Nghi án liên quan dự án tu bổ công trình nổi tiếng miền Tây: Hình sự, hay dân sự?

(PLVN) - Mới đây, VKSND tỉnh Đồng Tháp đã ra cáo trạng, truy tố bị can Nguyễn Hoài Dương về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong quá trình tổ chức thi công tu bổ Miếu thờ Bà Chúa Xứ. Điều đáng nói là trong vụ việc, bị can một mực cho rằng mình không hề có ý định lừa đảo vì số tiền tạm ứng, bị can đều dùng để thi công công trình…
Quá trình tu bổ công trình Miếu thờ Bà Chúa Xứ khiến bị can Nguyễn Hoài Dương bị cáo buộc lừa đảo.

VKS: Lừa đảo tiền tu bổ công trình 

Theo cáo trạng truy tố, năm 2014, công ty của bị can Nguyễn Hoài Dương trúng thầu thi công công trình tu bổ Miếu thờ Bà Chúa Xứ tại Đồng Tháp với tổng trị giá hợp đồng trên 7 tỉ đồng. 

Để thực hiện hợp đồng, tạm ứng tiền thi công, nhận tiền thanh toán từ BQL Khu di tích Gò Tháp (đơn vị chủ đầu tư), bị can Dương đã làm giả 3 chứng thư bảo lãnh và 1 thẻ tiết kiệm để nộp cho đơn vị này. Bởi theo quy định, để được thi công, bị can Dương phải nộp số tiền đảm bảo thực hiện hợp đồng tương ứng với 10% giá trị hợp đồng. Và để được tạm ứng vốn xây dựng 45% giá trị hợp đồng, bị can Dương cũng phải nộp thư bảo lãnh của Ngân hàng đối với số tiền tạm ứng. 

Tuy nhiên, theo CQĐT và VKS, bị can Dương không làm đúng theo quy định mà đã tự ý làm giả các giấy tờ giao cho chủ đầu tư để được nhận tiền. Sau đó, bị can Dương chỉ sử dụng một phần nhỏ số tiền tạm ứng để thi công cầm chừng, phần lớn số tiền chiếm đoạt, bị can tiêu xài vào công việc cá nhân. 

Riêng với số tiền trên 3 tỉ đồng phải làm hồ sơ hợp thức hóa thanh toán trước, thi công sau nhằm bảo toàn vốn để tiếp tục thi công trong năm 2015, do có ý định từ trước nên bị can Dương đã thuyết phục phía chủ đầu tư không khóa tài khoản số tiền này mà để cho bị can gửi tiết kiệm. 

Theo VKS, để thực hiện trót lọt ý đồ mình, bị can Dương đã cung cấp cho phía chủ đầu tư một thẻ tiết kiệm giả giao cho phía chủ đầu tư giữ để đảm bảo... 

Phía VKS kết luận, đây chính là thủ đoạn lừa đảo mà bị can Dương đã tính toán trước khi nhận tiền và thực hiện hoàn thành sau khi nhận tiền. Tổng cộng, bị can Dương đã gây thiệt hại cho đối tác trên 3 tỉ đồng. 

Bị can: Chỉ là tranh chấp dân sự

Về phía mình, trong suốt quá trình tố tụng, bị can Dương thừa nhận mình có hành vi làm giả giấy tờ (bị can Dương cũng bị truy tố về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức) nhưng một mực cho rằng không hề có ý định lừa đảo tiền của phía chủ đầu tư. 

Theo bị can Dương, tiền tạm ứng và tiền thanh toán trước, thi công sau, bị can không chiếm đoạt mà đầu tư vào công trình nói trên cùng công trình khác ở Cà Mau. Nguyên nhân thi công không hoàn thành là do lỗi thiết kế làm phát sinh một số hạng mục nhưng chậm được thẩm định, kết luận. Hợp đồng thi công chưa chấm dứt và bị can cũng vẫn có thể thực hiện được hợp đồng nên hậu quả chưa xảy ra. 

Trong đơn gửi đến các cơ quan chức năng, bà Đỗ Ngọc Thiên Hương (vợ bị can Dương) cho rằng, việc cơ quan tố tụng khép tội chồng bà lừa đảo là “không có căn cứ. Đây chỉ là tranh chấp dân sự, cần được nhìn nhận theo hợp đồng hai bên đã ký kết”. 

Còn theo luật sư của bị can, công trình tu bổ Miếu thờ Bà Chúa Xứ khởi công xây dựng từ cuối năm 2014. Giai đoạn đầu thi công rất thuận lợi. Mặt khác, nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp giải ngân cuối năm, nhà thầu còn xin ý kiến chủ đầu tư tổ chức đúc đủ 60 cọc bê tông cốt thép theo thiết kế... Công ty đã bỏ ra nhiều công sức và tiền bạc để cố gắng hoàn thành hợp đồng. 

Tuy nhiên, do có một số sai sót về thiết kế, dự toán thiếu… nhưng chậm được bên chủ đầu tư điều chỉnh nên dẫn đến việc thi công còn dang dở; không thể tiếp tục khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đây không phải lỗi của đơn vị thi công. 

Luật sư cho rằng cáo buộc bị can Dương vào tội lừa đảo “là có tính chất suy diễn, thiếu chứng cứ thuyết phục. Công ty này đã xây dựng nhiều công trình tại tỉnh Đồng Tháp và có uy tín. Công trình này cũng đang thi công và chỉ tạm dừng khi chủ đầu tư yêu cầu. Bị can Dương không thể đánh đổi sự nghiệp, số phận mình bằng cách đi lừa đảo một cách đơn giản như vậy. Việc bị can làm giấy tờ giả cũng chỉ là để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình và đây là quan hệ khác chứ không thể nói là dấu hiệu tội lừa đảo”. 

Vẫn theo quan điểm của luật sư: “Về mặt kế toán, bị can Dương chỉ đang tạm giữ tiền của chủ đầu tư (nói như chủ đầu tư là chiếm dụng) chứ không chiếm đoạt và điều này là để mong tiếp tục được hoàn tất công trình như hợp đồng”. Luật sư cho rằng, cơ quan chức năng cần xem xét chứng cứ thấu đáo, tránh hình sự hóa một vụ dân sự… 

Đọc thêm