Nghi án hủy hoại tài sản và đánh người tại Đồ Sơn: Cơ quan điều tra phục hồi giải quyết tin tố giác tội phạm

(PLVN) - Ngày 20/5 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Đồ Sơn, Hải Phòng đã có Quyết định “phục hồi giải quyết nguồn tin về tội phạm” để tiếp tục xác minh, điều tra việc ông Lê Công Hồng (thương binh 2/4, trú tại số 243 đường Nguyễn Hữu Cầu, phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn) bị hành hung cách đây gần 1 năm.
Dây thép gai, cọc sắt được dựng lên để chặn lối đi và phân chia khu đất quốc phòng khiến người dân bức xúc.

Thương tích 2%

Sau khi xảy ra vụ xô xát vào ngày 6/7/2020 với vợ chồng ông Nguyễn Khắc Chế (SN 1972) và vợ là Đinh Thị Thu (SN 1974, cùng trú tại tổ 5, phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn) tại khu vực Đồi 23 (tổ 8, phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn), ông Lê Công Hồng đã được Viện Pháp y Quốc gia giám định, xác định thương tích 2% do bị vết thương ở gót chân phải và vùng má phải.

Tuy nhiên, ngày 16/4/2021, Cơ quan CSĐT Công an quận Đồ Sơn đã có quyết định trưng cầu giám định bổ sung để xác định cơ chế hình thành thương tích của ông Hồng ở sẹo gót chân phải là do ống tuýp sắt ông Chế đánh gây nên hay do mảnh tôn mạ màu xanh trong lúc giằng co với chị Thu, ông Hồng lùi chân và giẫm vào gây nên. Do Viện Pháp y Quốc gia chưa có kết luận trả lời nên ngày 22/4/2021, Cơ quan CSĐT Công an quận Đồ Sơn đã quyết định tạm đình chỉ giải quyết tin báo tội phạm của Công an phường Vạn Hương.

Ngày 20/5/2021, sau khi nhận được Bản kết luận giám định pháp y về thương tích (bổ sung) số 90/21/TgT ngày 26/4/2021 của Viện Pháp y Quốc gia, cơ quan CSĐT Công an quận Đồ Sơn đã có quyết định phục hồi việc giải quyết nguồn tin tội phạm liên quan đến vụ xô xát giữa ông Hồng và vợ chồng ông Chế.

Trình bày về nguyên nhân vụ việc trên, vợ chồng ông Lê Công Hồng từng có đơn tố cáo cho biết, vào tháng 3/2002, vợ chồng ông Hồng có mua của ông Phạm Phú Bẫu một vườn cây thuộc tổ 8, phường Vạn Hương và đến tháng 3/2003 thì làm 30m2 nhà tạm để tiện cho việc chăm sóc cây trồng. Tuy nhiên, khoảng từ cuối năm 2019, vợ chồng ông Chế đã nhiều lần đến dỡ tôn, phá nhà và hủy hoại nhiều tài sản trong nhà của gia đình ông Hồng. Đỉnh điểm, khi lên thăm cây cối, thăm nhà vào  sáng 6/7/2020, vợ chồng ông Hồng đã bắt gặp vợ chồng ông Chế đang dùng cọc sắt rào vườn cây của mình nên ra ngăn cản thì bị đánh lại.

Mô tả cụ thể việc chồng mình bị hành hung, bà Bùi Thị Tâm (vợ ông Hồng) cho biết, bà Thu đã túm đầu ông Hồng đập vào gốc cây keo. Đồng thời, ông Chế cũng lao vào đấm đá và dùng cây sắt đánh ông Hồng liên tiếp. Nghiêm trọng hơn, bà Thu còn đập mặt ông Hồng xuống nền đá cứng, dùng vữa bê tông đáp (đập) liên tục vào vùng mặt ông Hồng. Hậu quả, ông Hồng phải nhập viện điều trị từ ngày 6/7 tới ngày 17/7/2020 và được xác định thương tích 2%.

Ai cho phép rào đất?

Theo tố cáo của vợ chồng ông Hồng đến Cơ quan CSĐT thì ngoài hành vi đánh người như trên, vợ chồng ông Chế còn có hành vi hủy hoại tài sản (ngôi nhà tạm). Vì vậy, ngoài việc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định, vợ chồng ông Hồng còn yêu cầu được bồi thường giá trị vật liệu, công dựng nhà là 60 triệu đồng, bồi thường chi phí khám, điều trị tại bệnh viện theo hóa đơn thực tế.

Cũng theo vợ chồng bà Tâm, sau phá ngôi nhà tạm như trên, vợ chồng ông Chế còn phá hủy đường dẫn nước, dùng dây thép gai rào chắn lối đi lại và phân chia khu đất. 

Liên quan đến nội dung tố cáo trên, VKSND quận Đồ Sơn cũng từng có văn bản đề nghị Cơ quan CSĐT giải quyết tố giác tội phạm của bà Tâm về hành vi cố ý gây thương tích và việc phá hủy tài sản của ông Chế, bà Thu.

Trao đổi với phóng viên về vụ việc này, ông Hoàng Trung Kiên, Chủ tịch UBND phường Vạn Hương từng cho biết: “Đất đó là đất quốc phòng (Cục Tác chiến điện tử). Qua nội dung trao đổi, tôi đã yêu cầu giữ nguyên hiện trạng, mọi giao dịch mua bán đều trái quy định của pháp luật. Phía phường cũng đã chỉ đạo hoà giải, giữ nguyên hiện trạng để đảm bảo an ninh trên địa bàn và khuyến khích mục đích trồng cây gây rừng. Việc mua bán cây phải thực hiện theo chỉ đạo hướng dẫn của kiểm lâm, cơ quan chức năng”.

Phóng viên tiếp tục đề nghị đại diện chính quyền địa phương làm rõ về việc, có rất nhiều công trình nhà tạm, thậm chí là nhà kiên cố vẫn mọc lên trên khu đất được cho là đất quốc phòng này. Những công trình này có được phép xây dựng hay không? Tuy nhiên, ông Kiên chỉ trả lời ngắn gọn rằng “đó là vấn đề lịch sử”.

Liên quan đến vấn đề trên, bà Tâm cho biết: “Vụ việc gia đình tôi bị phá nhà, hành hung diễn ra tại khu vực đất quốc phòng. Tuy nhiên, việc gia đình tôi mua cây, làm nhà trông vườn như thế nào phải do cơ quan chức năng kết luận. Đất không thuộc quyền sử dụng của ông Chế nhưng rất vô lý khi vợ chồng ông này lại tự ý đến phá nhà và hành hung chồng tôi”.

Không biết vụ xô xát trên đây có phải xuất phát từ mâu thuẫn, tranh chấp trong việc sử dụng đất, dựng nhà hay không. Tuy nhiên, qua vụ việc này cho thấy công tác quản lý đất đai tại địa phương đang có nhiều bất cập. Cơ quan chức năng của TP Hải Phòng và quận Đồ Sơn cần sớm vào cuộc để xác minh, kết luận rõ việc sử dụng đất, xây dựng công trình tại khu đất quốc phòng để kịp thời xử lý, chấn chỉnh sai phạm (nếu có), góp phần ngăn chặn những vụ việc tương tự, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.

Đọc thêm