Nghị lực doanh nhân gây dựng lại doanh nghiệp từ đống tro tàn

(PLVN) - Từ bỏ chức vụ Giám đốc điều hành tại một công ty có vốn đầu tư từ Thái Lan, ông Chiện trở về thành lập doanh nghiệp (DN), tự gầy dựng thương hiệu. Gặp thuận lợi, doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, doanh thu tốt. Ai ngờ một vụ hỏa hoạn xảy ra, tưởng như cướp đi tất cả. Nhưng không nản chí, ông bắt tay vào khôi phục sản xuất, đứng dậy từ đống tàn tro.
Ông Phạm Văn Chiện, Giám đốc Công ty TNHH may mặc CD
Ông Phạm Văn Chiện, Giám đốc Công ty TNHH may mặc CD

Chắt chiu khởi nghiệp

Hành trình vươn lên, vượt qua khó khăn, tạo dựng thương hiệu của ông Phạm Văn Chiện (SN 1975, quê Hưng Yên, ngụ phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP HCM), Giám đốc Công ty TNHH may mặc CD chuyên sản xuất hàng may mặc trong nước và xuất khẩu thật đáng khâm phục.

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỏ, ông Chiện vào TP HCM lập nghiệp. Lúc bấy giờ, ngành may mặc đang trên đà phát triển nên ông vừa đi làm, vừa theo học Trường Trung học Kỹ thuật May và Thời trang II (nay là Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Vinatex TP HCM).

Năm 2007, ông Chiện được một tập đoàn thời trang lớn đưa đi du học một thời gian tại Thái Lan. Trở về nước, ông được tập đoàn này bố trí chức vụ Giám đốc điều hành của nhà máy sản xuất tại Bến Tre.

“Làm được một thời gian, hoàn thành trách nhiệm với công ty đã đưa tôi đi du học, tôi xin nghỉ, muốn tự thân gầy dựng công ty, thương hiệu cho chính bản thân. Công ty TNHH may mặc CD thành lập từ năm 2010 trong thời gian tôi đang đi học và đi làm. Từ năm 2010 đến năm 2012, công ty không sản xuất, chủ yếu là gây dựng thương hiệu, may sản phẩm giới thiệu ở các cửa hàng, các cuộc hội chợ, từ thiện...”, ông Chiện kể.

Năm 2013 ông Chiện dồn tiền bạc, vay mượn bạn bè, người thân mua máy móc, xây dựng nhà xưởng để bắt đầu hành trình “vươn ra biển lớn”: “Thời gian đầu gặp nhiều khó khăn. Muốn sản xuất phải có nhà xưởng, máy móc và đặc biệt là nguồn khách hàng.

Thời gian đi làm, tôi quen nhiều người. Nhưng dễ gì họ tin ngay vì ngoài tôi, còn có nhiều công ty khác danh tiếng hơn. Nhưng tôi vẫn quyết tâm theo đuổi. Ban đầu, tôi mướn một ngôi nhà nhỏ để làm nơi sản xuất, có sáu công nhân. Vợ tôi là người quản lý, chỉ dạy các công nhân. Phần tôi lo về kỹ thuật, cắt, thiết kế và tìm kiếm khách hàng”.

Cứ thế, ông Chiện mở rộng sản xuất. Hàng đạt chất lượng tốt, khách hàng ngày càng nhiều, doanh thu mỗi năm một tăng. Ông Chiện trả nợ, mua đất, cất nhà xưởng. Năm 2016, công ty của ông có đến 60 công nhân. Nhà xưởng rộng nghìn mét vuông với đầy đủ máy cắt vải, máy may… Năm đó, doanh thu công ty đạt đỉnh cao nhất, 6 tỷ.

“Công cuộc khởi nghiệp của tôi rất thuận lợi. Bởi vì tôi có tay nghề, được đào tạo tốt và có kinh nghiệm. Khách hàng rất tin tưởng nên đơn hàng tới tấp. Bước sang 2017, những tính toán lớn hơn dần hình thành. Tôi mua thêm máy móc, bắt đầu tuyển dụng thêm công nhân. Năm đó tôi đặt mục tiêu, công nhân ở xưởng phải là 100 và doanh thu phải là 10 tỷ đồng”, ông Chiện kể.

Đứng dậy từ đống tàn tro 

Những dự định ấy cùng với nhà xưởng, mồ hôi, nước mắt của vợ chồng ông Chiện bất ngờ chìm trong biển lửa, tất cả đều thành đống tàn tro.

Sau vụ hỏa hoạn, công ty lại tuyển công nhân, tái sản xuất. (Ảnh minh họa)
 Sau vụ hỏa hoạn, công ty lại tuyển công nhân, tái sản xuất. (Ảnh minh họa)

“Tôi nhớ như in hôm đó. Vào buổi chiều, khi công nhân ra về, tôi là người ở lại cuối cùng. Tôi mệt lả nên đóng cửa về nhà tắm, ăn cơm. Về nhà được 30 phút thì nghe tiếng tri hô cháy ở xưởng. Tôi còn trong nhà tắm, vơ vội quần áo chạy bộ đến. Ngọn lửa đỏ rực bao trùm nhà xưởng. Tôi quỵ xuống tại chỗ. Tất cả mất hết, tan nát hết”.

Toàn bộ nhà xưởng, hàng trăm máy may, hàng chục tấn vải, hàng ngàn quần áo thành phẩm trị giá gần 3,2 tỷ cháy sạch, không tận dụng được. Nguyên nhân vụ cháy là do chập diện. Ngoài tài sản, ông Chiện còn phải bồi thường đơn hàng cho khách gần 3,6 tỷ. Tổng thiệt hại trong cơn hỏa hoạn mà ông gánh chịu là 6,8 tỷ.

Bán nhà, cầm ô tô, cầm cả xe máy để trả nợ nhưng vẫn không đủ. Người quen và ngân hàng khi nghe chuyện đều ngừng thu lãi suất, chừa cho ông một đường khôi phục. “Đến bây giờ, tôi vẫn không thể quên được hình ảnh vợ con nheo nhóc, căng màn, mền ngủ ngay bên đống tro hàng tháng trời”, ông Chiện kể.

Nhưng không nản lòng, không muốn từ bỏ thương hiệu công ty do chính tay gầy dựng nên doanh nhân quyết một lần nữa khởi nghiệp từ đống tro, từ bờ vực phá sản.

Bán hết gia sản, ông Chiện tạm ổn với số nợ. Những ngày sau vụ cháy, 5 – 6 công nhân gắn bó, vẫn đi làm lại. Ông căng tấm bạt làm mái, tiếp tục sản xuất.

“Mình phải tự cứu mình, không được phép buông xuôi. Tôi đã bỏ tất cả vào thương hiệu thì sống chết cũng phải theo đuổi. Ngoài ra, nhiều công nhân không bỏ tôi. Họ đồng cam cộng khổ, nhiều tháng cho tôi nợ lương, cùng tôi vực dậy nên tôi càng có động lực hơn”, ông Chiện kể.

Ông Chiện vay mượn sang sửa lại nhà xưởng, nơi từng bị hỏa hoạn để tiếp tục sản xuất. Ông thuê máy may từ một số công ty đối tác thân thiết. Đến nay, công ty có gần 15 công nhân.

“Một năm qua chỉ là giai đoạn phục hồi vết thương. Tôi chưa sản xuất mà chỉ gia công. Nhận hàng từ các công ty về gia công. Năm nay, doanh thu đủ trang trải tiền lương, tiền lãi ngân hàng và kiếm lãi được chút đỉnh. Cái vết thương năm 2017 quá lớn, quá nặng. Mình lại là doanh nghiệp nhỏ, thiệt hại gần 7 tỷ đồng thì khó lòng vực dậy trong một sớm một chiều được”, ông Chiện kể.

Kế hoạch năm 2020, ông Chiện sẽ tiếp tục tuyển thêm công nhân, mở rộng sản xuất. “Hi vọng, năm sau, tôi sẽ khôi phục được những gì đã mất. Giờ thì tập trung sản xuất, số nợ từ cuộc hỏa hoạn, tôi đã trả xong. Tôi tin là tôi sẽ chiến thắng trong cuộc khởi nghiệp lại này”, ông Chiện chia sẻ. 

Đọc thêm