Nghi án nam thanh niên lừa bán nhà thờ gia đình: Bản án bị kháng nghị vì bỏ lọt nhiều tình tiết

(PLO) - Quỳnh bán nhà cho người khác khiến căn nhà thờ tổ tiên phải chia đôi. Ông Phương kiện đòi nhà, hai cấp tòa bác đơn vì cho rằng không đủ chứng cứ chứng minh ông bị Quỳnh “lừa”. Tuy nhiên, tòa án cấp cao kháng nghị vì tòa hai cấp chưa xem xét chứng cứ. Tòa cấp cao kháng nghị đề nghị hủy hai bản án, xử lại từ đầu.
Căn nhà thờ bị chia đôi làm hai, được chủ mới sơn màu khác

Cháu bán nhà, gia đình rơi vào cảnh tranh chấp 

Như Báo PLVN phản ánh về việc ông Nguyễn Ngọc Phương (SN 1954, ngụ đường Ông Ích Khiêm, phường 10, quận 11, TP HCM) có đơn phản ánh đến các cơ quan chức năng tố cáo hành vi của đứa cháu ruột là Nguyễn Hữu Quỳnh (SN 1983, Quỳnh là con anh trai ông Phương) về việc lợi dụng sự tin tưởng của gia đình đã lừa ông ký vào hợp đồng mua bán căn nhà thờ.

Tháng 11/2010, công an trả lời không khởi tố hình sự Quỳnh về hành vi trộm cắp 4.000 USD trong tủ sắt của cụ Đạt, hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức, gia đình cụ Đạt tiếp tục khiếu nại.

Trong lúc ông Phương chờ cơ quan chức năng giải quyết khiếu nại, năm 2011, Quỳnh bán căn nhà số 52/10A cho Nguyễn Thị Thu Hà và ông Nguyễn Văn Liệu khiến tranh chấp thêm rắc rối. Gia đình cụ Đạt, ông Phương nhiều năm đi đòi công lý, còn Quỳnh bỗng dưng không phải chịu trách nhiệm.

Ông Phương kể: “Từ năm 2009, khi bị phát hiện lừa dối ông bà và gia đình, Quỳnh đã chuyển chỗ ở sang quận 8. Vì sổ đỏ nhà số 51/10A đứng tên Quỳnh nên Quỳnh lén lút bán nhà lúc nào không hay. Chúng tôi không hề hay biết chuyện này. Đến khi bà Hà và ông Liệu đến đòi nhà thì chúng tôi mới ngã ngửa”.

“Khi bà Hà vào đòi chia đôi căn nhà theo đúng sổ đỏ vì cho rằng mua của Quỳnh, vợ chồng tôi quyết giữ lấy. Hai bên có xảy ra xô xát. Phía bà Hà có thuê mấy chục người xông vào đánh nhà tôi. Vụ đánh nhau từng được Công an quận 11 xử lý nhưng lại cho rằng không có hành vi “cố ý gây thương tích” nên không khởi tố. Lần đầu, sau khi ở được 1 tuần, bà Hà dọn đi cho đến khi bản án phúc thẩm do tôi làm nguyên đơn có hiệu lực”, ông Phương nói.

Theo đó, ông Phương khởi kiện ra tòa vụ “Tranh chấp quyền sở hữu nhà, hợp đồng mua bán” mà bị đơn là Nguyễn Hữu Quỳnh. Bà Hà là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Năm 2014, hai cấp tòa sơ thẩm quận 11 và phúc thẩm TP HCM đều tuyên bác đơn của ông Phương. Đồng thời còn buộc ông Phương phải bồi thường cho bà Hà gần 200 triệu đồng thiệt hại vì tòa cho rằng ông Phương không cho bà Hà ở từ khi mua nhà năm 2011 đến năm 2014. Tòa nhận định rằng khi ký hợp đồng mua bán tại Phòng Công chứng số 2 bán nhà số 51/10A cho Quỳnh, thời điểm trên vợ chồng ông Phương bình thường, không mất năng lực hành vi dân sự.  

Bức tường ngăn cách được xây từ năm 2014 khiến nhà thờ bị tách đôi

Kháng nghị vì bỏ lọt nhiều tình tiết  

Không đồng ý với hai bản án, ông Phương làm đơn đề nghị giám đốc thẩm. Ngày 26/6/2017, Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP HCM ra quyết định kháng nghị. Kháng nghị đề nghị Ủy ban Thẩm phán Tòa án Cấp cao tại TP HCM xét xử giám đốc thẩm; hủy 2 bản án sơ thẩm của quận 11 và phúc thẩm của TP HCM, giao hồ sơ về lại tòa án quận 11 xét xử lại.

Kháng nghị nêu: Thứ nhất, ông Phương cung cấp chứng cứ là băng ghi âm chứa nội dung Quỳnh thừa nhận ông Phương, bà Tám không bán nhà cho ông Quỳnh (tức nhà số 51/10A) nhưng hai tòa không xem xét là chưa toàn diện chứng cứ trong hồ sơ vụ án.

Thứ hai, giấy cam kết do Quỳnh viết mà 2 cấp tòa cho rằng không đủ chứng minh nhà số 51/10A là của cụ Đạt và ông Phương đứng tên giùm. Nếu nhà của Quỳnh mua từ ông Phương, tại sao Quỳnh lại xin bán nhà, tòa chưa làm rõ là chưa thỏa đáng? Tòa 2 cấp cũng chưa nêu được việc Quỳnh có thanh toán tiền cho ông Phương sau khi mua bán nhà hay không? Giả dụ, Quỳnh chưa thanh toán tiền thì hợp đồng chưa hoàn tất nhưng Quỳnh mang đi cầm ngân hàng là trái quy định pháp luật.

Thứ ba, thời điểm 25/11/2011, tài sản nhà đất số 51/10A đang bị thế chấp tại ngân hàng Việt Á chi nhánh Tân Bình và đang là đối tượng phải thi hành án theo hợp đồng bảo lãnh thì ông Quỳnh không có quyền chuyển nhượng. Đến ngày 06/12/2011, nhà số 51/10A mới được giải chấp. Việc ông Quỳnh chuyển nhượng căn nhà đang thế chấp là vi phạm pháp luật. Nhưng tòa hai cấp không xem xét tình tiết này gây bất lợi cho ông Phương. Việc tuyên án của hai cấp tòa là chưa đủ cơ sở.

Ngoài ra, theo tìm hiểu hồ sơ của PV, bản án phúc thẩm cho rằng Quỳnh mang căn nhà số 51/10A thế chấp ở Ngân hàng Đông Á, trong khi kháng nghị giám đốc thẩm lại ghi thế chấp ở ngân hàng Việt Á. Như vậy, bản án phúc thẩm có lỗi về nội dung.

Kháng nghị đề nghị hủy án của Tòa án Cấp cao tại TP HCM

Đứa cháu gian dối bị gia đình từ mặt  

Trở lại với hành vi của Quỳnh khi bị cho là lừa dối ông bà, cô chú, ông Phương nói: “Từ khi bản án phúc thẩm của Tòa án TP HCM có hiệu lực, bà Hà cho người vào chiếm nhà, xây bức tường ngăn cách căn nhà bề ngang 8m thành 2 căn riêng biệt. Việc xây tường này từ ngoài ngõ vào hết đất, từ tầng trệt lên đến sân thượng. Gia đình tôi rất đau lòng, nhà thờ tổ tiên, nhà để cha mẹ, anh em về có nơi cư ngụ. Chỉ vì lòng tin với đứa cháu mà nay thành ra thế này”.

Theo ông Phương, từ năm 2009, khi bị phát hiện, Quỳnh và mẹ Quỳnh dọn khỏi nhà số 51/10A đi đâu không rõ. Ông Phương cho rằng Quỳnh là người không cờ bạc, không cá độ và gia đình không rõ Quỳnh làm ăn, kinh doanh gì gây ra nợ nần đến mức lừa dối ông bà nội, gia đình mang toàn bộ tài sản đi cầm cố, vay mượn. Ông Phương nghi ngờ Quỳnh chuyển tài sản của gia đình thành tài sản cá nhân. Vì cứ vay mượn vài tháng, Quỳnh đều không trả lãi khiến ngân hàng vào phát mãi.

 “Cha tôi từ mặt Quỳnh. Ông về Việt Nam, thông báo với toàn bộ gia đình, dòng họ không thừa nhận Quỳnh là cháu trong nhà. Trước kia, cha tôi rất yêu thương Quỳnh, chu cấp tiền cho Quỳnh từ nhỏ, cho ăn học. Quỳnh đòi cái gì cũng được, từ xe máy, điện thoại, máy tính trong khi bạn cùng lứa không có. Tài sản ở Việt Nam là tài sản của cha mẹ và các chị em ở nước ngoài tích góp gửi về mà Quỳnh nỡ nào làm như thế”, ông Phương nói.

Ông Phương mong muốn cơ quan chức năng phải xử lý hành vi lừa dối của Quỳnh, hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức, hành vi trộm 4.000 USD trong tủ sắt của cụ Đạt. Đồng thời xem xét lại bản án, trả nhà lại cho gia đình làm nhà thờ tổ tiên.

Đọc thêm