4 án tử
Ngày 6/11, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm vụ án hình sự xảy ra tại Công ty Cho thuê tài chính 2 (ALC 2) thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). Từ tháng 4/2008 đến tháng 3/2009, các bị cáo Vũ Quốc Hảo - nguyên Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT ALC 2 và Nguyễn Văn Tài - nguyên Phó Tổng Giám đốc ALC 2 cùng các nhân viên dưới quyền lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao đã ký 10 hợp đồng cho thuê tài chính, mua bán tài sản sai quy định, gây thiệt hại cho Nhà nước tổng cộng hơn 531 tỷ đồng.
Trong đó, Hảo tham ô gần 80 tỷ đồng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại hơn 3,95 tỷ đồng. Đặng Văn Hai - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH xây dựng Quang Vinh - lừa đảo chiếm đoạt gần 61 tỷ đồng và bỏ túi hàng trăm tỷ đồng khác qua hành vi cố ý làm trái và lợi dụng chức vụ…
Kết thúc phiên tòa sơ thẩm, TAND TP.HCM đã tuyên tử hình đối với Vũ Quốc Hảo và Đặng Văn Hai; tuyên Nguyễn Văn Tài và Phạm Xuân Nghị mỗi bị cáo 14 năm tù; Nguyễn Văn Thọ 13 năm tù; Hoàng Quốc Thịnh 6 năm tù; Lê Thị Tám 5 năm tù; Tôn Quang Việt 5 năm tù; Phạm Minh Tuấn, Lê Văn Phong mỗi bị cáo 6 năm tù và Khương Minh Hiệp 3 năm tù.
Tiếp đến, ngày 12/12 TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án tham nhũng tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Từ đầu năm 2007 đến hết năm 2008, thông qua việc mua ụ nổi 83M với Công ty AP – Singapore, Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT) đã cùng với Mai Văn Phúc (nguyên Tổng Giám đốc), Trần Hữu Chiều (nguyên Phó Tổng Giám đốc), Bùi Thị Bích Loan (nguyên Kế toán trưởng), Mai Văn Khang (nguyên thành viên Ban quản lý dự án Vinalines), Trần Hải Sơn (nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines), Lê Văn Dương (nguyên Đăng kiểm viên, Cục Đăng kiểm Việt Nam), Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện và Lê Văn Lừng (nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa) không thực hiện theo quy định của Nhà nước, làm trái các quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, điều kiện nhập khẩu tàu biển, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại… gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước gần 367 tỷ đồng.
Thông qua việc mua ụ nổi 83M trái quy định của Nhà nước, sau khi thanh toán 9 triệu USD cho Công ty AP, Dũng, Phúc, Sơn và Chiều đã tham ô 1,666 triệu USD (hơn 28 tỷ đồng) là số tiền thanh toán mua ụ nổi 83M được Công ty AP chuyển lại Việt Nam.
HĐXX sơ thẩm tuyên phạt Dũng và Phúc mức án tử hình; Chiều 19 năm tù; Sơn 22 năm tù; Loan 4 năm tù; Khang và Dương mỗi bị cáo 7 năm tù; Lừng, Triện và Đức mỗi bị cáo 8 năm tù.
Cần nghiêm khắc hơn với tội phạm tham nhũng
Về hình phạt, đối với các tội phạm về tham nhũng quy định tại Mục A Chương XXI Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999, khung và mức hình phạt đã nghiêm khắc hơn so với các tội phạm khác. Tuy nhiên, trước đây khi áp dụng, do có những quy định khác của BLHS nên các Tòa đã không áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người phạm tội tham nhũng. Nhiều trường hợp phạm tội tham ô, nhận hối lộ có giá trị tài sản đặc biệt lớn lên tới hàng tỷ đồng nhưng chưa có bị cáo nào bị áp dụng hình phạt tử hình. Mặt khác, việc vận dụng Điều 47 BLHS để xử dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc cho bị cáo hưởng án treo tràn lan đã khiến dư luận không đồng tình.
Ngoài ra, cần nghiên cứu về việc không cho người phạm tội hưởng án treo nếu tội phạm mà người đó thực hiện là tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Bên cạnh đó, cũng cần nâng mức hình phạt tiền là hình phạt bổ sung đối với các tội phạm về tham nhũng; quy định hình phạt tịch thu tài sản là bắt buộc đối với một số tội tham nhũng, nhất là đối với các hành vi có thu lợi bất chính lớn...