Thích uống rượu hơn đi làm
Người Mảng chủ yếu tập trung sống ở Lai Châu, họ cư ngụ đông nhất tại 6 xã của huyện Nậm Nhùn, với khoảng 3000 nhân khẩu. Họ cũng được xác định là dân tộc nghèo nhất, xong luôn sống ỷ lại, trông chờ vào hỗ trợ và thích uống rượu.
Nhiều người nghiện rượu đến mức, cứ mỗi lần được hỗ trợ gạo, ngô, con giống… là lại “quy” ra rượu để uống. Tiêu biểu như anh Giàng A P. xã Trung Chải, luôn trong tình trạng say mềm.
Hỏi chuyện, anh P. kéo dài giọng: “Thích. Không cơm nhưng phải có uống”. Thật đáng tiếc là, xuất phát từ việc uống rượu tràn lan đã khiến công việc bị bỏ bê.
Theo ghi nhận của phóng viên, dù là mùa làm nương rẫy họa hoằn lắm mới thấy người Mảng ở Trung Chải đi làm. Nơi đây tập trung 130 hộ người dân tộc Mảng sinh sống, nhưng tới hơn 70% là hộ nghèo, còn lại cận nghèo.
|
Những nếp nhà nhỏ xíu của người La Hủ (Lai Châu) |
Năm 2013, Trung Chải được chia tách từ xã Nậm Ban, cơ sở vật chất chỉ là con số 0, và phải mất nhiều tháng sau mới dần được hoàn thiện. Với sự hỗ trợ đắc lực từ chính sách, đời người Mảng đã được nâng lên rõ rệt. Song vẫn thuộc diện nghèo.
Tương tự, bản Nậm Ô và Hua Pảng, xã Nậm Ban (huyện Nậm Nhùn) nơi có 127 hộ dân tộc Mảng với 586 người sinh sống cũng xảy ra tình trạng uống rượu tràn lan.
Vì sao vậy? Câu trả lời mà những cán bộ cơ sở từng phải đau đầu là “đói thì đã có nhà nước lo”. Trong mâm có thể không có cơm, thịt hay đồ nhắm mà chỉ có vài miếng măng nấu lõng bõng, nhưng mỗi người phải có một chai rượu.
Xác nhận thông tin này, ông Nguyễn Anh Đức, Trưởng phòng Kế hoạch (Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu) nói: “Chuyện ỷ lại xảy ra ở hầu hết các dân tộc thiểu số ở địa bàn. Trong đó có người Mảng, Si La và La Hủ. Họ không có ý thức vươn lên. Nhiều người còn nghiện rượu, uống đến nỗi không đi làm được. Từ đó họ lợi dụng hưởng chính sách, gây ra nhiều hệ lụy xã hội”.
Ngược lại, người dân lấy lý do thiếu đất, thiếu nước đồng thời kỹ thuật kém trong khi không có cán bộ khuyến nông thường xuyên hướng dẫn nên… làm không được.
Thậm chí có hộ không có đất trồng lúa. Trước phản ánh của người dân, ông Phạm Minh Hải, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Ban cho biết : diện tích đất sản xuất ở Nậm Ban hạn chế và chỉ làm được một vụ mà chưa được phép khai hoang thêm. Song đó cũng chưa phải là nguyên nhân của cái nghèo. Cái chính vẫn là có hỗ trợ rồi mà không vươn lên được.
Rõ ràng, cùng với ý thức, cộng với điều kiện tự nhiên, đã làm chậm sự phát triển của nhiều xóm bản. Chỉ một số người có lòng tự trọng, được sự giúp đỡ của cán bộ, giáo viên cắm bản mới tích cực chăn nuôi, trồng thảo quả, vực dậy kinh tế gia đình. Tiêu biểu như gia đình anh Chìn A Vào ở bản Nậm Ô, khi kinh tế ổn định, đã mua được máy xát gạo phục vụ bà con trong bản.
Là cán bộ trăn trở với công tác dân tộc, ông Tống Thanh Bình, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lai Châu cho rằng, trình độ của người Mảng thấp, lúc nào cũng mang tư tưởng bình quân, thích được nghèo. Ông Bình kể ra chuyện bi hài:
“Chúng tôi đi nhiều vùng để cùng làm nhà ở cho dân La Hủ ở huyện Mường Tè, Nậm Nhùn. Trong khi các ban ngành đoàn thể hối hả xắn tay làm nhà cho họ thì họ đứng ngoài nhìn mà không hợp tác. Bảo thì họ nói “làm cho thì ở, không thì thôi!”.
Thế nhưng, dù nói thế nào thì cũng có quá nhiều nguyên nhân, cả khách và chủ quan khiến người Mảng, La Hủ, Si La ở Lai Châu, người Cống ở Điện Biên có trên 76% hộ nghèo, dù nằm trong Đề án Phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2015, một chính sách đặc thù cho những dân tộc đặc biệt ít người.
Chưa sát thực tế
Không phải đến năm 2011, khi Đề án Phát triển kinh tế- xã hội được phê duyệt thì bà con các dân tộc đặc biệt ít người mới được giúp đỡ.
Ngay từ năm 2009, với rất nhiều nỗ lực và “chính sách mềm”, Bộ đội biên phòng hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên đã có nhiều hoạt động hỗ trợ người La Hủ (chủ yếu tập trung ở các xã xa xôi và khó khăn nhất của huyện Mường Tè, Mường Nhé.
|
Với nhiều chính sách hỗ trợ của nhà nước, bà con các dân tộc ít người ở Điện Biên đã vươn lên |
Từ đó, giúp cho “người lá vàng” có điều kiện giao lưu với các dân tộc khác, phát triển kinh tế xã hội, hạn chế du canh du cư.
Tiếp theo nữa, với nhiều chính sách ưu việt, kịp thời, đã gắng gỏi kéo những người dân tộc còn rất ít người khỏi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sống cách biệt và lạc hậu, dần tạo cho họ sự hòa nhập với các dân tộc khác. Nhưng nhiều cán bộ cơ sở “kêu” các chính sách có nội dung chồng chéo, thậm chí cùng lúc thực hiện nhiều chính sách dẫn đến hoang mang.
Thí dụ Chương trình 135 và 755 cùng triển khai một lúc về hỗ trợ vốn làm nhà ở, người dân chỉ được chọn lựa một chương trình có mức hỗ trợ nhiều hơn là 135. Vậy thì chương trình 755 sẽ bị tồn đọng.
Hay chính sách ban hành, mong muốn người dân được hưởng, coi đó là động lực để vươn lên, nhưng do sai về cách thực hiện nên người dân lợi dụng trục lợi. Có thể nhận thấy là không ít địa phương sai về phương pháp.
Họ cho rằng cứ giao tiền cho dân là xong, mà không sát sao hướng dẫn cách làm ăn, nên nguồn kinh phí đầu tư cho dân lại trở thành… mối họa. Đơn cử như khảo sát ở những vùng cư dân La Hủ, phóng viên ghi nhận hàng trăm ngôi nhà tạm lợp mái tranh ọp ẹp xiêu vẹo vẫn tồn tại.
Cán bộ địa phương cho rằng, chương trình hỗ trợ về nhà ở, mà chỉ đưa cho họ 8,5 triệu đồng rồi bảo họ góp thêm làm nhà là không khả thi. Bởi người La Hủ có kiểu làm nhà… siêu tốc. Họ nhận tiền về, gọi anh em đến rồi cử nhau vào rừng chặt tre dựng nhà, lấy lá lợp lên. Tiền thì đi mua rượu uống. Từ lúc quyết định đến lúc khánh thành chỉ mất ba tiếng, rất tạm bợ.
Nhà tạm, cứ một trận gió to là đổ, người dân lại di cư dựng nhà khác, quanh năm sống cảnh đầu rừng cuối hẻm. Ông Lò Văn Thoạn, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Điện Biên cho rằng, thương dân thật, nhưng cũng cần rút dần hỗ trợ gạo, muối, quần áo và các nhu yếu phẩm khác. Hãy cho người dân các công trình vĩ mô, phục vụ công cộng.
Ông Thoạn chỉ ra sự bất hợp lý: “Trong khi nguồn vốn đầu tư công trình nhỏ giọt, chậm, thì các hỗ trợ nhỏ lẻ kia cứ được làm thường xuyên, vì thế mà thiếu bền vững. Nên phải chữa bệnh ỷ lại cho người dân bằng nhiều biện pháp có hiệu quả”.
Một trong những mấu chốt của vấn đề, theo nhiều cán bộ cơ sở, cần chính sách “khơi thông” tư tưởng để người dân tộc thiểu số giảm uống rượu, chăm chỉ lao động.
“Nếu cứ đổ tiền cho người dân uống rượu, thì nghèo lại hoàn nghèo thôi. Hãy giảm cho không, tăng cường đầu tư khai hoang ruộng đất, bố trí cán bộ khuyến nông dạy làm nông nghiệp, giáo viên dạy văn hóa và cái chữ để người dân nâng cao văn hóa, nhận thức”, ông Tống Thanh Bình đề xuất.