Nghi án phân bón “rởm” có dấu hiệu oan sai: Tập thể quyết định, cá nhân chịu tội?

(PLO) - Những người bị buộc tội cho rằng việc đưa đi giám định lần 3 là ý kiến của 3 người và tập thể Đoàn kiểm tra. Vậy cơ sở nào nói ông Phương là người “quyết định” đưa đi giám định lần 3 để dẫn tới kết luận ông Phương “lợi dụng chức vụ, quyền hạn”?.
Ông Phương cho rằng mình không lợi dụng chức vụ, quyền hạn như Cơ quan ANĐT cáo buộc
Ông Phương cho rằng mình không lợi dụng chức vụ, quyền hạn như Cơ quan ANĐT cáo buộc

Báo PLVN đã có nhiều bài viết phản ánh về những dấu hiệu oan sai trong vụ án nghi án phân bón “rởm” ở Sóc Trăng từng gây xôn xao dự luận. Hai cá nhân bị cáo buộc tội “Lợi dụng chức, vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là ông Châu Hoài Phương (SN 1978, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) thuộc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng) và ông Ung Văn Thanh (Kiểm soát viên Đội QLTT số 7) tiếp tục có đơn kêu oan và yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng nhưng không được chấp nhận.

Yêu cầu thay đổi điều tra viên

Trong đơn gửi các cơ quan chức năng, ông Phương và ông Thanh đề nghị thay đổi những người tiến hành tố tụng ở Cơ quan ANĐT vì đã không vô tư, khách quan khi làm nhiệm vụ, ông Phương nói: “Ngay sau khi có quyết định tạm đình chỉ vụ án chờ kết luận giám định bổ sung. Cơ quan ANĐT đã có những trả lời với báo chí mang tính kết án, quyết tâm kết tội chúng tôi”.

Ông Phương còn cho rằng, những người tiến hành tố tụng cố ý vi phạm Thông tư số 26 khi cho đi kiểm nghiệm mẩu lần 3. Thông tư này chỉ áp dụng đối với người bán hàng, chứ không áp dụng với người sản xuất hàng hóa: “Khi thực thi công vụ, người thi hành còn phải áp dụng các quy định khác của pháp luật, ở trường hợp này Đoàn kiểm tra đã áp dụng khoản 6 điều 9 và khoản 13 điều 10 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa để chấp nhận việc khiếu nại của người sản xuất. Nhưng người tiến hành tố tụng lại có quan điểm sai lầm khi cho rằng chỉ có điểm d khoản 2 điều 9 Thông tư số 26 để xử lý mà họ không xem xét đến quyền lợi, nghĩa vụ của người sản xuất hàng hóa, rồi từ đó quy chụp, áp đặt tôi vi phạm pháp luật và tiến hành khởi tố bắt giam tôi một cách oan ức”, ông Phương nói tiếp.

Còn ông Thanh cho rằng, bản thân không có chức vụ, quyền hạn gì trong Đoàn kiểm tra. Sau khi có biên bản, ý kiến của cả Đoàn kiểm tra về việc đưa đi giám định phân bón lần 3 và yêu cầu ông đi lấy mẫu thì ông thực hiện. Ông Thanh nói mình không phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

“Ngoài ra, 2 văn bản của Bộ Công Thương trả lời cho Cơ quan ANĐT có nội dung chứa đựng những chứng cứ gỡ tội, chứng minh những phiếu kiểm nghiệm của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Vùng Nam Bộ phát hành ngày 27/06/2016 là có giá trị pháp lý, nên phân bón này là phân bón thật. Lẽ ra, khi nhận được những công văn này những người tiến hành tố tụng phải đưa vào hồ sơ vụ án để làm căn cứ không khởi tố vụ án hình sự. Thế nhưng, họ đã phớt lờ nội dung trả lời của Bộ Công Thương...”. Do đó, ông Phương và ông Thanh đề nghị thay đổi những người tiến hành điều tra vụ án. Tuy nhiên, yêu cầu này không được chấp nhận.

Ông Thanh chỉ là thành viên lấy mẫu phân bón, không có chức vụ trong Đoàn kiểm tra nhưng vẫn bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”
Ông Thanh chỉ là thành viên lấy mẫu phân bón, không có chức vụ trong Đoàn kiểm tra nhưng vẫn bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”

Muốn kết tội, Cơ quan ANĐT phải làm rõ nhiều vấn đề?

Kết luận điều tra của Cơ quan ANĐT tỉnh Sóc Trăng và cáo trạng của VKSND TP Sóc Trăng luôn cáo buộc ông Phương “lợi dụng chức vụ” đưa phân bón đi giám định lần thứ 3 là trái quy định. Tuy nhiên, hồ sơ, chứng cứ cho thấy trong biên bản họp Đoàn kiểm tra vào ngày 13/06/2016, ông Trương Minh Trí (Đội trưởng đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế chức vụ Công an tỉnh Sóc Trăng) là người nêu ra ý kiến cho đi thử nghiệm phân bón lần 3. Ông Võ Minh Thiên (Phó Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng) và ông Phương chỉ đồng ý với ý kiến của ông Trí.

Do đó, những người bị buộc tội cho rằng việc đưa đi giám định lần 3 là ý kiến của 3 người và tập thể Đoàn kiểm tra. Vậy cơ sở nào nói ông Phương là người “quyết định” đưa đi giám định lần 3 để dẫn tới kết luận ông Phương “lợi dụng chức vụ, quyền hạn”?. Một số ý kiến luật sư cho rằng nếu muốn kết tội ông Phương trong trường hợp này, Cơ quan ANĐT phải chứng minh được ông Phương dùng quyền lực là Trưởng đoàn kiểm tra để áp đặt cho các thành viên khác phải thực hiện theo ý chí của ông Phương.

Thứ hai, việc đưa đi giám định lần thứ 3 là áp dụng khoản 6 điều 9 và khoản 13 điều 10 Luật Chất lượng hàng hóa theo như lý giải của ông Phương có đúng hay không? Ông này đề nghị Cơ quan ANĐT cần phải giải thích, chứng minh việc lý giải của ông Phương là sai thì mới có thể áp dụng Thông tư 26 của Bộ Khoa học và Công nghệ kết tội việc đưa đi giám định lần 3 của Đoàn kiểm tra là sai. 

Ngoài ra, theo hồ sơ, ngày 28/06/2016, Trung tâm Khảo kiểm nghiệm vùng Nam Bộ mới nhận được Quyết định 2644 về việc thu hồi chức năng kiểm nghiệm của Trung tâm. Ngày 27/06/2016, kết quả giám định lần 3 đã được Trung tâm này gửi cho ông Phương. Cơ quan ANĐT chưa có chứng cứ chứng minh ông Phương biết Trung tâm bị thu hồi chức năng kiểm nghiệm mà vẫn đưa đi đánh giá chất lượng phân bón dẫn đến tháo bỏ niêm phong, giải phóng phân bón.

Về việc kết quả phân tích của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm vùng Nam Bộ có được chấp nhận hay không? Bộ Công Thương đã có 2 văn bản trả lời Cơ quan ANĐT rằng ngày 28/06/2016, Trung tâm này mới nhận được Quyết định 2644. Quyết định 2644 có hiệu lực từ ngày Trung tâm nhận được chứ không phải từ ngày ban hành quyết định như cáo buộc của Cơ quan ANĐT. Vì thế, theo lời ông Phương, kết quả phân tích ban hành 27/06/2016 vẫn được coi hợp lệ.

Còn phía Cơ quan ANĐT cho rằng 2 văn bản trả lời của Bộ Công Thương là trái luật nên không đưa vào hồ sơ vụ án. Nhưng quá trình điều tra, Cơ quan ANĐT có đủ thẩm quyền nhận định những văn bản nào là trái luật hay không? Thẩm quyền xem xét đó thuộc về tòa án, thuộc về Hội đồng xét xử.

Những người kêu oan cũng đặt câu hỏi Cơ quan ANĐT nói rằng có kết quả giám định lần 2 thì Đoàn kiểm tra phải xử phạt? Vậy xử phạt ai? Trong khi đó, Tập đoàn Con Cò Vàng thừa nhận phân bón nghi là giả tại Doanh nghiệp Hồ Mỹ Nhiên là của họ. Nếu nhà sản xuất có đơn khiếu nại gửi đến Đoàn kiểm tra trước khi Đoàn ra kết luận thì thẩm quyền giải quyết thuộc về cơ quan nào?

Mặt khác trong quá trình điều tra, Cơ quan ANĐT có thu giữ được 2 bao phân bón nhưng không dùng 2 bao phân bón này để đi kiểm nghiệm độc lập, đưa ra kết luận phân bón có đạt chất lượng hay không mà sử dụng các phiếu kiểm nghiệm lần 1, 2 để đánh giá phân bón và đưa ra cáo buộc cho ông Phương có hợp lý hay không? Đặc biệt trong trường hợp này, kết quả giám định lần 1, 2 và lần 3 mâu thuẫn với nhau và những kết quả này đang bị khiếu nại, tố cáo?

Những vấn đề nêu trên, PV Báo PLVN đã gửi đến Cơ quan ANĐT và nhận được những câu trả lời.

Báo PLVN sẽ thông tin ở bài sau để rộng đường dư luận.

Đọc thêm