Bị bêu tên khắp khu phố vì không trả nợ ngân hàng
Trong đơn gửi Báo Pháp luật Việt Nam, ông Nguyễn Trung Tỉnh (40 tuổi, ngụ phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) trình bày: Tháng 6/2016 do cần tiền mở rộng kinh doanh quán cơm, vợ chồng ông vay vốn của ngân hàng thương mại. Sau khi kiểm tra quán cơm và thu nhập, phía nhân hàng đồng ý cho vợ chồng ông Tỉnh vay 50 triệu đồng, thời hạn vay 2 năm. Hợp đồng tín dụng được ký tại chi nhánh ngân hàng ở TP Biên Hòa, Đồng Nai.
Trong một năm đầu, vợ chồng ông Tỉnh trả nợ gốc và lãi đúng hạn. Tính đến tháng 6/2017, tổng cộng người vay đã trả cho ngân hàng khoảng 38 triệu đồng. Tuy nhiên, từ tháng 7/2017 đến nay, vợ chồng ông Tỉnh không tiếp tục trả lãi và gốc cho ngân hàng.
Phía ngân hàng gọi điện báo vợ chồng ông còn nợ hơn 29 triệu đồng (cả gốc lẫn lãi) và nhắc nhở ông Tỉnh phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Tuy nhiên, vợ chồng ông đã không thực hiện. Theo ông Tỉnh, thời điểm 2017, vợ ông mổ đẻ sinh em bé, gia đình làm ăn thua lỗ nên không có tiền đóng lãi, ông cũng xin đóng chậm và chịu lãi quá hạn theo quy định.
Tháng 2/2018 một nhân viên tên Oanh của ngân hàng trên thông báo số nợ của ông Tỉnh hiện đã hơn 33 triệu đồng. Nếu trong một tuần ông Tỉnh không thanh toán, ngân hàng sẽ đưa sự việc ra tòa. Đầu tháng 6/2018, một nhân viên khác tiếp tục thông báo số tiền nợ hiện tại lên khoảng 39 triệu đồng.
Cuối tháng 6/2018 có bốn người lạ mặt đến nhà tìm vợ chồng ông Tỉnh, những người này thông báo chủ nhà hiện nợ tiền ngân hàng 53 triệu đồng, ngân hàng đã chuyển hồ sơ qua công ty thu hồi nợ.
Nhóm người trên xịt sơn xanh đỏ trước cửa nhà ông với nội dung “không trả nợ”. Mẹ ông Tỉnh cho biết, nhóm người trên yêu cầu trả nợ ngay và có lời lẽ đe dọa đến tính mạng con trai. Nhóm người lạ còn rải và dán hàng chục tờ rơi có in hình ông Tỉnh dọc khu phố nơi gia đình ông đang sinh sống.
Theo nội dung của tờ rơi “thông báo trả nợ” (khổ giấy A4), bên đòi nợ là có tên “Đòi nợ Thiên Long”. Tờ rơi có hình ảnh của ông Tỉnh, phía dưới ghi ngày tháng năm sinh, số CMND, địa chỉ nhà và nêu tên một số người thân của ông Tỉnh gồm vợ, chị gái. Chữ tờ rơi được phóng lớn với nội dung: “…ông Nguyễn Trung Tỉnh có vay tiền nhưng né tránh nghĩa vụ thanh toán và có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của ngân hàng… Trường hợp ông Tỉnh không hợp tác, chúng tôi sẽ tiến hành xử lý theo quy định”.
Theo tìm hiểu, thực tế số tiền ông Tỉnh vay ngân hàng theo hợp đồng tín dụng là 52,5 triệu đồng. Sau khi ông Tỉnh không tiếp tục trả nợ vay, phía ngân hàng đã chuyển thành nợ quá hạn. Sau đó ngân hàng đã ủy quyền cho Công ty TNHH dịch vụ thu hồi nợ Thiên Hà (viết tắt Thiên Hà, trụ sở tại TP HCM) thu hồi nợ gốc lẫn lãi. Phía công ty Thiên Hà cũng đã thông báo cho ông Tỉnh tổng số nợ tạm tính đến ngày 1/7/2018 là 54,1 triệu đồng đồng thời thông báo sẽ khởi kiện.
Nội dung tờ rơi được phát tán dọc khu phố |
Kiểu đòi nợ trái luật
Một luật sư Đoàn Luật sư TP HCM nhận định, vụ việc ông Tỉnh bị người của công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ phát tán các tài liệu có thông tin về nhân thân của ông là trái quy định pháp luật về kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Ông Tỉnh có quyền yêu cầu bên ngân hàng và công ty đòi nợ chấm dứt hành vi có dấu hiệu xâm phạm đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của ông và gia đình.
“Nếu bên cho vay và công ty đòi nợ vẫn tiếp tục thực hiện hành vi trên thì ông Tỉnh có quyền khởi kiện ra tòa án nơi ông cư trú để yêu cầu bồi thường thiệt hại và buộc chấm dứt các hành vi vi phạm”, luật sư này nói.
Vị luật sư phân tích, hợp đồng tín dụng ký giữa tổ chức tín dụng và người vay là một dạng của hợp đồng vay tài sản. Trường hợp bên vay đến hạn trả nợ nhưng không thực hiện nghĩa vụ thì bên cho vay có quyền khởi kiện ra tòa. Bên cho vay có thể tự mình hoặc ủy quyền cho bên thứ ba đại diện họ thực hiện quyền khởi kiện đòi nợ.
“Pháp luật nghiêm cấm việc lợi dụng đòi nợ để xâm phạm đến danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc tính mạng, tài sản của người nợ tiền. Trường hợp trên nếu ngân hàng ủy quyền cho công ty Thiên Hà đòi nợ thì công ty này chỉ được thực hiện các biện pháp xử lý nợ phù hợp với quy định của pháp luật về kinh doanh dịch vụ đòi nợ”, một chuyên gia pháp lý nhận định.
“Việc bị đe dọa, bêu xấu đã làm ảnh hưởng tinh thần, việc học tập của con cái tôi, gây tâm lý hoang mang cho mọi người trong gia đình. Chúng tôi mong muốn được phía ngân hàng công khai mức lãi suất với khoản nợ vì chưa đầy hai tháng, số tiền lãi và gốc từ 39 triệu đồng lên đến hơn 54 triệu đồng”, ông Tỉnh nói.
Hành vi bị nghiêm cấm đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ quy định tại Nghị định 104/2007/NĐ-CP ngày 14/6/2007 của Chính phủ:
Thực hiện hoặc thông qua người khác thực hiện các hoạt động, hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, quyền tự do cá nhân, quyền tài sản và các quyền dân sự khác của khách nợ, chủ nợ và tổ chức, cá nhân khác liên quan; Sử dụng các thông tin có được từ hoạt động dịch vụ đòi nợ gây bất lợi tới chủ nợ và khách nợ để phục vụ cho các mục đích khác ngoài nội dung được ủy quyền hoặc tiết lộ những thông tin đó cho tổ chức, cá nhân khác; Thực hiện các hoạt động, hành vi vượt quá quyền được pháp luật công nhận hoặc vượt quá phạm vi đã được chủ nợ hoặc khách nợ ủy quyền.