Trong mỗi gia đình, nơi thờ cúng tổ tiên là không gian tâm linh thiêng liêng nhất, lau cái bàn thờ cũng phải có thái độ trang nghiêm, nhẹ nhàng, tránh xê dịch bát hương mà Đền Hùng chính là cái “bàn thờ” của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Vì thế, hầu như mọi sự trùng tu, bảo tồn hay làm mới, tại nơi khí thiêng hội tụ này đều được nhân dân cả nước quan tâm, trước hết là giới học giả, nghiên cứu lịch sử, văn hóa và khoa học tâm linh. Đã không ít ý kiến bày tỏ sự lo ngại về cách bảo tồn di tích hiện tại có thể làm mất đi giá trị lưu giữ của thời gian và nguy hiểm hơn động đến tín ngưỡng thờ cúng đã trở thành văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận.
Hãy xem từ việc nhỏ nhất như viết sai chữ Nho trên bức hoành phi tại gian đại bái ở Đền Trung “Triệu tổ Nam bang” mà không biết đến bao nhiêu báo chí vào cuộc cùng với sự phản ứng từ phía các nhà văn hóa, các chuyên gia Hán Nôm. Hoặc, như Cột Thề dựng tại Đền Thượng với những nghi vấn thật giả và đã được tiếp thu nay dựng lại cột đó bằng tất cả sự thận trọng cần thiết dù là “dựng lại” bởi nguyên bản đâu còn.
Thế nhưng, việc đưa một cột đá với những lỗ kèo trám xi măng dựng lên trước đó quả là một bài học đáng nhớ và không thể để điều này lặp lại. Ngay cả việc sắp xếp lại cũng phải hết sức cẩn trọng, một bậc thầy Hán Nôm thông tuệ ở Hà Nội cho biết việc đặt bức hoành phi “thanh long bạch hổ” tại Đền Thượng ở phía trong, bên trên cửa lách là không đúng, phải đặt ngoài, thấp hơn các vị được thờ để hỗ trợ các Ngài.
Một chi tiết nhỏ cũng khiến các bậc thức giả phải băn khoăn, lo lắng chứng tỏ người dân quan tâm đến việc thờ tiên tổ như thế nào cho đúng lễ nghi, phép tắc.
Nguy hiểm hơn là người ta đưa những “vật thể lạ” vào nơi thờ cúng thiêng liêng này. Ví dụ hòn đá với những hoa văn và ký tự kỳ quặc, bị coi là trấn yểm mà phải qua rất nhiều sự “đấu tranh” mới “trục xuất” được nó ra khỏi nơi đây.
Hoặc sự xâm thực tinh thần báo đáp tổ tiên bằng những phẩm vật dâng cúng có trọng lượng kỷ lục đã gây nên một sự phản cảm trong chính đồng bào của chúng ta. Đó là những cặp bánh chưng, bánh dày khổng lồ nhưng nhão nhoét, ôi thiu, khách hành hương chẳng thể nào “thụ lộc” nổi hay gây sự phản ứng của cộng đồng khi đem chai rượu khủng rước ở lễ hội. Đó là một sự nhạo báng ông cha chứ thành kính gì đâu.
Một chuyện khác khiến dân tình phải lo lắng cho nơi hồn thiêng sông núi tụ về là việc phá vỡ cảnh quan của địa thế long chầu, hổ phục, núi đột ngột nổi lên trên đỉnh tam giác đồng bằng Bắc bộ. Những quả đồi tượng trưng 99 con voi chầu về, đang bị “xẻ thịt” dần dần để mở đường, xây công trình và cả xúc đất đem bán.
Ngang ngược hơn có cả một khu “du lịch sinh thái” chiếm lĩnh một vùng nơi đất thiêng này thách thức chính quyền và dư luận, khiến người dân bức xúc. Bên cạnh và chung quanh núi Nghĩa Lĩnh, xuất hiện trang trại, nhà sàn và vô số quán ăn, nhà nghỉ. Một không gian tâm linh đã không được giữ cho huyền bí, thiêng liêng mà đã nhuốm màu ô trọc đời thường. Chưa kể đến hiện tượng xô bồ, hỗn loạn trong những ngày giỗ Tổ với hàng quán như hội chợ và hành hương như vỡ trận, sự thành kính chiêm bái còn đâu!
Những năm gần đây, Nhà nước chú trọng vào việc chỉnh trang, tu bổ khu di tích Đền Hùng xứng đáng với địa chỉ tâm linh của cả dân tộc. Nhưng thật đáng tiếc là cái đáng giữ và phải giữ đã không giữ được. Mới đây, báo cáo của Viện Khảo cổ cho biết có tới 90% di chỉ thời kỳ Hùng Vương đã bị phá hủy không còn một dấu tích.
Thật kinh ngạc và xót xa, ai cũng biết rằng di tích và di chỉ không thể nào “làm ra” được và đó chính là “chứng nhân lịch sử”, là minh chứng không lời đầy sức thuyết phục về một thời đại dựng nước hào hùng chứ không phải chỉ là huyền sử.
Núi Nghĩa Lĩnh với Đền thờ Hùng Vương đã trải qua gần 1000 năm và trường tồn trong tâm thức những người dân con Lạc, cháu Hồng.
Đó là “tài sản” thiêng liêng của cả dân tộc này, biểu trưng bất diệt tình đoàn kết và lòng thành kính, biết ơn cùng đạo lý “chim có tổ, người có tông”. Bảo tồn là giữ gìn nghiêm cẩn, nếu làm khác đi thì không khác gì một sự xúc phạm tổ tiên và với toàn thể đồng bào, con dân nước Việt.