Người trong cuộc nói gì?
Vừa qua, báo chí phản ánh vụ việc học sinh Trường Tiểu học Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy, Hà Nội) bị gãy chân trong giờ ra chơi tại khuôn viên trường học. Ngay sau đó, trong cuộc họp với các sở, ngành vào sáng 6/2/2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trực tiếp nhắc và chỉ đạo Sở GD&ĐT xem xét đình chỉ, chuyển công tác đối với bà Tạ Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên, bởi vì đã “lái xe gây tai nạn nhưng lại bưng bít thông tin, từ chối gia đình”.
Sự chỉ đạo quyết liệt, thẳng thắn của Chủ tịch UBND TP Hà Nội thể hiện sự quan tâm, lắng nghe những vấn đề dư luận, báo chí phản ánh. Nếu trong trường hợp này Hiệu trưởng mà lái xe trong trường, gây tai nạn cho học sinh mà còn bỏ bê trách nhiệm, bưng bít thông tin, thì việc đình chỉ công tác, điều chuyển là quá nhẹ. Tuy nhiên, sự việc thực hư thế nào còn phải chờ kết quả từ cơ quan công an đang điều tra, làm rõ.
Giáo viên Nguyễn Thị Hương - Hiệu phó nhà trường cho biết: “Những ngày cuối năm 2016, sức khỏe Hiệu trưởng rất yếu, nên sáng sớm ngày 1/12, tôi đưa Hiệu trưởng đến Bệnh viện Việt Đức để khám và xét nghiệm. Vì sinh thiết mẫu nên phải gây mê. Khoảng gần 9h sáng, bác sĩ hẹn 3 ngày sau có kết quả nên tôi đưa cô Hiệu trưởng ra cổng bệnh viện để về trường và tôi phải dìu ra cổng viện, vẫy taxi đang đỗ ở đó rồi cả hai lên xe về trường.
Trên xe, Hiệu trưởng lo lắng về việc có khả năng bị ung thư trực tràng, nên có bảo tôi lên mạng để xem. Do vừa xem thông tin, vừa động viên nên tôi không để ý là xe taxi thuộc hãng nào? Taxi đi vào cổng phụ phía sau, tôi đưa Hiệu trưởng lên phòng làm việc ở tầng 2 và trong lúc đang nói chuyện với một vài giáo viên, kế toán và thủ quỹ về bệnh tình thì cô Đào Thị Hòe, giáo viên nhà trường chạy vào báo cáo có em học sinh là Trần Chí Kiên bị ngã ở sân sau, các bạn và cô giáo đã đưa vào phòng y tế của trường”.
“Tôi là giáo viên chủ nhiệm năm trước của em Kiên, nên tôi nhận ra ngay, hơn nữa tôi hay liên hệ với mẹ cháu nên ngay lúc đó tôi đã gọi điện cho chị Thu, mẹ cháu Kiên để thông báo tình hình. Qua điện thoại, chị Thu nói chuyện luôn với Hiệu trưởng và cảm ơn vì nhà trường đã kịp thời quan tâm cháu”, giáo viên Hòe cho biết.
Sau đó trực tiếp cô Hòe cùng với nhân viên y tế, bảo vệ nhà trường đưa cháu Kiên đến Bệnh viện 198 để khám, chụp X quang trước khi chuyển đến bệnh viện khác.
Theo giáo viên Hòe, vài hôm sau giáo viên này đến Bệnh viện Việt Đức để thăm hỏi. Mẹ cháu Kiên đã nói: “Các cô cẩn thận quá, lần sau không cần phải đến thăm cháu như thế, khổ các cô”.
Giáo viên Đào Ánh Nguyệt thì cho rằng, khi cô Hòe vào báo tin có học sinh bị ngã gãy chân thì Hiệu trưởng đang ở trong Phòng Tài vụ và nhận được thông tin sau khoảng 10 phút.
Đợi kết quả điều tra của cơ quan công an
“Trong 10 năm qua, chúng tôi chưa nhìn thấy cô Ngọc tự lái xe, vì cô Ngọc không biết lái ô tô, nên hàng ngày chồng cô chở cô sang trường, chiều đón về. Nếu có việc đi ra ngoài, một là cô thuê taxi, hai là có giáo viên nào tiện thì chở cô đi. Nên việc cho rằng cô Ngọc lái xe ô tô gây tai nạn trong trường là không đúng”, giáo viên Hương nói.
Việc cho rằng lúc xảy ra tai nạn Hiệu trưởng Ngọc ngồi trên xe ô tô, “Nếu tôi và cô Ngọc ở trên xe lúc xảy ra va chạm, thì chúng tôi phải bắt lái taxi giải quyết, việc gì chúng tôi lại bao che mà không bảo vệ học sinh của mình. Ngay cả một người bình thường cũng không làm thế, huống hồ là lãnh đạo nhà trường?”, cô Hương nói.
Cũng theo cô Hương, sự việc xảy ra là đáng tiếc và phụ huynh đã có những sự hiểu nhầm đáng tiếc với Ban Giám hiệu nhà trường. Mặc dù trong những ngày đầu, lãnh đạo nhà trường không trực tiếp đến thăm hỏi do cuối năm nhiều công việc, nhưng đã cử giáo viên đến thăm hỏi, động viên cháu Kiên.
Trong báo cáo của giáo viên Nhung, người được cử đến để thăm hỏi, động viên cháu Kiên sau khi xảy ra tai nạn, cho biết: “Tôi và đồng chí Hòe giáo viên cũ lớp 1 của cháu Kiên có tới thăm và thường xuyên gọi điện hỏi han về tình hình của Kiên thì bố mẹ cháu đều trả lời là ổn định, không có bất thường với thái độ vui vẻ, gửi lời cảm ơn tới nhà trường và các cô cho đến ngày thứ 12 sau khi xảy ra sự việc”.
Dư luận thì cho rằng, tâm lý chung của những người làm cha mẹ, sau khi xảy ra sự việc với con thì điều đầu tiên sẽ hỏi con về nguyên nhân sự việc. Vậy tại sao ngay sau khi xảy ra sự việc, gia đình không hỏi con về nguyên nhân sự việc, không đến nhà trường để làm rõ mà phải đợi đến hơn 10 ngày sau?
Hiện cơ quan công an đã tìm được người lái xe taxi là Trần Quốc Tuấn và chiều ngày 13/2/2017 đã thực nghiệm hiện trường. Theo lời khai của lái xe taxi Tuấn thì lúc chở hai giáo về đến trường, ông Tuấn lùi xe vào trường và va phải cháu Kiên ở đầu xe, ông Tuấn mở cửa cho cô giáo đi cùng cô Ngọc xuống đỡ và đã hỏi thăm. Sau khi học sinh được đỡ dậy thấy không việc gì nên ông Tuấn ra khỏi trường.
“Lái xe taxi nói như vậy là không đúng sự thật, bởi ông Tuấn khai như trên thì ông lùi xe vào trường (chứ không lái xe thẳng vào trường), việc va chạm với học sinh Kiên sẽ không thể xảy ra ở đầu xe. Từ lời khai này tôi cho rằng sự thật là taxi đi thẳng vào trường, sau khi hai giáo viên đã xuống xe đi vào khu hiệu bộ thì ông Tuấn lùi xe, va chạm vào cháu Kiên”, giáo viên Nguyễn Thị Hương cho biết thêm.
Những người trong cuộc cho rằng, nếu có việc Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên lái xe gây tai nạn thì phải xử nghiêm. Nhưng nếu sự thật không phải như vậy, các giáo viên cho rằng sự việc này hãy chờ kết luận từ cơ quan điều tra.