Nghi vấn biến đất của dân thành đất công tại Đồng Tháp

(PLVN) - Năm 1984, bà Phương mua một căn nhà trên diện tích 1.160m2 của ông Bảy ở phường 2, thị xã Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) và sử dụng ổn định hơn 30 năm. Đến năm 2015 thì cháu nội ông Bảy được UBND thành phố Cao Lãnh chấp thuận làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đối với diện tích 89,7m2 thuộc diện tích đất 1.160m2 nói trên.  
Thửa đất UBND phường 2, thành phố Cao Lãnh xác nhận từ chối cấp GCN QSDĐ cho bà Phương
Thửa đất UBND phường 2, thành phố Cao Lãnh xác nhận từ chối cấp GCN QSDĐ cho bà Phương

Bà Phương khiếu nại, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp giải quyết, bác bỏ quyền tranh chấp đối với cháu nội ông Bảy. Sau đó đến lượt bà Phương làm thủ tục xin cấp sổ đỏ thì UBND phường 2 khẳng định thửa đất này “đã được UBND phường đo đạc quản lý”.

Giải quyết khiếu nại nửa vời?

Diện tích đất đang được đề cập là Thửa số 579, tờ bản đồ số 9, phường 2, TP Cao Lãnh (Đồng Tháp). Theo bà Phương và người đại diện trình bày trong biên bản làm việc với Thanh tra tỉnh ngày 6/7/2018: Năm 1984, bà Phương mua lại căn nhà và thửa đất của vợ chồng ông Bảy và bà Lang. Hợp đồng mua bán có chứng thực của Chính quyền địa phương lúc bấy giờ là UBND phường 2, thị xã Cao Lãnh. Trong đó ghi rõ “diện tích đất 1160m2 (đất thổ cư), diện tích nền nhà 140m2”. Sơ đồ mảnh đất được vẽ, thể hiện mảnh đất liền khối. Chiều ngang 35m, chiều dài 38,67m.

Sau đó bà Phương sang nhượng bớt và cho con cái đất. Trong Biên bản xác định ranh giới sử dụng đất do Phòng Địa chính thị xã Cao Lãnh lập tháng 11/1998, cập nhật diện tích còn lại là 243m2. Phần “Sơ đồ khái lược ranh giới nhà – đất” của Biên bản này thể hiện thửa đất bị cháu nội ông Bảy và bà Lang đứng ra tranh chấp thuộc diện tích 243m2 này. Sau khi tiếp tục cho đất các con, hiến đất làm đường, bà Phương còn lại diện tích 177m2 (gồm nhà ở, diện tích 67,2m2, sân trước nhà 20,6m2 và phần đất bị tranh chấp với diện tích 89,2m2).

Năm 2001 bà Phương làm đơn xin và được chấp thuận cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho hai phần đất có diện tích 67,2m2 và 89,2m2. Nhưng lúc đó bà không đủ tiền đóng tiền chuyển đổi mục đích SDĐ nên chỉ làm được GCN QSDĐ cho phần diện tích đã cất nhà rộng 67,2m2. Từ năm 2007, bà Phương san lấp cát trên phần đất 89,2m2  làm bãi đậu xe ổn định cho đến nay. Đến năm 2015, cháu nội ông Bảy xin UBND thành phố Cao Lãnh và được chấp thuận làm thủ tục cấp sổ đỏ đối với diện tích hơn 89m2 thuộc diện tích đất 1.160m2 nói trên. Bà Phương phát hiện và khiếu nại.

Quá trình giải quyết tranh chấp, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo UBND thành phố Cao Lãnh “có trách nhiệm quản lý, sử dụng phần đất công do Nhà nước quản lý (đang có khiếu nại, tranh chấp) theo đúng quy định của pháp luật và quy hoạch sử dụng đất”. Ngày 26/8/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp ra Quyết định số 346/QĐ.UB-NĐ bác bỏ tư cách tranh chấp của cháu nội ông Bảy với lý do không có quyền và lợi ích liên quan đến phần đất đang khiếu nại. Sau đó, ngày 11/10/2016, UBND phường 2 tiến hành rào tứ phía phần đất đang tranh chấp, khiếu nại.

Theo trình tự, UBND thành phố Cao Lãnh dừng việc cấp GCNQSDĐ bất hợp pháp cho cháu nội ông Bảy. Tuy nhiên, số phận phần đất tranh chấp như thế nào thì không có chỉ đạo nào tiếp theo để giải quyết hậu quả pháp lý sau khi giải quyết tranh chấp.

Bị từ chối cấp sổ đỏ vì làm giấy mượn đất của chính mình?

Phần đất tranh chấp vẫn cứ bị rào. Cuối tháng 11/2016, bà Phương sửa chữa căn nhà giáp ranh phần đất tranh chấp. Không có chỗ chứa vật liệu xây dựng nên bà Phương nộp đơn xin chính quyền cho mượn tạm diện tích này để chứa vật liệu và hứa sẽ trả lại khi sửa nhà xong.

Căn cứ vào tờ đơn xin mượn đất này, sau này UBND phường 2 không xác nhận cho bà phương được cấp GCNQSDĐ (sổ đỏ). Cụ thể, tháng 9/2018, bà Phương làm thủ tục để được cấp GCNQSDĐ đối với phần đất tranh chấp thì UBND phường 2 trả lời Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) thành phố Cao Lãnh rằng “… thửa đất số 579, tờ bản đồ số 9 đã được UBND phường đo đạc quản lý, đồng thời bà Nguyễn Thị Phương có xin mượn tạm và cam kết sau khi sửa chữa nhà xong sẽ trả lại mặt bằng trên phần đất Nhà nước quản lý”. Căn cứ vào công văn của UBND phường 2, Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ thành phố Cao Lãnh từ chối cấp sổ đỏ thửa đất nói trên cho bà Phương.

“Việc bà Phương làm đơn xin mượn tạm và cam kết sẽ trả lại mặt bằng cho Nhà nước quản lý hoàn toàn là ý thức thượng tôn pháp luật chứ tuyệt nhiên không phải bà Phương từ bỏ quyền được cấp GCNQSDĐ đối với thửa đất này.”, đại diện của bà Phương khẳng định.

Tại buổi làm việc với Thanh tra tỉnh ngày 06/07/2018, đại diện của bà Phương cũng đã trình các loại giấy tờ chứng minh bà Phương là người đang sử dụng đất ổn định, đất đã kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế theo đúng quy định của pháp luật. Bao gồm: Giấy mua bán ngày 10/9/1984 giữa ông Bảy và bà Phương; Tờ kê khai nộp thuế đất ngày 11/01/1993 của bà Phương; Tờ kê khai và nộp thuế đất ở của bà Phương từ năm 1994 đến 2013; Biên bản xác định ranh giới sử dụng nhà đất của bà Phương, diện tích 243m2, thuộc thửa 831, tờ bản đồ số 3 (Đông Bắc giáp thửa số 471; Tây Bắc giáp thửa 356; Đông Nam giáp đường Lê Anh Xuân, Tây Nam giáp thửa 472) tháng 11/1998 của Phòng địa chính thị xã Cao Lãnh (bao trùm lên diện tích 89,2m2 xin cấp GCNQSDĐ). Bà Phương cho rằng với những loại giấy tờ trên, theo Luật Đất đai 2013, bà đủ điều kiện để được cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Bà Phương sau đó đã khiếu nại hành vi hành chính của UBND phường 2 về công văn trả lời Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ thành phố Cao Lãnh. Chủ tịch UBND phường 2 ra công văn trả lời, bác bỏ khiếu nại của bà Phương. Bà Phương tiếp tục khiếu nại lên UBND thành phố Cao Lãnh thì cơ quan này không thụ lý hồ sơ với lý do: “Nguyễn Thị Phương không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp đến phần đất đang khiếu nại”.

“Gia đình tôi mua thửa đất đó hợp pháp, đã kê khai, sử dụng liên tụcvà thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ hàng năm hơn 30 năm mà UBND thành phố Cao Lãnh khẳng định “không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp đến phần đất đang khiếu nại” là dựa vào cơ sở nào?.

Đọc thêm