Nghịch lý đưa người đi cai nghiện khó hơn bắt tội phạm

(PLO) - Tính đến nay, biện pháp xử lý hành chính (BPXLHC) đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đã được triển khai thực hiện hơn 3 năm trên phạm vi toàn quốc, kể từ thời điểm các quy định liên quan đến việc xem xét, áp dụng các BPXLHC do Tòa án xem xét, quyết định có hiệu lực. Bên cạnh một số kết quả bước đầu thì quá trình triển khai biện pháp này gặp không ít khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi phải có giải pháp tháo gỡ kịp thời mới có thể đáp ứng được yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật về hành chính.
Một học viên bị áp giải vào lại Trung tâm Đồng Nai.

Nhìn từ những vụ hàng trăm học viên trốn “trại”

Tại địa bàn một số tỉnh, thành thời gian qua như Đồng Nai, Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh có hiện tượng học viên các trung tâm cai nghiện gây rối tập thể, đập phá cơ sở, bỏ ra ngoài với số lượng lớn, gây tình trạng mất an ninh, trật tự trong khu vực địa phương. Đây là những vụ việc nghiêm trọng, trực tiếp ảnh hưởng tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đồng thời cũng đặt ra vấn đề phải xem xét, nghiên cứu các biện pháp quản lý, giáo dục nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý tại các trung tâm cai nghiện tập trung.

Có thể điểm lại vụ việc hơn 400 học viên trốn khỏi Trung tâm cai nghiện số 1 (Trung tâm Gia Minh) thuộc xã Gia Minh, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng ngày 14/9/2014. Hay vụ việc 447 học viện trốn khỏi Trung tâm Giáo dục lao động và dạy nghề tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 13/4/2016. Rồi vụ việc học viên liên tiếp trốn khỏi Trung tâm cai nghiện Đồng Nai thuộc xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai ngày 23/10/2016 (gần 600 học viên) và ngày 6/11/2016 (gần 200 học viên). 

Qua các vụ việc trên cho thấy sự hạn chế, xuống cấp về cơ sở vật chất, hạ tầng ở một số trung tâm cai nghiện dẫn đến tình trạng quá tải, việc thiếu thốn nhân sự để đảm bảo an ninh, an toàn, dẫn đến việc khi có sự việc xảy ra thì không thể kiểm soát và ngăn chặn kịp thời. Nhưng điều quan trọng hơn chính là sự thiếu thống nhất, đồng bộ hoặc chưa phù hợp của một số văn bản quy phạm pháp luật trong quy định về BPXLHC đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Chẳng hạn như Thông tư liên tịch số 17/2015, Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) và Luật Phòng, chống ma túy trong việc quy định về thời gian chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và thời gian chấp hành biện pháp quản lý sau cai nghiện... mà vụ việc tại Trung tâm Gia Minh là điển hình. Học viên bức xúc vì phải kéo dài thời gian ở lại tại Trung tâm, sau khi chấp hành xong biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, họ vẫn bị áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy nên đã chạy trốn.

Tập trung giải quyết các vướng mắc thực tiễn

Với tư cách là đơn vị được giao tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về công tác XLVPHC, Cục Quản lý XLVPHC và theo dõi thi hành pháp luật cũng thẳng thắn nhìn nhận nhiều khó khăn, vướng mắc trong áp dụng BPXLHC đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, mặc dù đã có sự vào cuộc của Quốc hội, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Minh Phương cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc xác định tình trạng nghiện ma túy. Do đó, bà Phương đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an nghiên cứu quy định thủ tục và quy trình xác định tình trạng nghiện đối với các loại chất ma túy khác, ngoài loại chất ma túy nhóm Opiats (chất dạng thuốc phiện) và ma túy tổng hợp chất dạng amphetamine (ATS).

Đồng tình, Phó Trưởng phòng Chính sách 06 (Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Vũ Văn Úy nêu thực tế là các chất ma túy như LRX-11, cathinone, ketamine, cocaine, cần sa và các chất hướng thần khác đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều ở nước ta. Điều này đòi hỏi Bộ Y tế phải tiếp tục nghiên cứu ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị. 

Ngoài ra, ông Úy phân tích, hành vi sử dụng ma túy là hành vi có chủ đích, sử dụng ma túy trái phép có hại cho bản thân người sử dụng, cho gia đình và xã hội. Đồng thời xử lý sớm hành vi sử dụng ma túy trái phép với các biện pháp thích hợp giúp họ từ bỏ hành vi sử dụng trước khi họ bị lệ thuộc chất ma túy sẽ mang lại hiệu quả cao hơn so với biện pháp xử lý khi họ đã bị nghiện.

Từ đó, ông Úy kiến nghị Quốc hội nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC, thay việc “áp dụng BPXLHC đối với người nghiện ma túy” bằng “áp dụng BPXLHC đối với người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy”. 

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc: Phải hướng đến mục tiêu tạo thuận lợi cho những người áp dụng thực tiễn

Đối với các BPXLHC, hiện nay được thực hiện trên cơ sở các Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ, nhiều Nghị định, Thông tư khác nhau, tạo thành khung khổ pháp luật đầy đủ. Riêng với BPXLHC đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, số lượng văn bản quy phạm pháp luật cũng khá lớn, bước đầu đáp ứng được nhu cầu về áp dụng BPXLHC này.

Tuy nhiên, qua nắm bắt của Bộ Tư pháp và từ những thông tin đại chúng, dư luận xã hội, việc đưa các đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn tồn tại nhiều vướng mắc, yếu kém, liên quan đến quy định pháp luật, áp dụng pháp luật, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của các cơ sở cai nghiện. Qua đó, đòi hỏi việc xử lý áp dụng biện pháp này phải bảo đảm hài hòa giữa quyền con người, quyền công dân, không thể vì 1 người mà cả xã hội phải khổ và thực tế cho thấy, việc cân bằng lựa chọn như thế nào vẫn là điều chúng ta phải tính toán.

Luật XLVPHC quy định việc áp dụng BPXLHC đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo hướng nhân văn, đề cao quyền con người, đòi hỏi quy trình, thủ tục chặt chẽ, nhiều hồ sơ, giấy tờ nhưng Bộ Tư pháp nhận được phản ánh khó khăn trong quá trình áp dụng. Liên quan đến biện pháp này còn có những quy định của Luật Phòng, chống ma túy thì cần làm sao để 2 Luật cùng hướng đến một vấn đề, một mục tiêu là tạo thuận lợi cho những người áp dụng thực tiễn.

Đội trưởng Đội Địa bàn (Phòng Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy, Công an tỉnh Bắc Ninh) Nguyễn Phụng Sinh: Mong Liên ngành Trung ương sớm hướng dẫn thống nhất 

Theo hướng dẫn hiện hành tại Thông tư liên tịch số 17/2015 mới chỉ xác định tình trạng nghiện đối với 2 loại chất ma túy là ma túy nhóm Opiats và ma túy nhóm ATS. Trong khi đó, thực tiễn có rất nhiều loại chất ma túy mà chúng ta chưa tổng hợp hướng dẫn như ke, ma túy đá, ma túy tổng hợp dạng kẹo, cỏ Mỹ...

Các bác sỹ thì chưa được tập huấn chuyên sâu trong xác định tình trạng nghiện. Tại địa phương có hàng nghìn người nghiện nhưng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được rất ít, đơn cử từ đầu năm đến nay mới đưa khoảng 10 người. 

Đối với một số địa bàn “nóng” về ma túy như thị xã Từ Sơn hay thành phố Bắc Ninh, thực trạng này gây hậu quả cực kỳ phức tạp. Các đối tượng nghiện có thể dẫn theo nhiều vi phạm pháp luật hình sự như trộm cắp, cướp giật, rơi vào tình trạng “ngáo đá” thì có thể gây tội giết người, cố ý gây thương tích, đã có chuyện buồn con giết bố.

Tuy nhiên, do không xử lý, xác định được tình trạng nghiện nên cơ quan Công an đang cực kỳ khó khăn. Mặc dù đã có nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn song các quy định còn chồng chéo. Vì vậy, chúng tôi tiếp tục kiến nghị Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp và cả Bộ Y tế hướng dẫn thống nhất để tạo thuận lợi cho cơ quan Công an và các cơ quan liên quan trong áp dụng BPXLHC đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Ông Nguyễn Đức Cường - Đội Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy, Công an huyện Nam Từ Liêm (TP Hà Nội): Cần sự chung tay của tất cả các lực lượng 

Nghị định số 136/2016/NĐ-CP có nhiều quy định “mở” nhưng việc áp dụng vẫn còn khó khăn bởi đối tượng không chấp hành và trong việc xác định tình trạng nghiện đối với họ - điều kiện tiên quyết để đưa đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Quan niệm hiện nay thì người nghiện là người bệnh, trong khi đối tượng đấu tranh của cơ quan Công an là tội phạm.

Chẳng hạn trong một vụ án hình sự, xét nghiệm được một đối tượng dương tính với ma túy thì không thể xử lý hình sự vì thuộc phạm vi xử lý hành chính. Vậy tại sao chúng ta không chuyển đối tượng sang cơ quan Lao động, Thương binh và Xã hội hay cơ quan Y tế để xác định xem có phải người bệnh hay không? Các cơ quan này khi ấy có thể yêu cầu cơ quan Công an hỗ trợ xác minh lý lịch, áp dụng các biện pháp cưỡng chế chấm dứt việc vi phạm pháp luật.

Trường hợp cơ quan Công an phát hiện đối tượng đang sử dụng ma túy - bắt quả tang - cũng không xử lý hình sự được mà phải chuyển về địa phương nơi đối tượng thực hiện hành vi sử dụng. Địa phương chuyển hồ sơ sang y tế để y tế xác định, nhưng y tế bảo không có chức năng giữ người. Đối với nhóm Opiats thì Hà Nội có Văn bản 7144 rất tiện lợi trong xác định tình trạng nghiện.

Còn đối với nhóm ATS, hiện có tới 90% người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp, có điều theo y tế phải có 12 chấm, công an phải giữ ít nhất 3 ngày để xác định các chấm này (xác định tình trạng nghiện). Nói như thế để thấy rằng tất cả nhiệm vụ từ lúc phát hiện đối tượng đến làm hồ sơ và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc giờ đây đều thuộc “vai” Công an mà chúng tôi vẫn đùa nhau một cách chua xót là “đưa đi cai nghiện khó hơn bắt tội phạm đi tù”. Theo tôi, đã đến lúc cần sự chung tay của tất cả các lực lượng, phân định rõ ra lực lượng nào làm ở giai đoạn nào để đưa được một người bệnh đi cai nghiện bắt buộc.

Đọc thêm