Nghi án thông đồng dìm giá khu đất ngàn tỷ tại Côn Đảo: Bài 3 - Người đứng sau “điều phối” chuyển khoản lòng vòng 260 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Như PLVN đã phản ánh, cuộc đấu giá khu “đất vàng” 8ha ven biển Côn Đảo đã diễn ra với rất nhiều bất thường, có dấu hiệu thông đồng dìm giá, “quân xanh, quân đỏ” khi “bà chủ” Trần Ngọc Bích (người đại diện Cty Tân Hiệp Phát - THP) và bà Võ Thị Khánh Chi (Trưởng phòng Đầu tư khối bất động sản THP) “đấu” với nhau. UBND Bà Rịa - Vũng Tàu sau đó quyết liệt chỉ đạo vào cuộc làm rõ sự việc.
Nghi án thông đồng dìm giá khu đất ngàn tỷ tại Côn Đảo: Bài 3 - Người đứng sau “điều phối” chuyển khoản lòng vòng 260 tỷ đồng

Bà Bích, bà Chi “tiềm lực tài chính” cỡ nào?

Ngày 26/2/2020, Sở TN&MT có tờ trình đề nghị UBND tỉnh BR-VT phê duyệt kết quả trúng đấu giá. Dư luận xôn xao. Ngày 12/3/2020, UBND tỉnh có Văn bản 2209/UBND-VP giao các sở, ngành “rà soát, thống nhất phương án xử lý, tham mưu tỉnh giải quyết”.

Ngày 20/4/2020, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh có báo cáo gửi UBND tỉnh, cho rằng qua phối hợp làm việc, các sở, ngành đều “thống nhất việc đấu giá là đúng trình tự thủ tục, phù hợp quy định”. Ý kiến tham mưu trên không được đồng ý. Tỉnh có Công văn 4403/UBND-VP ngày 5/5/2020, giao sở, ngành phối hợp rà soát lại.

Ngày 21/10/2020, Sở TN&MT có báo cáo nêu rõ, “cần xem xét lại mối quan hệ nhân thân của người tham gia đấu giá” và dấu hiệu “thông đồng, móc nối dìm giá”. Ngày 16/11/2020, UBND tỉnh có Văn bản 12670/UBND-VP giao công an (CA) tỉnh rà soát, thẩm tra.

Mới đây, ngày 2/6/2021, trong Văn bản 483/CSKT, CA tỉnh khẳng định sự việc này vẫn đang được xác minh.

Tới đây, xuất hiện một ý kiến băn khoăn rằng chỉ khi bà Chi, bà Bích có thỏa thuận dàn xếp trước với nhau, hoặc được người khác chỉ đạo sắp xếp thì mới vi phạm. Nếu thực sự bà Bích, bà Chi có tiền túi, có năng lực đầu tư thì vẫn có thể tham gia đấu giá cùng nhau?

Vậy với mức lương 48 triệu đồng/tháng, bà Chi còn có những “nguồn lực” gì mà có số dư 245 tỷ đồng trong tài khoản PVComBank Sài Gòn, “xoay” được 107 tỷ đồng “ký quỹ” cho Cty Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT)? Chỉ là một trưởng phòng, mới làm việc tại THP từ năm 2018 tới nay, bà Chi còn có những “uy lực” nào mà PVComBank Sài Gòn “cam kết cho vay” số tiền khổng lồ gần ngàn tỷ?

Sự thật, theo nguồn tin và những tài liệu PLVN thu thập được, “số dư 260 tỷ”, “245 tỷ”, số tiền “ký quỹ” 107 tỷ đều không phải tiền của bà Bích, bà Chi. Hai người này hoàn toàn không đáp ứng được điều kiện “có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án ít nhất là 20% tổng mức đầu tư”.

Về bản “cam kết cấp tín dụng 1.050 tỷ” và “cam kết cho vay 990 tỷ”, chỉ cần bà Bích, bà Chi nộp bản Quy chế đấu giá và Thông báo đấu giá, PVComBank Sài Gòn đã cấp cho các giấy này. Đây không phải là giấy tờ chứng minh năng lực tài chính và khả năng huy động vốn. Như vậy, bà Bích, bà Chi không đáp ứng được điều kiện “có giấy xác nhận bảo đảm của ngân hàng cho vay 80% còn lại để thực hiện dự án”.

Những ai đứng sau “điều phối” bà Bích, bà Chi?

Theo nguồn tin và những tài liệu PLVN thu thập được, nhóm người của THP đã “ảo thuật” khi dùng một khoản tiền chuyển lòng vòng qua lại nhằm “chứng minh khả năng tài chính” bà Bích, bà Chi.

Sáng 18/12/2019, bà Trần Uyên Phương (con gái ông Trần Quí Thanh, chị bà Bích) chuyển 260 tỷ đồng đến tài khoản bà Bích.

Sau khi lấy xác nhận số dư để “chứng minh khả năng tài chính”, bà Bích chuyển số tiền này cho cha. Ông Thanh sau đó chuyển khoản 245 tỷ đồng cho bà Chi để bà Chi lấy xác nhận số dư “chứng minh khả năng tài chính”; rồi bà Chi chuyển ngược lại cho bà Phương là người gửi tiền ban đầu. Tất cả diễn ra trong cùng ngày 18/12/2019, hoàn tất khâu biến bà Bích, bà Chi thành “đại gia”.

Về khoản tiền “ký quỹ” 107 tỷ mỗi người, do bà Phương chuyển cho bà Bích và bà Chi vào sáng 24/12/2019; để bà Bích, bà Chi chuyển khoản “ký quỹ” cho Cty BR-VT.

Ngày 26/12/2019, sau khi “đấu” thua bà Bích, Cty BR-VT chuyển trả tiền “ký quỹ”, lập tức bà Chi chuyển lại toàn bộ 107 tỷ đồng cho bà Phương.

Tất cả các giao dịch trên đều thực hiện thông qua các số tài khoản ông Thanh, bà Phương, bà Bích, bà Chi tại PVComBank Sài Gòn.

Để chứng minh các giao dịch trên, với CQĐT là điều không khó. Với giao dịch hàng trăm tỷ đồng, ngân hàng nào cũng phải lưu giữ mọi thông tin về người gửi người nhận, dễ dàng truy vết.

Ở thời điểm ngày 18/12/2019, theo “thẩm định” của “Hội đồng thẩm định” BR-VT, bà Bích có số dư tài khoản 260.121.325.184 VNĐ. Như vậy, trước khi được chị gái chuyển khoản “gửi tạm” 260 tỷ ít tiếng đồng hồ thì thực sự bà Bích chỉ có số tiền 121 triệu đồng.

Về phía bà Chi, theo “thẩm định” của “Hội đồng thẩm định” BR-VT, có số dư tài khoản 245 tỷ VNĐ. Như vậy, trước khi được ông Thanh chuyển khoản “gửi tạm” 245 tỷ ít tiếng đồng hồ thì bà Chi không có đồng nào? Đây là điều bất thường cơ quan chức năng cần làm rõ, vì theo quy định của PVComBank, số dư tối thiểu trong tài khoản cá nhân là 50 ngàn đồng? Phải chăng giấy xác nhận số dư tài khoản có vấn đề?

Như vậy, trong sự việc trên, đã có những dấu hiệu cho thấy các đối tượng trong “Tập đoàn THP” đã có những hành vi thông đồng móc nối để có có bộ hồ sơ “siêu thực” tham gia đấu giá và chiêu trò dìm giá tài sản Nhà nước là khu đất gần 8ha.

Một LS thuộc Đoàn LS TP HCM nhận xét, sự việc đã có dấu hiệu vi phạm khoản 2 Điều 218 BLHS, tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản (ĐGTS): Người nào thông đồng, dìm giá trong hoạt động bán ĐGTS, thu lợi bất chính 30-200 triệu hoặc gây thiệt hại cho người khác 50-300 triệu thì bị phạt tù đến 2 năm.

Giải thích yếu tố “gây thiệt hại” trong điều luật, LS cho biết bên bị thiệt hại là bên có tài sản đấu giá (trong vụ này là UBND tỉnh BR-VT), thiệt hại là số tiền tỉnh đã chi phí cho công tác đấu giá, là thiệt hại vì khu đất phải để lãng phí “nằm không” suốt nhiều tháng qua...

Đang bị CA xác minh, vẫn tiếp tục “quân xanh, quân đỏ”

CA BR-VT đã vào cuộc tiến hành xác minh. Dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương mong muốn sự việc được sớm làm rõ và kiến nghị CA BR-VT khởi tố vụ án theo Điều 218 BLHS để điều tra, làm rõ, xử lý; sung công số tiền 107.425.800.000 đồng “ký quỹ” của đối tượng sai phạm theo quy định pháp luật.

Thế nhưng, điều gây bức xúc dư luận và những nhà đầu tư chân chính là dù đang bị CA BR-VT xác minh, nhóm người “Tập đoàn THP” vẫn tiếp tục dùng phương thức tại cuộc đấu giá khu đất 8ha Côn Đảo để đi “đấu giá” tại các địa phương khác.

Đầu tháng 5/2021, khi Bình Phước đấu giá QSDĐ khu dân cư Phú Thịnh (phường Tân Phú, TP Đồng Xoài, rộng 79.840m2 gồm 76 lô và 11 cụm, giá khởi điểm 673 tỷ), bà Bích và cấp dưới Phạm Phú Quốc (SN 1980, HKTT Phạm Văn Chiêu, phường 12, quận Gò Vấp, TP HCM; Trưởng phòng Động lực khối sản xuất THP; còn là người đứng tên Cty CP Cảng Quốc tế Sao Biển cho gia đình ông Thanh tại BR-VT) lại cùng đăng ký tham gia, dù việc hai người thuộc một tổ chức cùng tham gia cuộc đấu giá là phạm luật và Quy chế cuộc đấu giá.

Tại cuộc đấu giá diễn ra trong 3 ngày (từ 7/5 - 9/5/2021), ông Quí Thanh đi cùng bác sĩ riêng, đại diện cho bà Bích, đi “đấu”. Ông Thanh đã “trúng đấu giá” 10/11 cụm, 54/76 lô riêng lẻ. Ông Quốc đặt trước 101 tỷ “ký quỹ” nhưng không đấu trúng lô nào.

Trong tháng 5 và 6/2021, Phú Yên tổ chức hàng loạt cuộc đấu giá. Ông Trần Quí Thanh và Nguyễn Hữu Thanh (SN 1968, HKTT Ngô Gia Tự, phường 2, quận 10, TP HCM, Trưởng phòng Quản lý Xây dựng, khối sản xuất của THP, đã làm việc cho ông Quí Thanh hàng chục năm) cùng đăng ký tham gia “đấu” với nhau.

Tại cuộc đấu giá khu đất thuộc khu dân cư phía Đông, đường Hùng Vương (TP Tuy Hòa), giá khởi điểm hơn 108 tỷ, có 11 lô ông Quí Thanh và Hữu Thanh “đấu” với nhau. Tất cả 11 lô đều trả giá 1 vòng và ông Quí Thanh trúng đấu giá tất cả, ông Hữu Thanh không đấu trúng lô nào.

Hàng loạt cuộc “đấu giá” bất thường do người của THP thực hiện diễn ra ngay khi Thủ tướng vừa có Chỉ thị 40/CT-TTg tăng cường công tác quản lý nhà nước với hoạt động ĐGTS. Theo Chỉ thị, hoạt động ĐGTS còn tồn tại, hạn chế, yếu kém như: Lựa chọn tổ chức ĐGTS chưa khách quan, còn trường hợp lựa chọn các tổ chức ĐGTS “sân sau”; việc giám sát quá trình tổ chức đấu giá ở một số nơi chưa thường xuyên, biểu hiện buông lỏng; hiện tượng thông đồng, dìm giá... thất thoát tài sản Nhà nước.

Mới đây, cùng thời điểm CA BR-VT có văn bản khẳng định đơn vị này vẫn đang xác minh nghi án vi phạm trong đấu giá khu đất 8ha Côn Đảo; CA Bình Phước cũng chuyển hồ sơ tố cáo nhóm người THP vi phạm khi đấu giá đất tại Bình Phước đến PC03 CA Bình Phước xem xét giải quyết.

PLVN sẽ tiếp tục phản ánh trong các số báo sau.

Xu hướng vi phạm trong đấu giá ngày càng phức tạp

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp công bố mới đây, nếu địa phương nào có sự quản lý, giám sát chặt chẽ của người có tài sản; sự vào cuộc, xử lý quyết liệt, kịp thời của cơ quan nhà nước thì tình trạng thông đồng, dìm giá, gây thất thoát tài sản nhà nước được hạn chế tối đa.

Việc lựa chọn tổ chức đấu giá còn chưa khách quan, tình trạng “sân sau” còn phổ biến; việc giám sát quá trình tổ chức đấu giá không thường xuyên, thậm chí buông lỏng; chưa kịp thời phát hiện xử lý vi phạm, còn tình trạng móc nối trục lợi, gây thất thoát tài sản Nhà nước.

Giá khởi điểm của tài sản đấu giá có trường hợp bị định giá chưa sát với giá thị trường, đặc biệt là giá đất, dẫn đến tình trạng có những người không có nhu cầu vẫn tham gia đấu giá để đầu cơ, trục lợi.

Một số tổ chức đấu giá vi phạm trình tự, thủ tục; còn tình trạng bao che, “thông đồng, dìm giá”, “quân xanh, quân đỏ” giữa người tham gia đấu giá, người có tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá.

Tài sản đấu giá ở Việt Nam hầu hết là tài sản công (đấu giá QSDĐ chiếm hơn 90%), dễ dẫn đến nguy cơ trục lợi.

Tình trạng “thông đồng, dìm giá”, “quân xanh, quân đỏ” xảy ra khá tinh vi, xu hướng ngày càng phức tạp nên quá trình thanh, kiểm tra thông thường rất khó phát hiện, xử lý nếu không có sự vào cuộc của CA với biện pháp nghiệp vụ chuyên ngành.

Cần xem xét trách nhiệm PVComBank chi nhánh Sài Gòn

Trong nghi án thông đồng đấu giá này, theo nhiều chuyên gia, cũng cần phải xem xét đến trách nhiệm của PVComBank chi nhánh Sài Gòn. Ngân hàng này đã tùy tiện cấp các giấy tờ “chứng minh tài chính” cho các cá nhân không đúng quy định pháp luật về bảo lãnh ngân hàng. Các đối tượng dễ dãi được cấp các loại giấy tờ “trời ơi” này có thể lợi dụng phục vụ vào các mục đích xấu, “qua mặt” cơ quan chức năng.

Đọc thêm