Nghi án lừa đảo "núp bóng" giao dịch dân sự trong vụ bán lươn giống

(PLVN) - Sau khi bán lươn cho bà con nông dân nhiều tỉnh thành, Hợp tác xã Chăn nuôi Ngọc Đăng (Phú Thọ) đã nhận đủ tiền. Ngay lập tức, bằng thủ đoạn đưa ra thông tin lươn giống bị yếu, Hợp tác xã này đã lấy lươn đi và chiếm đoạt hàng tỷ đồng của người dân.
Trụ sở Hợp tác xã Chăn nuôi Ngọc Đăng tại Phú Thọ.
Trụ sở Hợp tác xã Chăn nuôi Ngọc Đăng tại Phú Thọ.

Hợp tác xã Chăn nuôi Ngọc Đăng (HTX) có địa chỉ ở xã Tam Sơn (Cẩm Khê, Phú Thọ) do ông Hà Huy Ngọc là Chủ tịch HĐQT. Từ năm 2018 đến nay, bằng việc ký kết hợp đồng mua bán lươn giống, ông Ngọc đã thu số tiền hàng tỷ đồng bằng một thủ đoạn: Sau khi bán lươn cho bà con nông dân nhiều tỉnh thành và đã nhận đủ tiền, ngay lập tức, HTX Ngọc Đăng đưa ra thông tin lươn yếu, đã lấy lươn đi và không giao lại lươn, cũng không trả lại tiền. Từ đó, HTX Ngọc Đăng đã chiếm đoạt hàng tỷ đồng của người nông dân.

Cụ thể, phản ánh của ông Nguyễn Văn Tuấn (xã Cao Đại, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), ngày 26/2/2020 đã ký hợp đồng mua bán hàng hóa (Hợp đồng số 007/HĐMB-HTX) với ông Hà Huy Ngọc. Nội dung hợp đồng thể hiện: Ông Tuấn (bên mua) mua 500 kg lươn, loại 100 con/kg; giá 330.000 đồng/kg; tổng số tiền thanh toán là 165 triệu đồng cho HTX Ngọc Đăng (bên bán). Ông Tuấn đặt cọc 65 triệu đồng cho ông Ngọc, số tiền còn lại sẽ thanh toán sau khi hai bên giao, nhận lươn. 

 
 
 
 
HTX Ngọc Đăng đã nhận gần 160 triệu đồng từ hộ ông Tuấn (Ảnh: Xuân Hồng).
  HTX Ngọc Đăng đã nhận gần 160 triệu đồng từ hộ ông Tuấn (Ảnh: Xuân Hồng).

Theo hợp đồng, ngày 14/3/2020, trực tiếp ông Ngọc đã mang lươn đến giao cho ông Tuấn tại trang trại. Sau khi nhận, lươn bơi khỏe, ông Tuấn đã thanh toán nốt số tiền còn lại cho ông Ngọc. 

Ông Tuấn không ngờ, bằng thủ đoạn tinh vi và trắng trợn, ngay sau đó là ngày 15/3 (tức 1 ngày sau khi ông Ngọc giao lươn cho ông Tuấn) ông Nguyễn Danh Hưng là nhân viên kỹ thuật chăm sóc lươn giống của HTX Ngọc Đăng đến trang trại nhà ông Tuấn và cho biết lươn giống bị yếu, cần mang đi xử lý.

Lập tức, cùng ngày, ông Ngọc, ông Hưng và 3 người khác cho xe về trang trại của ông Tuấn bắt lươn giống (được cho là yếu) để mang đi xử lý, đồng thời cho biết sẽ trả lại lươn giống khỏe cho ông Tuấn. Được biết, việc HTX Ngọc Đăng bắt lươn mang đi có được lập biên bản do ông Ngọc ký giấy xác nhận, đồng thời có sự chứng kiến của của HTX và người nhà ông Tuấn.

Tuy nhiên, sau khi mang lươn đi, đến nay, HTX Ngọc Đăng không trả lại lươn giống cho ông Tuấn và chỉ cho biết: Lươn giống đã chết. Câu hỏi đặt ra: Nếu lươn giống đã chết theo giải thích của HTX thì chết ở đâu, thời gian nào, lý do chết là gì…? Thủ đoạn tinh vi (nêu trên) đã bộc lộ dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông Ngọc đối với lượng lớn lươn giống của ông Tuấn.

Trao đổi với phóng viên, ông Tuấn bức xúc: “Đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các cá nhân trong HTX, trong đó có ông Ngọc, ông Hưng tạo ra thông tin lươn yếu - việc này không hề có trong nội dung hợp đồng đã ký nhằm mục đích mang lươn từ trang trại của tôi đi.

Hậu quả, tôi đã bị thiệt hại số tiền 158 triệu đồng. Đây là số tiền rất lớn. Để có đủ tiền mua lươn giống, gia đình tôi đã phải vay ngân hàng, chịu lãi hàng tháng. Từ việc mất lươn, thiệt hại tiền, chuồng trại chăn nuôi của gia đình cũng phải bỏ trống vì không có tiền tái đàn. Cuộc sống, vốn dĩ khó khăn, nay càng thêm khó khăn, điêu đứng hơn”.

 
HTX Ngọc Đăng mang lươn giống đi, trang trại chăn nuôi của hộ ông Tuấn phải bỏ trống vì không có tiền tái đàn (Ảnh: Xuân Hồng).
HTX Ngọc Đăng mang lươn giống đi, trang trại chăn nuôi của hộ ông Tuấn phải bỏ trống vì không có tiền tái đàn (Ảnh: Xuân Hồng).

Không những vậy, khi ông Tuấn nhiều lần liên hệ bằng các hình thức (điện thoại, nhắn tin) để được gặp trực tiếp ông Ngọc thì bị ông Ngọc trốn tránh trách nhiệm không phản hồi, chặn liên lạc. Đáng nói, ông Tuấn và người nhà bị ông Ngọc đe dọa với lời lẽ, tin nhắn hung hãn, thô bạo, côn đồ: “…lượn về nhà đi, nếu cố tình đến đây (trụ sở HTX Ngọc Đăng - PV) thì không có đường trở về…”.

Cùng cảnh ngộ của ông Tuấn, hộ ông Nguyễn Văn Nhạc (khu 5, xã Hoàng Xá, Thanh Thủy, Phú Thọ) – là hộ nghèo phản ánh việc ông Ngọc là Chủ tịch HĐQT HTX Ngọc Đăng có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, làm thiệt hại của ông Nhạc 38,5 triệu đồng thông qua việc ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa (lươn giống) số 001/HĐMB-HTX ngày 20/7/2019. Việc làm của HTX Ngọc Đăng đã đẩy gia đình ông Nhạc vào cảnh đã nghèo lại càng nghèo, khốn đốn hơn.

Bằng một thủ đoạn đưa ra thông tin lươn giống bị yếu, các cá nhân của HTX Ngọc Đăng đã lấy lươn đi và chiếm đoạt hàng tỷ đồng của người nông dân (Ảnh: Xuân Hồng).

Bằng một thủ đoạn đưa ra thông tin lươn giống bị yếu, các cá nhân của HTX Ngọc Đăng đã lấy lươn đi và chiếm đoạt hàng tỷ đồng của người nông dân (Ảnh: Xuân Hồng).

Với 1 thủ đoạn tương tự (nêu trên), ông Ngọc và những cá nhân khác trong HTX đã lấy đi và không trả lại lươn giống hoặc tiền cho nông dân ở Phú Thọ và khắp các tỉnh thành, với số tiền ước tính ban đầu là hàng tỷ đồng.

Trong đó, tại Phú Thọ có thể kể đến một số hộ điển hình: ông Phạm Văn Hữu (xã Minh Lương, huyện Đoan Hùng) mất gần 30 triệu đồng; hộ ông Hoàng Văn Võ (xã Bằng Doãn, huyện Đoan Hùng), bị mất 15 triệu đồng; hộ ông Phạm Văn Đăng (xã Minh Lương, huyện Đoan Hùng), bị mất 28 triệu đồng…;

Tại Hải Phòng, hộ ông Quách Văn Mạnh (xã Tự Cường, Tiên Lãng) bị mất  hơn 200 triệu đồng; hộ ông Thành tại tỉnh Yên Bái bị mất 125 triệu đồng; hộ ông Đông ở Hà Nội mất 120 triệu đồng; hộ ông Phạm Văn Tuân (xã Lâm Xa, Bá Thước, Thanh Hóa) mất hơn 80 triệu đồng; hộ ông Ma Quang Sỹ (xã Kim Bình, Chiêm Hóa, Tuyên Quang) mất 34,5 triệu đồng…          

Trước sự việc này, bà con nông dân đã đồng loạt gửi đơn tố cáo hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của các cá nhân HTX Ngọc Đăng đến Công an huyện Cẩm Khê (Phú Thọ).

Theo ông Phùng Quang Hân, Đội trưởng Đội CSĐT Công an huyện Cẩm Khê: Đến nay đã nhận được nhiều đơn tố giác của người dân về việc tố cáo Hà Huy Ngọc (sinh năm 1987) là Chủ tịch HĐQT HTX Ngọc Đăng có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức ký hợp đồng mua bán lươn giống. Tuy nhiên, ông Hân khẳng định, đây là tranh chấp dân sự không có dấu hiệu của tội phạm. 

Bà con nông dân đã đồng loạt gửi đơn tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các cá nhân HTX Ngọc Đăng đến Công an huyện Cẩm Khê (Ảnh: Xuân Hồng).
 Bà con nông dân đã đồng loạt gửi đơn tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các cá nhân HTX Ngọc Đăng đến Công an huyện Cẩm Khê (Ảnh: Xuân Hồng).

Trao đổi với phóng viên về vụ việc này, các chuyên gia pháp lý đều có chung nhận xét: Hành vi của các cá nhân HTX Ngọc Đăng rất tinh vi – đã “đánh lận con đen” giữa hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tranh chấp hợp đồng dân sự.

Cách lý giải của cơ quan Công an đã bộc lộ sự thiếu quan tâm với tình hình an ninh địa phương, làm phương hại đến tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Vì vậy, Cơ quan CSĐT của Công an huyện Cẩm Khê cần xem xét đây là vụ việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản để tiến hành xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Đọc thêm