Nghi án giả mạo chiếm đoạt công ty: Thiếu khách quan trong việc đánh giá chứng cứ?

(PLO) - Sau khi vụ án Nguyễn Đình Bang và đồng phạm can tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được đưa ra xét xử. Nhận định quá trình xét xử vụ án trong các ngày 28-30/1/2013 có nhiều tình tiết mới cần được điều tra, xác định rõ, TAND TP Hà Nội đã chuyển hồ sơ vụ án cho VKSND cùng cấp để điều tra bổ sung.
Nhiều tài sản của Công ty Trường Sinh đã bị  Nguyễn Đình Bang và Duy Đức Tuấn dùng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều người.
Nhiều tài sản của Công ty Trường Sinh đã bị Nguyễn Đình Bang và Duy Đức Tuấn dùng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều người.

Yêu cầu làm rõ việc chuyển nhượng tại Cty Trường Sinh

Liên quan đến tố cáo của ông Nguyễn Trung Thực, bà Nguyễn Thị Tơ đối với Nguyễn Đình Bang và Duy Đức Tuấn có hành vi gian dối, giả mạo chữ ký chiếm đoạt tài sản, pháp nhân Cty Trường Sinh mà Báo PLVN đã phản ánh ở số báo trước. Sau đó Bang và Tuấn đã dùng chính khối tài sản này để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều người khác nên ông Bang đã bị bắt và bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 

Nhận định quá trình xét xử vụ án Nguyễn Đình Bang và đồng phạm trong các ngày 28-30/1/2013 có nhiều tình tiết mới cần được điều tra, xác định rõ, TAND TP Hà Nội đã chuyển hồ sơ vụ án cho VKSND cùng cấp đề nghị điều tra, bổ sung với nội dung: Yêu cầu điều tra làm rõ có việc chuyển nhượng Cty Trường Sinh giữa vợ chồng ông Thực, bà Tơ với Nguyễn Đình Bang và Duy Đức Tuấn không? Việc chuyển nhượng và làm thủ tục thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh có đảm bảo đúng quy định của pháp luật không? Có việc giả mạo chữ ký như bà Tơ khai tại phiên tòa không?

Quá trình kiểm sát điều tra, ngày 4/2/2013 VKSND TP Hà Nội đã ra Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung (số 45/QĐ/VKS-P1B) cho Cơ quan CSĐT - Công an TP Hà Nội.

Mặc dù ngày 23/5/2013, Cơ quan CSĐT - Công an TP Hà Nội đã có Kết luận điều tra bổ sung số 92/KLĐTBS-PC46-Đ9, thể hiện, bà Tơ khai không biết việc ông Thực vay tiền ông Bang và Tuấn, không ký hợp đồng chuyển nhượng vốn góp tại Cty Trường Sinh. Cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định, kết luận: Chữ ký mang tên Nguyễn Thị Tơ trong Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp số 02 ngày 31/1/2008 không phải do bà Tơ ký. Song lại nhận định: Mặc dù kết quả giám định đã xác định chữ ký mang tên bà Tơ trong bản hợp đồng chuyển nhượng vốn góp không phải do bà Tơ ký. Nhưng trong bản hợp đồng này, ông Thực đã lấy tư cách Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty Trường Sinh ký xác nhận (giữa phần chữ ký của Tuấn và bà Tơ); bà Tơ và Tuấn đã hoàn thành thủ tục chuyển nhượng và đã thanh toán cho nhau toàn bộ nghĩa vụ tài chính theo thỏa thuận ghi trong hợp đồng, do đó không có cơ sở kết luận Tuấn và Bang đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông Thực, bà Tơ.

Thiếu khách quan trong việc đánh giá chứng cứ?

Theo ông Thực, Kết luận điều tra bổ sung số 92 đã đưa ra những nhận định và kết luận không đúng sự thật, để lọt tội danh đối với bị cáo Bang và để lọt tội đối với Duy Đức Tuấn. Nội dung của kết luận điều tra đã không làm rõ được những vấn đề quan trọng như: Tại sao lại có việc giả mạo chữ ký của bà Tơ trong hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh? Mục đích của việc giả mạo chữ ký? Ai là người đã giả mạo chữ ký của bà Tơ? Và ai là người đi nộp hồ sơ có chữ ký giả mạo của bà Tơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh (ĐKKD) – Sở KH&ĐT TP Hà Nội?

 “ Cơ quan điều tra có dấu hiệu thiếu khách quan, không căn cứ vào các tài liệu, hồ sơ do tôi, bà Tơ cung cấp và diễn biến của sự việc để làm rõ động cơ, mục đích và hành vi gian dối, lừa đảo của Bang và Tuấn mà chỉ dựa vào lời khai của Tuấn và Bang để đưa ra nhận định như trên. Việc này cho thấy sự suy diễn, áp đặt né tránh những chứng cứ và tình tiết buộc tội Tuấn và Bang của cơ quan điều tra”, ông Thực cho biết.

Ông Thực cho biết thêm, để chiếm đoạt Cty Trường Sinh, Tuấn và Bang đã lén lút sử dụng bộ hồ sơ chuyển nhượng vốn góp ông đã ký từ ngày 5/11/2007; tự ý điền ngày tháng, tẩy xóa số 7 thành số 8 để thành ngày 31/1/2008 trong các hợp đồng chuyển nhượng vốn và các văn bản liên quan; giả mạo chứng từ kế toán gồm 1 tờ phiếu thu có nội dung ngày 31/1/2008, Bang nộp 4 tỷ 50 triệu đồng mua 50% cổ phần Cty Trường Sinh và 1 tờ phiếu chi nội dung ngày 31/1/2008 ông Thực rút 70% vốn. 

Tại các chứng từ giả mạo này, chữ ký của ông Thực bị giả mạo và giả mạo tên kế toán và thủ quỹ của Cty Trường sinh là Nguyễn Trà My và Đỗ Thị Thúy. Giả mạo chữ ký của bà Tơ trong Hợp đồng số 02 về việc bà Tơ bán 30% vốn cho Tuấn và trong Biên bản họp hội đồng thành viên Cty Trường Sinh. Mặt khác, trong bộ hồ sơ giả mạo này không có phiếu thu tiền của Duy Đức Tuấn, nhưng trong giấy đăng ký kinh doanh bị thay đổi ngày 1/2/2008 thì Duy Đức Tuấn chiếm 50% vốn, không có phiếu chi trả 30% vốn cho bà Tơ dù trong đăng ký kinh doanh trước khi bị thay đổi bà Tơ có 30% ?! Như vậy về hình thức thì bộ hồ sơ do Bang và Tuấn nộp không đáp ứng đúng thủ tục theo quy định của pháp luật để có thể làm thay đổi nội dung ĐKKD của doanh nghiệp, chưa kể về nội dung có sự gian dối giả mạo của  Bang và Tuấn. 

Đồng thời, Bang và Tuấn còn tự động lấy Giấy ĐKKD của Cty Trường Sinh do Phòng ĐKKD – Sở KH&ĐT TP Hà Nội cấp lại cho ông Thực, bà Tơ vào ngày 31/1/2008 do ông Thực báo mất nhưng chưa được báo đến nhận, rồi Bang và Tuấn nộp cùng với bộ hồ sơ giả mạo để thay đổi nội dung ĐKKD của Cty Trường Sinh ngày 1/2/2008 đưa Bang và Tuấn trở thành thành viên góp vốn thay đổi người đại diện theo pháp luật từ ông Thực sang Bang. “Bộ hồ sơ gian dối, giả mạo này hiện Phòng ĐKKD – Sở KH&ĐT TP Hà Nội đang lưu giữ và tôi đã được xem tại Cơ quan điều tra tháng 8/2014 khi được mời đến để xác minh”, ông Thực nói.

Để làm rõ hành vi gian dối, giả mạo của Bang và Tuấn, ông Thực đã nộp bản gốc 02 tờ phiếu thu và Hợp đồng số 01 và 03 có bút tích của Bang và Tuấn soạn thảo từ ngày 5/11/2007, biên bản bàn giao nhà máy ngày 5/11/2007, biên bản bàn giao nhà máy ngày 13/11/2007, hợp đồng bán nhà máy 5,2 tỷ ngày 28/9/2007 và các biên bản khác cho điều tra viên làm căn cứ đối chứng với những văn bản Tuấn và Bang giả mạo.

“Tuy nhiên không hiểu lý do gì, Cơ quan điều tra không giám định toàn bộ hồ sơ thay đổi ĐKKD của Cty Trường Sinh ngày 1/2/2008, trong đó ngoài những văn bản giả mạo trên còn có những văn bản vẫn để nguyên từ năm 2007 do Bang và Tuấn chưa kịp tẩy xóa. Cơ quan CSĐT - Công an TP Hà Nội chỉ trưng cầu giám định chữ ký của bà Tơ trong Hợp đồng số 02 về việc bà Tơ bán 30% vốn cho Tuấn, sau đó Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an TP Hà Nội cũng đã kết luận không phải do bà Tơ ký. Do đó, bản Kết luận điều tra bổ sung số 92 cho rằng, ngày 31/1/2008 tôi mang các hợp đồng chuyển nhượng vốn góp đã có chữ ký của bà Tơ cho Tuấn ký, bà Tơ và Tuấn đã thanh toán cho nhau các nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng là không đúng với bản chất sự việc và những chứng cứ, lời khai của tôi và bà Tơ”, ông Thực cho biết.

Theo ông Thực, mặc dù đã có đủ căn cứ để chứng minh không có việc ông và bà Tơ chuyển nhượng Cty Trường Sinh cho Bang và Tuấn, việc làm thủ tục chuyển nhượng, thay đổi nội dung ĐKKD của Cty Trường Sinh ngày 1/2/2008 là không đúng quy định; đã có sự giả mạo văn bản của bà Tơ và kế toán thủ quỹ… là những bằng chứng để chứng minh động cơ, thủ đoạn gian dối của Bang và Tuấn nhằm chiếm đoạt Cty Trường Sinh. “Vậy nhưng, Kết luận điều tra số 92 cũng như Cáo trạng của VKSND TP Hà Nội ngày 23/5/2013 chỉ tập trung điều tra xét xử hành vi của Bang và đồng phạm lấy Cty Trường Sinh làm phương tiện lừa đảo, chiếm đoạt tại sản của những người khác mà không làm rõ hành vi của Bang và Tuấn đã giả mạo giấy tờ, chữ ký chiếm đoạt Cty Trường Sinh của tôi và bà Tơ, đồng thời xác định tôi và bà Tơ chỉ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà không phải với tư cách là người bị hại trong vụ án là xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tôi và bà Tơ”, ông Thực khẳng định.

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên./.

Đọc thêm