn LS TP HCM, người tham gia nhiều vụ án liên quan đến tranh chấp quyền nuôi con trong hôn nhân và sau ly hôn), để tìm hiểu quy định pháp luật về vấn đề này.

Thưa LS, hành vi của nhóm người nêu trên, theo tố cáo của bà Nhiên, có dấu hiệu vi phạm như thế nào?

- Sự việc xảy ra nếu như tố cáo của bà Nhiên, thì đã không còn dừng trong khuôn khổ ứng xử của Luật Hôn nhân và Gia đình hay của việc chấp hành bản án dân sự. Cơ quan thi hành án đã tiến hành giao con cho người mẹ, người có quyền hợp pháp đối với cháu bé. Tuy nhiên, nhóm người này lại bao vây, chặn đường, đập xe để cướp đứa trẻ một cách hung hăng và công nhiên là hành vi quá xem thường pháp luật.

Hành vi này có dấu hiệu cấu thành “Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi” quy định tại Điều 153 BLHS 2015, với tình tiết định khung ở khoản 2 là “có tổ chức”; “đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng”.

Nếu sự thật là như vậy, ngoài trách nhiệm hình sự, người cha còn có thể bị xem xét hạn chế quyền tiếp xúc, nuôi dưỡng, chăm nom vì sự phát triển toàn diện của người con. Việc hạn chế quyền của người cha/hay mẹ sẽ được tòa dân sự tuyên theo Điều 85, Điều 86 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

Nhưng đó là con gái của người chiếm đoạt, vẫn có quyền nhất định thì có thỏa mãn yếu tố cấu thành tội “Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi” hay không?

- Theo Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì: “Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom”.

Tóm lại, người không được tòa giao nuôi con thì chỉ có quyền thăm nom. Không được tách con ra khỏi sự nuôi dưỡng, chăm sóc của người vợ mà không có sự đồng ý của bà hoặc có quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Hành vi dùng vũ lực tách con ra khỏi mẹ là trực tiếp xâm phạm đến quyền quản lý, trực tiếp nuôi con của người mẹ theo bản án.

Do đó, không thể lấy lý do là con của mình mà mình có quyền dùng vũ lực hoặc bất cứ thủ đoạn nào để tách cháu bé ra khỏi mẹ.

Hành vi của nhóm người trên còn có dấu hiệu vi phạm nào hay không?

- Hành vi dùng vũ lực là hành vi có cả trong 3 tội “Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi”, “Hủy hoại tài sản” và “Gây rối trật tự công cộng”. Nhưng để hoàn thành mục đích chiếm đoạt người dưới 16 tuổi, nhóm người đã vừa xâm phạm khách thể là sự ổn định trật tự công cộng của xã hội, vừa phải phá hỏng tài sản của người khác. Rất có thể CQĐT sẽ xem đây là những tình tiết thể hiện sự nguy hiểm của hành vi tội phạm, cùng với các tình tiết như dùng hung khí nguy hiểm, có tổ chức.

Thực tế cho thấy, những vụ việc không chấp hành bản án hoặc xâm phạm đến các quyền nuôi con, thăm non sau ly hôn khá phổ biến. Luật quy định thế nào về những vấn đề này?

- Hiện nay, nói về quy định pháp luật thì không thiếu những quy định, phương pháp cho từng giai đoạn từ mềm dẻo đến cứng rắn: Tự nguyện thi hành; Vận động tự nguyện thi hành; Phạt hành chính; Áp dụng biện pháp cưỡng chế giao người; Chuyển hồ sơ truy tố trách nhiệm hình sự... Phải nói là rất nhiều và giao trách nhiệm cho rất nhiều cơ quan như thi hành án, VKS, Công an, ngành LĐTB&XH, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh…

Nhưng phải nói rằng, khi áp dụng thực tiễn thì rất nhiều khúc mắc. Các cơ quan có thể chưa nhiệt tình, chưa làm tròn trách nhiệm hoặc rất muốn làm một cách quyết liệt, nhanh nhưng lại lúng túng, bởi có quá nhiều cơ quan tham gia mà phân quyền thì không rõ ràng.

Người dân, cộng đồng còn chưa hiểu đúng, chưa ý thức đầy đủ, còn vô tình tiếp tay, giúp sức cho việc trốn tránh, không chấp hành bản án. Cần hiểu rằng: Ông bà, họ hàng, hàng xóm... nếu giúp sức trong việc che giấu, nuôi giữ trẻ trong trường hợp phải giao con cho người được nuôi dưỡng theo bản án có thể là đồng phạm trong “Tội không chấp hành án” hoặc “Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi”.

Ở nước ngoài, có một cơ quan độc lập, có quyền giám sát, kiểm tra bất cứ lúc nào đối với việc nuôi dưỡng, thăm nom trẻ em sau ly hôn. Họ có thể đến trường, đến nhà tiếp xúc với trẻ, hỏi hoặc khám sức khỏe, cuộc sống của trẻ. Biên bản của họ được sử dụng để cơ quan có thẩm quyền đưa ra những phán quyết nếu có tranh chấp xảy ra. Ở nước ta, có quá nhiều cơ quan chịu trách nhiệm nhưng cụ thể như thế nào, thi hành ra sao thì còn mơ hồ.

Xin cảm ơn LS!

Đọc thêm