Nghi án “xâm phạm chỗ ở” nhiều năm chưa bị xử lý

(PLVN) -  Mua nhà trúng đấu giá của ngân hàng, về ở được vài hôm thì chủ nhà bị một nhóm người lạ đến đe dọa khủng bố rồi phá cửa chiếm giữ. Sự việc đã được trình báo ngay với Công an quận Hà Đông (Hà Nội), nhưng từ năm 2018 đến nay vẫn không được giải quyết.

Ngôi nhà đã bị chiếm giữ trái phép nhiều năm.

Mua nhà hợp pháp

Ngày 3/5/2018, vợ chồng ông Nguyễn Quang Vinh (trú tại Bế Văn Đàn, Hà Đông, Hà Nội) trúng đấu giá quyền sử dụng 44,5m2 đất theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BR 510675 (GCN), do UBND quận Hà Đông cấp ngày 23/4/2014 cho gia đình ông Lê Văn Lợi tại địa chỉ: LK 13/2 khu nhà ở dân cư Ngô Thì Nhậm, phường La Khê, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Bán đấu giá là Ngân hàng TMCP Tiên Phong theo Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá số công chứng 787A/2018 ngày 08/5/2018.

Ông Vinh cho biết đã trả đủ số tiền trúng đấu giá là 2,46 tỷ đồng. Đồng thời, cũng trong ngày 3/5/2018, theo hướng dẫn tại Thông báo niêm yết số 06/2018/TB-INCIP ngày 12/4/2018, vợ chồng ông cũng trả đủ 3,19 tỷ đồng tiền mua toàn bộ tài sản công trình trên đất, gắn liền với quyền sử dụng đất đã trúng đấu giá cho bà Bùi Thị Hà là đại diện chủ sở hữu tài sản…

Ngày 11/5/2018, Ngân hàng Tiên Phong giao tài sản trúng đấu giá cho vợ chồng ông Vinh trước sự chứng kiến của Phó Chủ tịch UBND phường La Kê. Ngay khi nhận bàn giao, gia đình ông Vinh thuê người dọn dẹp và chuyển tài sản đến ở. Tuy nhiên, sau đó có một nhóm người đến ngăn chặn, đe dọa, uy hiếp gia đình ông phải ra khỏi nhà. Vì quá lo sợ, vợ chồng ông Vinh trình báo Công an phường La Khê.

Theo ông Vinh, Công an phường đã mời gia đình ông và gia đình ông Lợi cùng tổ trưởng tổ dân phố đến để lập biên bản, khóa niêm phong cửa, giao chìa khóa cho tổ trưởng tổ dân phố. “Công an phường yêu cầu gia đình tôi không được ở cho đến khi hoàn thiện thủ tục sang tên. Gia đình tôi đã chấp hành yêu cầu của Công an phường La Khê nhưng sau đó gia đình nhóm người bên phía ông Lợi đã phá cửa nhà tôi vào trong nhà, chiếm giữ nhà của chúng tôi”, ông Vinh phản ánh.

Được biết, ngày 26/7/2018, Văn phòng Đăng ký đất đai quận Hà Đông hoàn thiện thủ tục sang tên trước bạ nhà đất cho vợ chồng ông Vinh. Ông Vinh về nhà yêu cầu gia đình ông Lợi trả nhà, nhưng vẫn không được chấp nhận. “Cuối tháng 9/2018, ông Lợi ra tù, nhắn tin cho vợ chồng tôi đến giải quyết, sau khi trao đổi, ông Lợi đã đấm thẳng vào mặt cả hai vợ chồng tôi. Tôi bị vỡ kính, chảy máu mắt. Ngay lúc đó, tôi làm đơn trình báo Công an phường La Khê và Công an quận Hà Đông. Đồng thời, chúng tôi làm đơn tố cáo hành vi vi phạm chỗ ở với nhóm người gửi Công an quận Hà Đông”.

3 năm phải đi ở nhờ

Ông Vinh cho biết, từ năm 2018 đến nay, nhóm người vẫn chiếm giữ nhà đất, tài sản của ông mặc cho ông liên tục làm đơn cầu cứu, tố cáo gửi cơ quan chức năng và Công an quận Hà Đông chỉ gọi hai lần lên trụ sở hỏi qua loa sự việc. “Đến nay đã hơn 3 năm trôi qua, sự việc vẫn không được giải quyết, khiến vợ chồng tôi vẫn phải đi ở nhờ nhà người thân”, ông Vinh nói.

Để làm rõ sự việc, PV đã liên hệ với Công an phường La Khê và được hướng dẫn lên Công an quận Hà Đông. Về phía Công an quận Hà Đông, cán bộ điều tra lại cho rằng “sự việc rất phức tạp và đang tạm đình chỉ, khi nào phục hồi sẽ thông báo”.

Nhận xét về sự việc, LS Nguyễn Ngọc Đạt (Đoàn LS Hà Nội) cho biết, Điều 22 Hiến pháp 2013 nêu rõ: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Việc khám xét chỗ ở do luật định.

Điều 12 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định nguyên tắc “bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của cá nhân”: Không ai được xâm phạm trái pháp luật chỗ ở… của cá nhân.

“Theo Điều 158 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội “Xâm phạm chỗ ở của người khác”, hậu quả của hành vi này làm cho nạn nhân bị mất chỗ ở, bị ảnh hưởng đến cuộc sống, đến sinh hoạt bình thường của họ và các thành viên trong gia đình, gây thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần cho nạn nhân, xâm phạm trực tiếp đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân được pháp luật bảo hộ. Hình phạt đối với tội danh này là cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm”, LS Đạt nói.

Đọc thêm