Theo đánh giá của nhiều người, lập luận VKS đưa ra để buộc tội hai bị cáo là chưa thấu đáo. |
Luật sư: “Công trình 29 không phải nơi để ở”
Hai bị cáo bị cáo buộc “Xâm phạm chỗ ở” của bà Hoàng Thị Thu Thảo vào ngày 19/9/2019 tại số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đa Kao, Quận 1.
VKS cho rằng có đủ căn cứ xác định hai bị cáo “không có chức năng, nhiệm vụ nhưng thực hiện việc đòi nhà là trái luật”, “xâm phạm trái phép nơi ở hợp pháp của bà Thảo”.
Bào chữa cho bị cáo Tùng, LS Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP Hà Nội phản bác) nêu: “VKS kết tội các bị cáo là tự thừa nhận công trình 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm là chỗ ở hợp pháp của bà Thảo. Nhưng không có bất cứ căn cứ nào xác định công trình là nơi để ở và bà Thảo được phép ở. Thứ nhất, chủ sử dụng sở hữu hợp pháp đất và công trình là bà Chi không bàn giao công trình mà chỉ cho phép bà Thảo tham gia giám sát xây dựng. Thứ hai, sau khi phát sinh tranh chấp, bà Thảo đã từ bỏ giao dịch bằng việc khởi kiện đòi trả lại tiền cọc”.
“Thứ ba, bà Thảo là người chiếm giữ trái phép công trình khi bà Chi đi vắng. Chồng bà Chi đã có đơn tố giác hành vi này vào ngày 9/9/2018 và yêu cầu trục xuất bà Thảo ra khỏi công trình nhưng công an không thực hiện”.
“Thứ tư, công trình chưa hoàn thành, bị xử phạt hành chính, buộc tháo dỡ nên không phải là nơi để ở mà là công trình xây dựng”.
“Thứ năm, công trình không được cơ quan chức năng cho phép để ở. Ngày 27/1/2/2018, UBND phường Đa Kao đã có ý kiến chỉ đạo: “Để đảm bảo an toàn, yêu cầu các bên không bố trí người ở lại”. Tại văn bản ngày 8/3/2019, Thanh tra Sở Xây dựng đã đề nghị UBND phường, công an phường có biện pháp xử lý người ở trong công trình; giám sát, không cho người vào thi công. Khi vào ở, bà Thảo bị công an phường xử phạt hành chính về hành vi “cư trú trái phép”.
Luật sư Quynh cho rằng công trình 29 không phải nơi để ở và không phải nơi ở hợp pháp của bà Thảo, không thể quy kết hai bị cáo “Xâm phạm chỗ ở của bà Thảo”.
Về phía bị cáo Tùng, phản bác: “Theo Luật Nhà ở, chủ sở hữu mới có quyền về chỗ ở. Theo cáo buộc của VKS thì tôi đang xâm phạm quyền chỗ ở của tôi hay sao? Nếu tôi không vào công trình, không yêu cầu những người ở đây đi ra thì làm sao khắc phục như quyết định hành chính của Thanh tra Xây dựng”.
Vẫn lời bị cáo Tùng: “Trong Luật Nhà ở, Luật Cư trú cũng không có khái niệm nào là cư trú thực tế hoặc chỗ ở thực tế. Tôi là chủ sở hữu nên không thể là bị cáo. Tại thời điểm xảy ra sự việc, tôi không gây áp lực để buộc những người ở trong nhà ra ngoài”.
“Trong phiên tòa hôm nay, tôi rất mong muốn bà Thảo, bà Lụa, bà Sương có mặt để đối chất có hay không việc ép họ ra khỏi nhà. Nhưng vì sao họ không có mặt mà tòa không áp giải”.
Về phía ông Nam, phản bác: “Tôi chưa bước chân vào công trình 29 thì làm sao “xâm phạm chỗ ở”?”.
Sao lại bảo vệ người chiếm giữ công trình, ở trái phép?
Luật sư Trần Thu Nam (Đoàn LS TP Hà Nội, bào chữa cho bị cáo Tùng) nêu: “Cơ quan tố tụng Quận 1 khởi tố, bắt tạm giam ông Nam là trái thẩm quyền. Tòa án TP HCM đã từng trả hồ sơ vụ án để làm rõ vấn đề này nhưng VKS không thực hiện”.
“VKS mặc nhiên thừa nhận công trình 29 là chỗ ở hợp pháp của bà Thảo là làm vô hiệu hóa các quy định về Luật Nhà ở, Luật Cư trú. Nếu bà Thảo ở hợp pháp thì tại sao bị xử phạt, không được cấp tạm trú?”.
“Hành vi của bị cáo Tùng là thực hiện trách nhiệm của chủ đầu tư theo quyết định hành chính của cơ quan chức năng, nhưng lại tù. Còn người vi phạm pháp luật, chiếm giữ công trình trái phép, ở trái phép sao lại được VKS bảo vệ?”, LS Nam nói.
Cho rằng bà Thảo đã có hành vi chiếm đoạt công trình, vào ở trái phép tại công trình 29 mà không được sự đồng ý của bà Chi, LS Nguyễn Văn Chiến (Đoàn LS TP Hà Nội, bào chữa cho bị cáo Tùng) kiến nghị khởi tố bà Thảo về hành vi “Xâm phạm chỗ ở của người khác”.
Còn LS của ông Nam sau khi phân tích về việc khởi tố sai thẩm quyền của CQĐT và VKS quận 1 đã đề nghị HĐXX khởi tố vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp.
Đối đáp lại, VKS cho rằng “không quan tâm ai là chủ sở hữu công trình 29, không quan tâm các quyết định hành chính có trước 19/9/2019”. Theo VKS, bà Thảo mua và được bà Chi bàn giao công trình để quản lý, thi công theo mục đích sử dụng của bà. Mặc dù công trình chưa được hoàn công nhưng bà Thảo đã hoàn thiện và sinh sống tại đây.
Đồng thời, VKS cho rằng CQĐT đã xác minh hàng xóm, tổ dân phố và công an phường; đều xác nhận bà Thảo có sinh sống tại công trình từ tháng 3/2019 đến ngày xảy ra vụ việc. “Từ đó, công trình là chỗ ở của bà Thảo”, VKS nói.
Về tố tụng, VKS cho rằng khi khởi tố, CQĐT và VKS quận 1 không biết ông Nam là Thẩm phán vì không có văn bản của cơ quan thẩm quyền xác nhận ông Nam là Thẩm phán – Phó Chánh án. Đến ngày 7/10/2019, sau khi khởi tố 7 ngày, Công an quận 1 có văn bản gửi TAND TP đề nghị cung cấp bản sao quyết định bổ nhiệm ông Nam là Phó Chánh án. Từ đó, mới chuyển hồ sơ lên cấp trên “là đúng luật”.
VKS cho rằng ông Nam “đồng phạm vì biết rõ tranh chấp về công trình và khi nghe Tùng nói muốn lấy lại nhà thì ông Nam tư vấn mời thừa phát lại”. Ông Nam có mặt tại nơi xảy ra vụ việc và có lời nói, hành động bế cháu bé nên là đồng phạm”.
Tòa kết luận cơ quan tố tụng Quận 1 khởi tố vụ án sai luật
Tranh luận với VKS, các LS cho rằng trong hợp đồng mua bán không có nội dung nào bà Chi bàn giao công trình cho bà Thảo.
“VKS nói rằng sau khi khởi tố mới biết ông Nam là Thẩm phán, Phó Chánh án. Nhưng các quyết định khởi tố, bắt tạm giam đều ghi rõ nghề nghiệp của ông Nam là “Thẩm phán”. Trước khi bắt giam, Công an Quận 1 khám xét phòng làm việc của ông Nam tại TAND quận 4. Vậy sao nói không biết ông Nam là Thẩm phán?”, LS đặt câu hỏi.
Về quan điểm “không tranh luận sở hữu công trình 29 và các quyết định hành chính trước ngày 19/9/2019”, LS cho rằng VKS không sử dụng chứng cứ có lợi cho hai bị cáo mà chỉ sử dụng chứng cứ bất lợi.
Sau khi nghị án, HĐXX tuyên việc CQĐT và VKS quận 1 khởi tố, bắt tạm giam ông Nam, ông Tùng là trái luật nhưng sau đó đã chuyển hồ sơ đúng thẩm quyền. Xác định khởi tố, bắt giam trái luật nhưng tòa không kiến nghị xem xét gì về trách nhiệm của cơ quan tố tụng quận 1.
HĐXX nhận định công trình 29 là nơi ở của bà Thảo vì công an phường đã có văn bản xác nhận bà Thảo có sinh sống thường xuyên tại đây. Do đó, các bị cáo phạm tội “Xâm phạm chỗ ở của người khác”. HĐXX tuyên ông Nam 1 năm 5 tháng tù, ông Tùng 2 năm tù. Về dân sự, do bà Thảo không nộp chứng cứ chứng minh thiệt hại và không có ở tòa nên tách ra xử lý sau nếu có yêu cầu.
Sau khi tòa tuyên án, ông Nam gào to nhiều lần: “Tôi bị oan. Người ta hãm hại”. Còn Tùng thì định quỳ xuống nhưng lực lượng hỗ trợ tư pháp kéo dậy, đưa ra ngoài. Thân nhân hai người cũng la to, kêu oan.