Phải chăng, vụ việc đang có dấu hiệu chìm xuồng và đây là biểu hiện của tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong công cuộc xây dựng và chính đốn Đảng hiện nay?
Tố cáo sau vụ kiện ly hôn
Như PLVN đã từng thông tin, xuất phát từ vụ kiện ly hôn mà ông Trần Văn Công là nguyên đơn, bà Vũ Thị Đan (SN 1979, xóm 5, xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình - vợ ông Công) đã cho rằng, khối tài sản chung của vợ chồng có giá trị cả chục tỷ đồng, trong có rất nhiều đầm nuôi ngao (vây ngao) trên địa bàn huyện Kim Sơn đang khai thác hoặc đã chuyển nhượng cho người khác.
Không chỉ trình bày với Tòa, bà Đan còn có đơn tố cáo tới Huyện ủy Kim Sơn và một số cơ quan khác cho rằng việc vợ chồng mình có được những đầm nuôi ngao (để người khác đứng tên) là do ông Công đã lợi dụng chức vụ Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Kim Sơn, lợi dụng việc được UBND huyện giao nhiệm vụ đo đạc, khảo sát, ký hợp đồng cho các hộ dân thuê bãi nuôi ngao.
Do ông Công là Huyện ủy viên nên sau khi nhận được đơn của bà Đan, huyện ủy Kim Sơn đã giao UBKT Huyện ủy thành lập Tổ công tác nhằm xác minh, kết luận về nội dung ông Công bị tố cáo.
Trên cơ sở báo cáo của Tổ công tác, Ban Thường vụ Huyện ủy Kim Sơn đã họp xem xét giải quyết đơn thư tố cáo đối với ông Công và có Thông báo (số 808-CV/HU ngày 21/7/2017) kết luận giải quyết đơn tố cáo đối với người có đơn tố cáo (bà Đan).
Tại Thông báo trên, Huyện ủy Kim Sơn đã thừa nhận ông Công và vợ đã tham gia khai thác nuôi trồng thủy sản trong hợp đồng đứng tên ông Thái. Sau thời gian làm chung, số diện tích trong hợp đồng được chia tách, chuyển nhượng. Ông Công đã tham gia 3 vây ngao nhỏ (phía Đông Nam, Tây Nam và Tây Bắc của vùng đất ký hợp đồng).
Ngoài 3 vây ngao trên, Huyện ủy Kim Sơn còn khẳng định: đủ cơ sở kết luận gia đình ông Công và bà Đan có tham gia nuôi thả ngao với ông Võ, ông Quý.
Tuy nhiên, Huyện ủy Kim Sơn lại cho rằng, diễn biến chi tiết làm cùng các vây ngao, việc chuyển nhượng và được hưởng lợi bao nhiêu tiền, ai nắm giữ “chưa đủ cơ sở kết luận”. Quá trình thẩm tra, xác minh thì chưa có ai phản ánh, tố cáo hiện tượng đồng chí Công lạm dụng quyền hạn của mình như đo đạc, khảo sát bãi bồi sai diện tích cho thuê để hưởng lợi riêng. Người tố cáo không đưa được căn cứ, tài liệu chứng minh nội dung tố cáo trên. Như vậy, nội dung tố cáo trên “chưa đủ cơ sở kết luận”.
Ngay sau đó, bà Đan đã có đơn cho rằng giải quyết tố cáo của Huyện ủy Kim Sơn theo nội dung Thông báo trên là chưa phản ánh đúng thực tế vì vợ chồng bà có cả chục ha bãi ngao ở trong ít nhất 5 hợp đồng đứng tên các hộ dân khác nhau. Sở dĩ ông Công phải “gửi gắm” người khác đứng tên thuê bãi nuôi ngao là do đang giữ chức Trưởng phòng NN&PTNT huyện.
Không có chức vụ, liệu có được vây ngao?
Trao đổi với phóng viên, bà Đan tiếp tục khẳng định: “Nếu không lạm quyền, tại sao ông Công không đường đường chính chính đứng tên thuê bãi ngao mà lại phải “ké” vào vây ngao mang tên người khác? Nếu ông Công không được UBND huyện giao nhiệm vụ khảo sát, đo đạc và ký hợp đồng cho các hộ thuê đất nuôi ngao thì chắc chắc vợ chồng tôi không thể có “cổ phần” trong các vây ngao. Như vậy, dù có chưa kết luận được việc ông Công “ép buộc” hay “thỏa thuận ngầm” với các hộ dân để có được vây ngao thì cũng có thể thấy rõ việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi ở đây.
Trước diễn biến trên, Luật sư Trương Quốc Hòe (Trưởng Văn phòng Luật sư Interla, Hà Nội) có quan điểm: “Dù thừa nhận việc ông Công có tham gia vào các hợp đồng vây ngao như đơn tố cáo của bà Đan nhưng Huyện ủy Kim Sơn lại không tiến hành xác minh hoặc, làm rõ các vấn đề khác trong đơn tố cáo, cũng như không kết luận ông Công có hay không dấu hiệu tham nhũng là chưa đầy đủ, thiếu khách quan và thiếu tính toàn diện. Tôi cho rằng, nếu nhận thấy hành vi của ông Công có dấu hiệu tham những mà không thể tự mình thực hiện một số hoạt động điều tra thì Huyện ủy Kim Sơn phải có văn bản đề nghị Cơ quan điều tra hoặc các cơ quan chức năng có đầy đủ điều kiện để xác minh, điều tra theo quy định của pháp luật”.
Đối chiếu với nội dung Quy định số 102-QĐ/TW (về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm) do Bộ Chính trị ban hành mới đây, LS Hòe cho rằng, có thể thấy ông Công đã có những biểu hiện vi phạm cụ thể như: Không kê khai, kê khai tài sản không đúng quy định; Tạo điều kiện để vợ thực hiện các dự án, kinh doanh các ngành nghề thuộc lĩnh vực mình hoặc đơn vị mình trực tiếp phụ trách trái quy định nhằm trục lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi; hợp thức hóa hồ sơ để được xét giao đất không đúng đối tượng, tiêu chuẩn… Đặc biệt, Quy định nêu trên còn xác định: hành vi “cố ý trì hoãn hoặc trốn tránh trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo” là một trong những dạng “vi phạm về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo”.
Với những quy định cụ thể về nội dung vi phạm và hình thức kỷ luật đối với đảng viên vi phạm trên đây, hy vọng những tố cáo của bà Đan sẽ tiếp tục được xác minh và kết luận rõ.