Điều lạ là chính quyền địa phương không có động thái xử lý. Hệ lụy này khiến an toàn của cầu Thăng Long đang bị đe dọa nghiêm trọng, hàng loạt cửa khẩu thuộc công trình quốc phòng an ninh đang bị xâm phạm công khai, người dân sống trong cảnh ô nhiễm môi trường nặng nề. Nghịch lý này liệu tồn tại đến bao giờ
Xâm phạm cả khu vực cấm
Địa phận hai bên chân cầu Thăng Long thuộc phường Đông Ngạc và Thụy Phương từ nhiều năm qua luôn là khu vực ô nhiễm môi trường, khói bụi bốc lên mù mịt bởi hoạt động tấp nập của hàng trăm chiếc xe tải ra vào chở cát, sỏi từ bờ sông Hồng vào nội thành.
Mặc dù đã có biển cấm xe trọng tải lớn, cũng như nhiều cổng gác bằng sắt được dựng lên để ngăn cản xe tải vào trong khu dân cư, nhưng mọi thứ dường như đều vô tác dụng.
Dọc theo con đường An Dương Vương (từ phường Đông Ngạc) sang đến đường Đông Ngạc (phường Thụy Phương, phường Liên Mạc), hàng loạt cổng sắt nằm chỏng chơ dưới mặt đất. Những tấm biển trên bờ đê ngay ở các cửa khẩu ra vào sông Hồng ghi “Công trình phục vụ quốc phòng, an ninh – Cấm xâm phạm” nhưng vẫn cứ bị xâm phạm như bình thường.
|
Biển cấm xâm phạm nhưng vô tác dụng. |
Theo một người dân đã sinh sống ở khu vực cửa khẩu K54+520 (đối diện với con đường rẽ vào UBND phường Thụy Phương) cho biết, hàng loạt xe tải chạy vào bến bãi dưới sông Hồng để chở vật liệu, ồn ào, ô nhiễm khiến người dân sống quanh khu vực này ăn không ngon, ngủ không yên.
“Bất kể ngày hay đêm, những chiếc xe tải vào chở cát, sỏi gầm rú inh ỏi, bên cạnh đó việc ô nhiễm môi trường nơi đây có thể nói rằng rất nặng nề, ngày nắng thì bụi bay bạc trắng cả nhà cửa, trời mưa thì bùn đất đổ ra đường bẩn thỉu. Con ngõ sinh hoạt cộng đồng đã nhỏ, nay toàn xe tải ra vào, chúng tôi cũng rất lo sợ bởi việc tai nạn giao thông luôn đe dọa tính mạng trẻ con và người dân nơi đây”.
Để ghi nhận, PV đã có mặt tại các điểm tập kết cát, sỏi dọc bờ sông Hồng nằm trên địa bàn phường Thụy Phương và chứng kiến hoạt động tấp nập của tàu thuyền, máy xúc, cũng như hàng loạt xe tải nơi đây. Mặc dù đây là điểm tập kết không được UBND TP Hà Nội đưa vào quy hoạch. Nhưng ngay giữa thanh thiên bạch nhật, hàng loạt chiếc xà lan hàng trăm tấn vẫn cập bến, xe múc vẫn tấp nập múc cát từ xà lan lên bờ.
Từ đê Liên Mạc, những chiếc xe tải lớn nhỏ nối đuôi nhau vào bến bãi để chở vật liệu xây dựng đã tàn phá gần như toàn bộ con đường dân sinh.Theo quan sát của PV, hàng loạt bến bãi đang hoạt động tấp nập thuộc địa bàn phường Đông Ngạc, phườngThụy Phương và phường Liên Mạc không hề có bất kỳ tấm biển hiệu thông báo là của công ty, doanh nghiệp, cá nhân cụ thể nào.
Nhiều người dân địa phương lo ngại, với hoạt động bến bãi khổng lồ đang tập kết bên bờ sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Hồng, ảnh hưởng đến sự an toàn của cầu Thăng Long và hoạt loạt di tích lịch sử ở gần đó.
Tinh thần thượng tôn pháp luật ở đâu?
Theo Quyết định số 711/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội ngày 1/2/2013 về việc phê duyệt Quy hoạch sử dụng cát, sỏi trên địa bàn thành phố Hà Nội thì địa bàn huyện Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm) chỉ có bãi chứa Thượng Cát (phường Thượng Cát) và bãi chứa Liên Mạc (phường Liên Mạc).
Tuy nhiên, theo như ghi nhận của PV, trên địa bàn phường Đông Ngạc và Thụy Phương hiện nay đang có đến hàng chục bến bãi khổng lồ dùng để tập kết, trung chuyển cát, sỏi ngày đêm. Điều này khiến dư luận thắc mắc là vì sao các bến bãi này hoạt động trái phép như vậy nhưng chính quyền địa phương vẫn thờ ơ, không thể xử lý?
Theo một người dân nơi đây cho biết, hàng chục bãi cát “khủng” này hoạt động trái phép bên 2 bờ sông Hồng, sát chân cầu Thăng Long từ nhiều năm qua gây nên cảnh khói bụi, mất trật tự, ồn ào và nguy cơ bị tai nạn giao thông, bởi xe tải hoạt động ngày đêm ở các bến bãi này. Nhiều người dân muốn kiến nghị, phản ánh nhưng sợ bị các đối tượng xã hội đe dọa nên đành cam chịu.
Ghi nhận của PV, tại một số bãi vật liệu xây dựng thuộc phường Đông Ngạc, Thụy Phương, Liên Mạc thì hầu hết toàn bộ đường bê tông dân sinh đã bị phá nát. Tại Cửa khẩu K56+000, nơi giao nhau với đường An Dương Vương (phường Đông Ngạc), toàn bộ mặt đường đã bị xe tải làm hỏng, để xe cộ có thể tham gia giao thông, một số tấm thép cỡ lớn đã được trải lên thay thế.
|
Văn bản của Hạt quản lý đê số 1 gửi Chi cục ĐĐ&PCLB Hà Nội. |
Theo văn bản số 46/HQLĐ2 của Hạt quản lý đê số 1 gửi Chi cục ĐĐ&PCLB Hà Nội, hiện trên các địa bàn: phường Đông Ngạc, Thụy Phương, Liên Mạc, Thượng Cát có 29 công ty, doanh nghiệp và cá nhân đang tổ chức kinh doanh, tập kết vật liệu xây dựng. Bảng thống kê của Hạt đê điều số 1 cho thấy, có rất nhiều doanh nghiệp không được cấp phép hoặc được cấp phép nhưng vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đê điều và phòng chống lụt bão.
Ông Hoàng Tất Thành - Hạt trưởng Hạt quản lý đê số 1 cho biết, theo quy định các bến bãi tập kết vật liệu xây dựng không được hoạt động trong mùa lũ hoặc phải tập kết dưới độ cao 2m ngoài mùa mưa lũ, nhưng các doanh nghiệp này liên tục vi phạm.Theo bảng tổng hợp của Hạt quản lý đê số 1, trong tất cả 29 trường hợp thì có đến 21 trường hợp không phép. Có 8 trường hợp được cấp phép thì đều hoạt động sai phép.
Trước những hoạt động tấp nập, trái phép của các bến bãi tập kết vật liệu xây dựng xung quanh khu vực chân cầu Thăng Long như hiện nay. Trong thời gian tới, UBND TP Hà Nội cần chỉ đạo các cấp, ngành xử lý cứng rắn, triệt để, nhằm ổn định hoạt động của các bến bãi này, tránh tình trạng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, sự an toàn của cầu Thăng Long và đảm bảo hành lang đê điều, an ninh quốc phòng.
Báo PLVN sẽ tiếp tục phản ánh./.