Nghi án nông dân trắng tay vì phân rởm

(PLO) -Ông Nguyễn Văn Út (SN 1977, ngụ ấp 5, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) cho rằng do dùng phải phân bón rởm nên 200 gốc tiêu của ông bị chết sạch. Loại phân bón “nghi phạm” là phân DAP 46% của Công ty TNHH sản xuất phân bón Hưng Long (Cty Hưng Long). 
Ông Út cho rằng vườn tiêu của ông mất trắng do phân bón kém chất lượng
Ông Út cho rằng vườn tiêu của ông mất trắng do phân bón kém chất lượng

“Cha con tôi cực khổ, đổ công sức ngày đêm vào vườn tiêu nhưng giờ tan hoang hết. Tức quá, hơn cả tháng nay, tôi không cho con vào làm nữa. Căn nhà ở trong vườn bỏ luôn. Tôi có 5 đứa con, làm ăn bấy lâu mới có được 1,8ha điều.

Định trồng tiêu kiếm thêm thu nhập nhưng công sức 4 năm qua của cha con tôi đổ xuống sông, xuống biển hết. Tiêu chuẩn bị vào tuổi thu hoạch nhưng giờ chết sạch. Chưa ai lên tiếng bênh vực chúng tôi và chưa ai lên tiếng làm rõ sự việc”, ông Út chia sẻ.

Trên bao bì, Cty Hưng Long có trụ sở chính ở số 1041/62/25 Trần Xuân Soạn, phường Tân Hưng, quận 7, TP. HCM và nhà máy sản xuất ở ấp 5, xã Phú An, huyện Cai Lậy, Tiền Giang.

Vườn tiêu chết bất thường

Theo ông Út, ông có 1,8ha điều, bốn năm qua, những gốc điều được ông sử dụng để trồng tiêu. “Những lần bón phân, tôi đều mua ở đại lý Nga Chủng của ông Lê Văn Chủng tại ấp 4. Vào ngày 15/9/2016, tôi mua ở đại lý này 4 bao Ure, 3 bao Kali và 1 bao DAP 46% loại 50 kg. Bao DAP 46% có giá 720.000 đồng. Đây là lần đầu tôi sử dụng DAP 46% để bón cho tiêu. Kali và Ure tôi sử dụng bón cho điều”.

Sau khi mua về, ông Út kết hợp 1 chén (loại chén ăn cơm) DAP 46% với 3 chén Humix thiên sinh bón cho 1 gốc tiêu. Bón 200 gốc tiêu, ông Út còn thừa lại 8 kg. “Bón phân được 3 ngày, tôi thấy hiện tượng lạ, gốc tiêu đen dần, lá héo vàng và rụng sạch.

Những ngày sau đó, tiêu rụi dần và dẫn đến tình trạng chết. Những gốc tiêu nào tốt, trụ được thì cũng cằn đi, không phát triển được. Chỉ trong vòng vài tuần, 200 gốc tiêu chết gần như sạch”, ông Út nói.

Ông Út cho biết, trước khi bón phân, tiêu của ông thuộc loại tốt nhất ở trong vùng vì được chăm sóc kỹ, đúng cách. Với số tiền đầu tư trong suốt 4 năm qua khoảng 300 triệu đồng. Nếu tiêu không xảy ra chết, vụ này, ông Út thu được chừng 300 kg tiêu bói. Với giá 120.000 đồng/kg, ông Út thu lợi khoảng 36 triệu đồng. Nhưng đến nay, cả vườn tiêu không còn, gây thiệt hại rất lớn.

Theo dõi tình hình gốc tiêu và cố gắng phục hồi nhưng không ngăn được tình trạng rụi chết, tháng 11/2016, ông Út làm đơn trình báo đến Phòng kinh tế của công an huyện Xuân Lộc với nghi vấn phân bón DAP 46% mà ông mua là giả. Ngay khi ông Út trình báo, Công an huyện Xuân Lộc cho người đến điều tra, làm rõ sự việc.

Ông Út kể: “Công an đến đại lý Nga Chủng tiến hành niêm phong, lấy mẫu phân DAP 46% đi giám định. Tuy nhiên, vì muốn sự việc khách quan, tôi yêu cầu công an vào nhà tôi lấy mẫu DAP 46% mà tôi đã sử dụng bón cho tiêu còn lại 8kg để đối chứng khi giám định.

Nhưng công an không chấp nhận. Tôi không biết, những bao phân bón, lấy mẫu kiểm định ở đại lý Nga Chủng có trùng ngày nhập hàng, trùng lô, trùng ngày sản xuất hay không”.

Việc lấy mẫu kiểm định theo đơn của ông Út từ giữa tháng 11/2016, đến nay cơ quan công an huyện Xuân Lộc vẫn chưa có câu trả lời. Ông Út không hề biết phân bón giả hay thật, chất lượng thế nào. Và vì sao tiêu mình bị chết hàng loạt như vậy.

Ngày 22/11/2016, Cty Hưng Long, ông Chủng và ông Út có mặt tại vườn tiêu bị chết để khảo sát tình hình thực tế. Tại biên bản được lập, ông Chủng cho biết đã bán loại phân DAP 46% cho nhiều người khác, trong đó có hộ tên Phú 4 bao nhưng chưa nghe phản ánh tiêu chết như của ông Út. Ông Chủng đề nghị giám định mẫu phân, đồng thời giám định mẫu đất, mẫu tiêu của ông Út để tìm nguyên nhân.

Trong biên bản, phía Cty Hưng Long, đại diện là ông Nguyễn Văn Phê, giám đốc sản xuất cho rằng thời điểm tiêu của ông Út chết trùng hợp với dịch bệnh chết nhanh, chết chậm bùng phát. Bệnh này xuất hiện chủ yếu vào mùa mưa. Ông Phê cho rằng qua xem xét nhận thấy vườn tiêu nhà ông Út bị bệnh chết nhanh, chết chậm.

Ông Út cung cấp bao phân đã mua mà ông sử dụng còn lại 8 kg. Trên bao bì ghi rõ ngày sản xuất là 24/7/2016, hạn sử dụng 2 năm. Phân bón DAP 46% sử dụng nguyên liệu ngoại nhập.

Ông Út khẳng định, chỉ một vườn tiêu 200 gốc nhà ông bị chết, xung quanh không có vườn tiêu nào biểu hiện như thế. Ông Út nói: “Nếu là dịch bệnh, tại sao chỉ mình nhà tôi bị, xung quanh đây, sát vườn tôi có nhiều vườn khác, họ có bị làm sao đâu. Vườn tiêu nhà tôi bị chết là do phân bón. Tôi nghi ngờ đó là phân giả”.

Ông Út đang chờ công an có kết luận giám định về loại phân bón ông sử dụng
Ông Út đang chờ công an có kết luận giám định về loại phân bón ông sử dụng

Chủ đại lý phân bón nói gì?

Trao đổi với PV, ông Chủng, chủ đại lý phân bón Nga Chủng cho biết: “Loại phân bón DAP 46%, tôi lấy của Cty Hưng Long 20 bao. Tôi bán cho ông Út 1 bao và cho người khác. Trong kho còn lại 16 bao. Sau khi có phản ánh của ông Út, đội quản lý thị trường, công an kinh tế đã xuống niêm phong 16 bao phân DAP 46%, lấy mẫu đi xét nghiệm.

Tôi khẳng định, mẫu lấy đi từ 16 bao trên là trùng ngày, trùng lô sản xuất với bao phân tôi đã bán cho ông Út. Còn chuyện tại sao người ta không lấy mẫu phân còn lại ở nhà ông Út để đối chứng thì tôi không biết. Đó không phải nhiệm vụ của tôi”.

Ông Chủng cho biết quản lý thị trường sau khi xét nghiệm đã thông báo là 16 bao phân DAP 46% trong kho của ông là đúng chất lượng và có văn bản cho bỏ niêm phong, xuất bán. Ông Chủng đã bán hết 16 bao sau khi có văn bản nói trên. Ông Chủng khẳng định, trong vòng 2 tháng, từ ngày 15/9/2016 đến giữa tháng 11/2016, ông chỉ bán được 4 bao phân DAP 46%, trong đó có một bao cho ông Út.

Tuy nhiên, đối chứng với biên bản được lập ngày 22/11/2016, ông Chủng khai rằng bán cho ông Út 1 bao, bán cho một người tên Phú 4 bao và nhiều người khác. Như vậy, trong kho ông Chủng không thể còn 16 bao hoặc 16 bao trên không phải cùng lô, cùng ngày sản xuất với bao phân của ông Út mua. Hiện nay, 16 bao phân bón DAP 46% được cho là lấy mẫu đi xét nghiệm đã bị bán đi. Chứng từ về lô hàng, ngày sản xuất, ngày nhập, ông Chủng nói không còn giữ mà đã cung cấp cho cơ quan chức năng.

Liên lạc qua điện thoại với ông Nguyễn Văn Phê, người được ghi trong biên bản ngày 22/11/2016 là giám đốc sản xuất. Ông Phê cho biết đã đến hiện trường và vườn tiêu của ông Út chết là do bệnh chết nhanh chết chậm, không phải do phân bón. “Phía cơ quan chức năng đã có văn bản với chủ đại lý và giải quyết sự việc” ông Phê nói. 

Khi PV đặt câu hỏi, ông Phê cho biết không biết là ai nên có gì cứ đến công ty để gặp trực tiếp. PV hỏi có phải địa chỉ trụ sở chính trên bao bì tại quận 7, TP. HCM là nơi làm việc của ban lãnh đạo Cty Hưng Long hay không? Ông Phê trả lời đúng.

Tuy nhiên, khi PV tìm đến địa chỉ 1041/62/25, đường Trần Xuân Soạn, phường Tân Hưng, quận 7 thì tại đây chỉ có một bảng hiệu sơ sài dán lên tường nhà số 1041/62/35. Còn căn nhà /25 nằm ở sâu trong hẻm.

Một người đàn ông tự xưng là chủ căn nhà /25 nói: “Đúng là địa chỉ Cty Hưng Long nhưng là đứa em vợ mượn nhà tôi để đăng ký công ty, giao nhận giấy tờ, không có ai làm việc ở đây cả. Cty Hưng Long nằm ở Tiền Giang, còn ở đây để bảng hiệu cho có vậy thôi. Giám đốc công ty là em vợ tôi”, người đàn ông nói.

Người đàn ông yêu cầu PV liên hệ lại với Cty Hưng Long, tuy nhiên, khi PV gọi cho ông Phê thì ông không bắt máy. 

Đọc thêm