Nghi án nam thanh niên lừa bán nhà thờ gia đình: Dấu hiệu để lọt tội phạm với hành vi làm giả sổ đỏ

(PLO) - Ông Nguyễn Ngọc Phương (SN 1954, ngụ đường Ông Ích Khiêm, phường 10, quận 11, TP HCM) có đơn phản ánh đến các cơ quan chức năng, tố cáo hành vi của cháu ruột là Nguyễn Hữu Quỳnh (SN 1983, Quỳnh là con  anh trai của ông Phương). Ông Phương cho rằng Quỳnh đã lợi dụng sự tin tưởng của gia đình, lừa chú ký vào hợp đồng mua bán căn nhà thờ, ăn cắp tiền trong két sắt; làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Vợ chồng ông Phương cho rằng mình bị cháu lừa ký vào hợp đồng bán nhà ở Phòng Công chứng số 2

Người “ít học” bị cháu lừa ký giấy bán nhà?

Theo tài liệu và lời khai của ông Phương, căn nhà số 51/10 đường Ông Ích Khiêm nằm trên thửa đất có chiều ngang 12m, dài 37m (nay có 3 số nhà 51/8, 51/10, 51/10A, mỗi nhà có chiều ngang 4m) trước đây là của cụ Nguyễn Hữu Đạt và cụ Nguyễn Thị Thắm (cha mẹ ông Phương).

Năm 1992, cụ Đạt, cụ Thắm xuất cảnh theo diện HO. Gia đình ông Phương và gia đình Quỳnh cùng ở lại, chung sống trong căn nhà 51/10. Đến năm 2003, ông Phương đứng tên mua hóa giá lại nhà và đất và được nhà nước cấp sổ đỏ.

“Mặc dù sổ đỏ do vợ chồng tôi đứng tên, nhưng vợ chồng tôi xác định đây là nhà đất của cha mẹ, chúng tôi chỉ đứng tên giùm. Thứ hai, tiền mua hóa giá lại là tiền của cha mẹ ở nước ngoài gửi về, nên mọi quyết định về thửa đất đều do cha mẹ quyết định, chúng tôi chỉ làm theo”, ông Phương nói.

Trước đó, để có tiền mua hóa giá lại căn nhà, cụ Đạt chấp thuận để  ông Phương bán một phần của chính căn nhà 51/10 (mà sau này là căn nhà số 51/8 bằng giấy tay cho ông Huỳnh Thế Hà và ông Hạp Tiến Hùng). Sau khi hoàn thành sổ đỏ, ông Phương tiến hành ký hợp đồng mua bán công chứng với ông Hà và ông Hùng theo đúng giấy mua bán viết tay trước đó. 

Ông Phương kể: “Vì Quỳnh được cho là học cao hiểu rộng, cha mẹ tôi và gia đình rất tin tưởng, mọi thủ tục mua bán đều nhờ Quỳnh thực hiện. Cháu bảo chúng tôi đi đâu, ký giấy tờ gì, chúng tôi đều tin tưởng ký. Ngày 26/2/2004, Quỳnh đưa chúng tôi đến Phòng Công chứng số 2 (TP HCM) để ký mua bán với ông Hà và ông Hùng. Quỳnh yêu cầu ký nhiều lắm nhưng chúng tôi không đọc, không để ý”.

Ông Phương tố cáo, Quỳnh nói với ông phần đất còn lại, Quỳnh sẽ làm thành hai sổ đỏ với số nhà 51/10 và 51/10A đều đứng tên ông Phương. Nhưng thực tế, Quỳnh đứng tên sổ đỏ nhà số 51/10A, ông Phương đứng tên sổ đỏ nhà số 51/10.

“Vợ chồng tôi không hay biết gì. Năm 2006, cha mẹ và các em góp tiền xây lại căn nhà mới. Ý định là làm nhà thờ và có chỗ cho gia đình ở mỗi khi về Việt Nam. Chúng tôi xây dựng căn nhà rộng 8m, dài 17m, tức là hết phần mặt tiền còn lại. Thủ tục xây dựng nhà cũng do Quỳnh tự đi làm, tôi chỉ việc ký vào giấy tờ Quỳnh đưa”, ông Phương kể.

Đánh tráo sổ đỏ mang thế chấp ngân hàng  

Nhà mới xây xong, gia đình ông Phương và gia đình Quỳnh vẫn cùng sống chung. Năm 2009, ngân hàng đến đòi nợ, ông Phương mới biết cả hai sổ đỏ bị Quỳnh mang đi thế chấp. Quỳnh đóng tiền trả nợ vài tháng rồi bỏ nên ngân hàng đến đòi phát mãi.

“Trước đó, năm 2008, Quỳnh nhờ tôi bảo lãnh cầm sổ đỏ nhà số 51/10 để có vốn làm ăn. Tôi đồng ý ký bảo lãnh. Quỳnh vay 450 triệu ở ngân hàng Đệ Nhất (nay là Ngân hàng Sài Gòn – SCB). Còn sổ đỏ nhà số 51/10A, tôi không biết Quỳnh thế chấp khi nào. Nghe đâu Quỳnh vay 2,8 tỷ đồng ở ngân hàng Việt Á. Tôi chắc chắn rằng khi cho vay, ngân hàng không thẩm định thực tế. Vì nếu thẩm định thực tế thì sẽ biết được sổ đỏ 51/10 và 51/10A tồn tại 1 căn nhà chứ không phải 2. Lúc đó phải thẩm định giá. Và nếu có người xuống thẩm định, định giá tôi sẽ biết việc Quỳnh lừa tôi và gia đình”, ông Phương nói.

Theo ông Phương, trong nhà có phòng của cha mẹ ông và có két sắt đựng giấy tờ, tiền bạc. Do tin tưởng cụ Đạt giao chìa khóa cho Quỳnh giữ. Mỗi năm, cụ Đạt đều về nước kiểm tra và thấy còn sổ đỏ ở trong két sắt. Cụ Đạt không hề hay biết sổ đỏ trong két sắt của cụ là sổ giả. Cụ Đạt lại không để ý tên người đứng trong sổ đỏ mà chỉ kiểm tra còn sổ đỏ trong két sắt hay không rồi giao chìa khóa lại cho cháu.

Khi phát hiện nhà bị cầm cố và cháu lừa mình ký vào giấy bán nhà, cụ Đạt họp gia đình, góp tiền chuộc lại sổ đỏ nhà 51/10. Trong buổi họp, Quỳnh thừa nhận có hành vi lừa chú ký giấy, lừa ông bà nội và gia đình. Những lời thừa nhận này được ông Phương ghi âm gửi cơ quan chức năng. Quỳnh còn viết “bản cam kết” vào ngày 19/06/2009, nói rằng: “Vì làm ăn thua lỗ dẫn đến cầm cố tài sản của gia đình tin tưởng giao cho cháu. Cháu xin ông bà nội, cô chú cho cháu bán nhà số 51/10A để trả nợ. Số tiền còn dư cháu sẽ gửi lại cho ông bà, cô chú”. Việc xin bán nhà này không được gia đình cụ Đạt đồng ý.

Bản “thú tội” của Nguyễn Hữu Quỳnh

Vì sao cơ quan tố tụng không khởi tố?

Nghi vấn sổ đỏ trong két sắt là giả, cụ Đạt và ông Phương đưa đơn tố cáo Quỳnh đến cơ quan công an về hành vi làm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Cơ quan công an tiến hành thu thập 6 sổ đỏ trong két sắt của cụ Đạt đưa đi giám định. Ngoài ra, cụ Đạt còn tố cáo Quỳnh lấy trộm 4.000 USD trong két sắt.

Tháng 11/2010, Công an quận 11 thông báo cho ông Phương việc tố cáo Quỳnh, công an quận và VKS cùng cấp không khởi tố hình sự dù toàn bộ sổ đỏ mà Quỳnh bỏ vào tủ sắt cụ Đạt là sổ giả. “Quỳnh nói rằng làm giả để lưu trữ chứ không lừa dối ai nên không đủ yếu tố cấu thành tội phạm”, cơ quan tố tụng nhận định. Với số tiền 4.000 USD mà cụ Đạt tố cáo Quỳnh lấy trộm, Quỳnh khai rằng do cụ Đạt trực tiếp đưa cho để làm ăn chứ không trộm. Cụ Đạt khi đó đang ở nước ngoài, không làm việc được, công an cho rằng đây là quan hệ dân sự.

Ông Phương không đồng ý với kết luận trên: “Thứ nhất, Quỳnh lừa tôi ký mua bán nhà đất. Thứ hai, sổ đỏ làm giả để đánh tráo sổ thật mang đi vay ngân hàng. Sổ đỏ giả để che mắt mọi người, có nghĩa là có hành vi gian dối. Hơn nữa cha tôi có văn bản, được cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Hoa Kỳ chứng thực chữ ký, trong đó cha tôi khẳng định không hề đưa tiền cho Quỳnh. Tiền để trong két sắt bị Quỳnh lấy trộm”.

Không đồng ý với kết luận của công an, cụ Đạt và ông Phương khiếu nại. Trong thời gian chờ giải quyết, Quỳnh… bán nhà số 51/10A cho người khác. 

Mời bạn đọc xem tiếp kỳ sau.

Ngoài việc tố cáo Quỳnh “lừa” ký vào hợp đồng mua bán nhà số 51/10A đường Ông Ích Khiêm, ông Phương còn có đơn gửi đến công an huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, tố cáo Quỳnh hành vi làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức và lén lút, tự ý mang tài sản của người khác đi cầm cố ở ngoài xã hội.

Ông Phương trình bày: “Cha mẹ chị em tôi có gửi tiền từ nước ngoài về cho tôi mua đất ở xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch. Tôi đứng tên 1 sổ đỏ, bà Nguyễn Thị Thơm đứng tên 2, Quỳnh đứng tên 2. Sau khi nhận sổ đỏ, Quỳnh làm giả 3 sổ đỏ gửi cho cha mẹ tôi. Còn bản chính, Quỳnh mang đi cầm cố lấy 60 triệu đồng và buộc đưa 230 triệu đồng mới sang hai sổ mà Quỳnh đứng tên giùm. Hành vi này đã cấu thành tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, đến nay, không có cơ quan nào xử lý”.

Đọc thêm